Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

AI - bàn đạp tăng trưởng của Ấn Độ

AI - bàn đạp tăng trưởng của Ấn Độ

Ấn Độ-nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới-đang được hưởng lợi lớn từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), AI có thể tạo ra 40 triệu việc làm mới ở Ấn Độ vào năm 2030 và đóng góp thêm 957 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia Nam Á vào năm 2035.

02:00 21-05-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực

Lợi ích đầu tiên mà AI mang lại cho Ấn Độ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Tạp chí Nghiên cứu và Phân tích quản lý (JMRA) của Ấn Độ, AI được dự đoán sẽ có tác động đáng kể và thuận lợi đến sự phát triển GDP của Ấn Độ trong những năm tới. Ứng dụng AI có thể giúp tăng năng suất, tạo ra các giải pháp phần mềm hoặc dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP của Ấn Độ.

Theo báo cáo nghiên cứu của Accenture Plc, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý, công nghệ thông tin toàn cầu, AI có tiềm năng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tổng giá trị gia tăng (GVA) hằng năm của Ấn Độ thêm 1,3 điểm phần trăm vào năm 2035.

Hiện nay, tại Ấn Độ, AI được xem là chìa khóa thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, tài chính và nhiều lĩnh vực khác. Đơn cử như đối với lĩnh vực nông nghiệp, AI có thể giúp tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ năm 2017, Ấn Độ đã ứng dụng AI vào nông nghiệp để tạo ra các hệ thống phát hiện sớm sâu bệnh cũng như tối ưu hóa việc tưới tiêu và sử dụng phân bón. Trong lĩnh vực y tế, AI có khả năng cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh cũng như tạo ra các loại thuốc và phương pháp điều trị mới. AI cũng đã tạo ra cuộc cách mạng trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, bằng cách tối ưu hóa việc thực hiện các giao dịch, quản lý rủi ro, quản lý cơ sở dữ liệu với mức độ chính xác và tốc độ xử lý vượt trội so với con người.

Chi mạnh cho AI

Những ưu thế mà AI mang lại là lý do khiến New Delhi đẩy mạnh đầu tư phát triển lĩnh vực này. Tính đến năm 2022, Ấn Độ đã huy động được 3,24 tỷ USD, trở thành quốc gia đứng thứ 5 về đầu tư AI trên thế giới. Đầu năm nay, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục phê duyệt tổng ngân sách đầu tư hơn 100 tỷ rupee (1,2 tỷ USD) trong 5 năm cho “Sứ mệnh AI Ấn Độ”, nhằm phát triển nhiều công nghệ dựa trên AI hơn thông qua mô hình hợp tác công tư.

Theo một báo cáo do Tập đoàn Intel và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) công bố ngày 14-5, chi tiêu hằng năm của Ấn Độ dành cho AI dự kiến sẽ lên tới 5 tỷ USD vào năm 2027, tăng gấp 3 lần con số 1,7 tỷ USD năm 2023. Trong khi đó, chi tiêu của các thực thể Ấn Độ dành cho AI cũng sẽ tăng mạnh, với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 31,5% trong giai đoạn 2023-2027.

Ấn Độ từ lâu đã phát triển thành công ngành công nghệ, với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp tiên phong trong việc phát triển ứng dụng AI, điều này cũng làm tăng niềm tin của người dân vào hệ thống này. Theo kết quả khảo sát toàn cầu Bosch Tech Compass 2024 về công nghệ và AI, 58% người Ấn Độ coi AI là công nghệ quan trọng nhất cho tương lai. Ấn Độ cũng có tỷ lệ sử dụng kỹ năng AI cao nhất trong số các nước G20 và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Ông Santhosh Viswanathan, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Intel tại thị trường Ấn Độ, cho rằng New Delhi đã sẵn sàng dẫn đầu cuộc cách mạng AI toàn cầu. Theo ông, cam kết của Ấn Độ đối với AI đang thúc đẩy sự tăng trưởng mang tính thay đổi. Đến năm 2027, AI sẽ có mặt ở mọi lĩnh vực của Ấn Độ. Tuy nhiên, các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính, bảo hiểm và sản xuất sẽ là những ngành đầu tư nhiều nhất cho AI.

Ấn Độ có lợi thế lớn về nhân lực và sự đầu tư thích đáng cho AI. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng sự phát triển quá nhanh của công nghệ AI sẽ mang đến những rủi ro liên quan đến vấn đề quyền con người, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ AI thay thế con người cũng đặt ra những thách thức đối với cơ cấu thị trường lao động, trong đó các công việc truyền thống ngày càng giảm sút, các công việc liên quan đến công nghệ ngày càng phổ biến; các nhóm yếu thế trong xã hội có thể gặp khó khăn trong tiếp cận các công việc đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao. Việc đầu tư cho AI là cần thiết, nhưng cùng với đó cũng cần đầu tư nghiên cứu để tìm ra cơ chế quản lý kiểm soát AI nhằm phát huy những giá trị, lợi ích mà nó mang lại và giảm các hệ quả tiêu cực.

NGỌC HÂN

Cùng chuyên mục