Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ có trụ sở tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (tên giao dịch tiếng Anh là: Centre for Indian Studies) là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ được thành lập ngày 15 tháng 9 năm 2014. Lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ được chủ trì bới nguyên thủ quốc gia hai Nhà nước, đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và ngài Pranab Mukherjee, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ có trụ sở tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 135 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội. Điện thoại: (+84) 02462827521. Website: cis.org.vn.
1. Vị trí chức năng
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là đơn vị trực thuộc Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, do Giám đốc Học viện chỉ đạo về chuyên môn.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thực hiện các chức năng: Nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về Ấn Độ và quan hệ giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực và thế giới, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học của Học viện; Tuyên truyền đối ngoại về đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; Thúc đẩy và mở rộng các quan hệ hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực hợp tác khác với Ấn Độ.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Nghiên cứu các lĩnh vực triết học, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, dân tộc, ngoại giao, quan hệ quốc tế, ... của Ấn Độ.
- Nghiên cứu các trào lưu tư tưởng của Ấn Độ đương đại; chủ trương, chính sách của chính phủ Ấn Độ trên các bình diện: Chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, dân tộc, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại, đặc biệt là Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ.
- Tham mưu, đề xuất, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Giám đốc Học viện trong việc hoạch định chủ trương, kế hoạch hợp tác giữa Học viện với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo cán bộ của Ấn Độ phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
- Chủ trì tổ chức hợp tác với các tổ chức, cá nhân của Việt Nam và Ấn Độ trong nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực theo chức năng của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.
- Chủ trì tổ chức hợp tác nghiên cứu, tạo dựng các diễn đàn khoa học, xây dựng và phát triển các sản phẩm thông tin khoa học nghiên cứu về Ấn Độ phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại; phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Học viện như: Thông tin nghiên cứu Ấn Độ, sách tham khảo, tài liệu dịch, tài liệu chuyên đề, tài liệu tham khảo.
- Xây dựng Tủ sách người đưa tin Ấn Độ để kịp thời cung cấp tư liệu khoa học phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và hoạch định chính sách.
- Chủ trì phối hợp với các đối tác Ấn Độ tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới về các vấn đề lý luận chính trị, khoa học xã hội, nhân văn và quan hệ quốc tế.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
3. Nhân sự của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
3.1. Lãnh đạo Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ có Giám đốc Trung tâm và Phó Giám đốc, do Giám đốc Học viện bổ nhiệm
- Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu và lãnh đạo Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Học viện và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.
- Phó Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về nhiệm vụ được phân công.
3.2. Nhân sự của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ: Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ có cán bộ cơ hữu và cán bộ kiêm nhiệm do Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ lựa chọn, đề xuất Giám đốc Học viện quyết định.
4. Về tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tài chính
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ có tư cách pháp nhân; có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ tài chính theo quy định của Học viện.
5. Quy chế làm việc
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ quyết định Quy chế làm việc của Trung tâm.