Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ cấp phép vệ tinh LEO nhằm thu hẹp khoảng cách số

Ấn Độ cấp phép vệ tinh LEO nhằm thu hẹp khoảng cách số

Ngày 25/6, IN SPACe cấp ba giấy phép GMPCS cho mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp, nhằm thúc đẩy truy cập Internet băng rộng tới vùng sâu, xa. Sự kiện với phóng thành công Axiom 4 lên ISS và quá trình chuyển giao công nghệ SSLV cho khu vực tư nhân.

08:00 27-06-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tại Hội nghị Không gian Ấn Độ 2025 (ISC) khai mạc ngày 25/6 tại New Delhi, ông Pawan Goenka, Chủ tịch IN‑SPACe – cơ quan quản lý hoạt động không gian dân sự Ấn Độ – đã công bố việc cấp ba giấy phép GMPCS (Global Mobile Personal Communication by Satellite) cho các mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO). Đây được coi là nỗ lực then chốt nhằm khắc phục “khoảng cách số” ở Ấn Độ, đưa truy cập Internet băng rộng đến những khu vực hẻo lánh với chi phí hợp lý.

Cùng ngày, chương trình Axiom-4 vận chuyển nhà du hành Ấn Độ Shubhanshu Shukla và ba đồng nghiệp lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã cất cánh thành công từ Trung tâm Không gian Kennedy (Mỹ) – lần phóng trì hoãn nhiều lần do điều kiện thời tiết và vấn đề kỹ thuật. Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Goenka nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp không gian không dành cho kẻ thiếu kiên nhẫn. Trì hoãn là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang hoàn thiện công nghệ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.”

Về vấn đề phổ tần, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh phân bổ hành chính thay vì tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, đề xuất mức phí 4% doanh thu điều chỉnh (AGR) cho phổ tần vệ tinh do Telecom Regulatory Authority of India (TRAI) đưa ra đã vấp phải phản đối từ Liên minh Các nhà khai thác Di động (COAI), đại diện cho Reliance Jio, Bharti Airtel và Vodafone Idea. Họ cho rằng mức phí này chưa tương xứng so với mạng lưới di động truyền thống. Ngược lại, Diễn đàn Băng thông Rộng Ấn Độ (BIF) – gồm các công ty Big Tech và vệ tinh – khẳng định đề xuất là hợp lý và cần thiết để phản ánh chi phí đầu tư của ngành.

ISC 2025 cũng chứng kiến tiến triển trong chuyển giao công nghệ Tên lửa Phóng Vệ tinh Cỡ nhỏ (SSLV) từ ISRO sang khu vực tư nhân. Hindustan Aeronautics Limited (HAL) đã thắng gói thầu đầu tiên và sẽ nhận công nghệ trong hai năm tới. Đồng thời, IN‑SPACe đang chờ đợi đề xuất cuối cùng từ các doanh nghiệp về dự án chùm vệ tinh quan sát Trái đất trị giá 1.500 tỷ Rupee và sáng kiến “satellite‑bus‑as‑a‑service” (SBaaS).

Trong các phiên thảo luận song song, giới doanh nghiệp kêu gọi IN‑SPACe đóng vai trò “cầu nối” duy nhất – từ cấp phép, kết nối hạ tầng đến huy động đầu tư và hợp tác quốc tế. Họ cũng mong muốn ISRO tập trung vào nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, thay vì trực tiếp cung cấp dịch vụ. Nhiều ý kiến cho rằng việc thông qua Luật Hoạt động Không gian mới sẽ là bước đột phá để mở rộng vai trò của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục