Ấn Độ chuẩn bị khởi động sứ mệnh lên mặt trăng lần thứ 2 Chandrayan-2
Sau khi bị trì hoãn nhiều lần trong năm qua, sứ mệnh lên mặt trăng lần thứ hai - Chandrayaan 2 của Ấn Độ hiện đã hoàn tất, và sẽ được triển khai vào tháng 7/2019.
Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) ban đầu dự định khởi động sứ mệnh vào tháng 4/2018, đã xác nhận rằng, tất cả các mô-đun cho nhiệm vụ sẽ sẵn sàng trong hai tháng tới.
Trong một tuyên bố ngày 01/5/2019, ISRO cho biết: "Tất cả các mô-đun đã sẵn sàng cho vụ phóng Chandrayaan-2 trong thời gian từ ngày 9/7 đến ngày 16/7/2019. Cuộc đổ bộ mặt trăng dự kiến vào ngày 6/9/2019".
Tên lửa sẽ được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh.
Tàu thăm dò sẽ đáp xuống cực Nam của mặt trăng, nơi chưa được khám phá bởi bất kỳ quốc gia nào. Việc hạ cánh của tàu gần cực Nam mặt trăng sẽ có ý nghĩa lịch sử vì nó sẽ cho ISRO cơ hội đặt tên cho địa điểm đó trên mặt trăng.
Lịch phóng sớm nhất là vào tháng 4/2019, tuy nhiên nó đã bị dời lùi ngày. Chủ tịch ISRO, TS Sivan, cho rằng, nguyên nhân của sự chậm trễ là do việc cấu hình lại phần tàu đổ bộ và cần thử nghiệm thêm.
Khi xây dựng nhiệm vụ, cơ quan này tuyên bố rằng, họ sẽ có ba mô-đun là Orbiter, Lander đặt tên là Vikram và Rover đặt tên là Pragyan, tất cả đều do Ấn Độ phát triển.
Các mô-đun Orbiter và Lander sẽ được kết nối và xếp chồng lên nhau như một mô-đun tích hợp. Nó sẽ được bố trí bên trong Tàu phóng vệ tinh địa tĩnh (GSLV) MK-III, một tên lửa ba tầng được trang bị để đưa các vệ tinh nặng nhất lên quỹ đạo. Mô-đun Rover được đặt bên trong Lander.
Sau khi phóng lên quỹ đạo trái đất, mô-đun tích hợp sẽ đạt đến quỹ đạo mặt trăng bằng cách sử dụng mô-đun đẩy quỹ đạo. Lander sau đó sẽ tách ra khỏi Orbiter và hạ cánh xuống một vùng đất mềm tại một địa điểm được xác định trước gần cực Nam mặt trăng.
Không giống như nhiệm vụ mặt trăng đầu tiên vào tháng 10/2008, được phóng bằng tên lửa PSLV và chỉ quay quanh quỹ đạo mặt trăng, Chandryaan 2 sẽ cố gắng hạ cánh xuống bề mặt của mặt trăng.
Rover có bánh xe sẽ ra ngoài để thực hiện các thí nghiệm khoa học trên bề mặt mặt trăng. Các công cụ cũng được gắn trên Lander và Orbiter để thực hiện các thí nghiệm khoa học. Dữ liệu sẽ được chuyển tiếp về trái đất.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024