Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ đề xuất kế hoạch hành động 10 điểm về an ninh lương thực và y tế tại Thượng đỉnh G7 mở rộng

Ấn Độ đề xuất kế hoạch hành động 10 điểm về an ninh lương thực và y tế tại Thượng đỉnh G7 mở rộng

Lời kêu gọi hành động 10 điểm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bao gồm tạo ra một hệ thống lương thực toàn diện, củng cố chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu... bằng cách dỡ bỏ các rào cản chính trị.

07:00 22-05-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ngày 21/5/2023, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng ở Hiroshima của Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề xuất một kế hoạch hành động 10 điểm để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và y tế.

Lời kêu gọi hành động 10 điểm của Thủ tướng Modi bao gồm tạo ra một hệ thống lương thực toàn diện, tập trung vào những người nông dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, củng cố chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu bằng cách dỡ bỏ các rào cản chính trị.

Về an ninh lương thực toàn cầu, Thủ tướng Modi đã chỉ ra việc Liên hợp quốc tuyên bố năm 2023 là Năm quốc tế về kê, đồng thời đề xuất áp dụng hạt kê như một cách để mang lại lợi ích về dinh dưỡng và môi trường, ngăn chặn lãng phí lương thực và phát triển các mô hình thay thế cho phân bón.

Đối với an ninh y tế, ông đề xuất phát triển các hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt, theo đuổi các hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện và y học cổ truyền, đồng thời thúc đẩy y tế kỹ thuật số để đảm bảo bảo hiểm y tế toàn cầu.

Hai đề xuất khác của ông để cải thiện an ninh y tế bao gồm nỗ lực đảm bảo tính di động của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và xây dựng các mô hình phát triển lấy cảm hứng từ nhu cầu của các nước đang phát triển và không bị chủ nghĩa tiêu dùng tác động.

Tham gia phiên họp thứ hai về năng lượng sạch và bảo tồn môi trường, Thủ tướng Modi cho biết, một trong những rào cản đối với việc giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu và an ninh môi trường và năng lượng là “chúng ta chỉ xem biến đổi khí hậu từ góc độ năng lượng.”

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta nên mở rộng phạm vi thảo luận... để giải quyết tất cả những thách thức này... phải thay đổi hành vi cho phù hợp. Trên tinh thần này, Ấn Độ đã tạo ra các giải pháp mang tính thể chế như Mission LiFE (Lối sống vì môi trường), Liên minh năng lượng Mặt Trời quốc tế, Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, Mission Hydrogen, Liên minh nhiên liệu sinh học và Liên minh các loài mèo lớn cho toàn thế giới.”

Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ đang tiến tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 và mạng lưới đường sắt rộng lớn của đất nước sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2030.

Hiện tại, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo ở Ấn Độ là khoảng 175GW và dự kiến đạt 500GW đến năm 2030. Ông cho biết thêm: “Các cam kết về môi trường không phải là trở ngại mà là chất xúc tác trong hành trình phát triển của Ấn Độ."

Trước đó, khi vừa đến Hiroshima, Thủ tướng Modi cho biết ông sẽ nêu các vấn đề liên quan đến Nam Bán cầu tại hội nghị thượng đỉnh G7 và Ấn Độ sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa các tiếng nói đa dạng và đóng góp vào một "chương trình nghị sự mang tính xây dựng và tích cực."

Trong một diễn biến khác, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 21/5, Thủ tướng Modi đã có cuộc gặp song phương hiệu quả với người đồng cấp Anh Rishi Sunak, trong đó hai nhà lãnh đạo đã xem xét quan hệ đối tác chiến lược song phương, bao gồm cả tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Sunak đã nhất trí củng cố hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như thương mại và đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục đại học và giao lưu nhân dân.

Ấn Độ và Anh đã đàm phán về FTA từ tháng 1/2023, với mục tiêu hướng tới một hiệp định toàn diện, theo đó sẽ tăng cường đáng kể quan hệ thương mại song phương với kim ngạch ước tính đạt 34 tỷ bảng Anh năm 2022. Tháng trước, hai quốc gia đã kết thúc vòng đàm phán thứ 9 với các cuộc thảo luận chi tiết về một loạt lĩnh vực./.

 

Nguồn:

VNA+

Cùng chuyên mục