Ấn Độ định hướng ngoại giao “đa liên kết” để “tự chủ chiến lược”
Hàng loạt hoạt động đối ngoại của Ấn Độ những tháng qua là bước triển khai mạnh mẽ chiến lược ngoại giao của Thủ tướng Modi theo hướng “đa liên kết”.
Ngày 26/6/2022, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Munich (Đức) tham dự một số phiên họp Hội nghị thượng đỉnh các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ 26-28/6/2022. Trước đó, ông cũng đã dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến BRICS với lãnh đạo Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi.
Hội nghị hôm 23/6/2022 của BRICS là lần thứ 14 nhóm các quốc gia hiện chiếm 42% dân số thế giới và 31% GDP toàn cầu nhóm họp. Trong khi đó, Thượng đỉnh G7 lần này diễn ra tại lâu đài Elmau (Đức) quy tụ 7 trong số 10 quốc gia công nghiệp lớn nhất thế giới (Anh, Canada, Đức, Italy, Mỹ, Nhật Bản và Pháp) chiếm 45% GDP thế giới. Lãnh đạo Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Senegal tham dự với tư cách khách mời của nước chủ nhà.
Tờ Le Temps (Thụy Sỹ), trích lời một giáo sư Đại học Geneva (Thụy Sỹ), cho rằng việc các Thượng đỉnh BRICS và G7 diễn ra gần như cùng lúc cho thấy rõ nét xu hướng lưỡng phân trong tập hợp lực lượng thế giới, giữa một bên chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, còn bên kia đi theo sự dẫn dắt của Mỹ và phương Tây.
Theo giới quan sát phương Tây, hàng loạt hoạt động ngoại giao nhộn nhịp của Ấn Độ trong những tháng qua được xem là bước triển khai mạnh mẽ trong điều chỉnh chiến lược ngoại giao Ấn Độ dưới thời của Thủ tướng Modi theo định hướng “đa liên kết”.
Hoạt động ngoại giao nhộn nhịp của Ấn Độ là bước triển khai mạnh mẽ trong điều chỉnh chiến lược ngoại giao của Thủ tướng Modi theo định hướng “đa liên kết”. |
Kế thừa và mở rộng
Phương châm “đa liên kết” trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là sự kế thừa chính sách đối ngoại truyền thống “không liên kết” và “trung lập tích cực” của nước này từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dựa trên nguyên tắc “tự chủ chiến lược” hướng tới một châu Á và thế giới đa cực, nơi Ấn Độ trở thành một “cường quốc”.
Theo ông Ian Hall thuộc Griffith Asia Institute, với định hướng “đa liên kết”, Ấn Độ đang chủ trương: tích cực tham gia các tổ chức đa phương cũ và mới; chủ động xây dựng các mối quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên nhiều lĩnh vực; và kiên định theo đuổi các giá trị riêng đảm bảo lợi ích quốc gia của mình.
Những phương châm này lý giải việc Ấn Độ tham gia các thiết chế thuộc BRICS như Ngân hàng Phát triển mới (New Development Bank) trong khi vẫn tiếp tục song hành cùng Mỹ. Đích thân ông Narendra Modi tham dự Thượng đỉnh Bộ tứ tại Tokyo hồi tháng 4 và giờ đây là Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Elmau.
“Tự chủ chiến lược” thực dụng
Ấn Độ cũng tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi với Nga, nước đối tác trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đồng thời không ngừng nâng cấp quan hệ đối tác với các nước phương Tây như Mỹ, Pháp hay Đức. Mặc dù chịu nhiều sức ép từ phương Tây, New Dehli luôn kiên định không tham gia vào làn sóng chỉ trích Nga cũng như các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga do xung đột tại Ukraine. Trước đó, năm 2003, Ấn Độ cũng không chỉ trích Mỹ tấn công Iraq.
Theo Phó Giáo sư Happymon Jacob (Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ), quyết định của New Delhi không chỉ trích Nga “tuân theo logic địa chính trị”. Ông Nandan Unnikrishnan, chuyên gia của Observer Research Foundation có trụ sở ở New Delhi, lại nhận định: “Ấn Độ cần Mỹ để đáp trả các thách thức trong lĩnh vực hàng hải và cần Nga để đối mặt với các thách thức trong thềm lục địa”.
Không chỉ là lý do “địa chính trị”, cách tiếp cận “đa liên kết” của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi còn là lời giải cho bài toán “tự chủ chiến lược” của Ấn Độ.
Theo Trung tâm Stimson (Mỹ), trước đây Liên Xô cung cấp 85% khu vũ khí cho Ấn Độ, song giờ chỉ Nga đã chiếm 46% trong nhập khẩu vũ khí giai đoạn 2017-2021 của nước này. Vũ khí và công nghệ, dù là của Nga, Pháp hay Mỹ, đều là một phần quan trọng trong xây dựng tự chủ chiến lược của Ấn Độ, khi nước này phải nằm giữa hai láng giềng có tranh chấp về lãnh thổ là Trung Quốc và Pakistan.
Ông Manjeev Singh Puri, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, “với vị trí địa lý của Ấn Độ, Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất”.
Không chỉ là lý do “địa chính trị”, tiếp cận “đa liên kết” của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi còn là lời giải cho bài toán “tự chủ chiến lược” của Ấn Độ. |
Từ BRICS đến G7, ngoại giao Ấn Độ đang tiếp tục hành trình từ “không liên kết” tới “đa liên kết”. Song trong dài hạn, khi xu hướng lưỡng phân trong tập hợp lực lượng thế giới trở nên ngày một rõ nét, tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ thực dụng với cả hai bên sẽ là một thách thức không hề đơn giản dành cho New Delhi.
Nguồn: https://baoquocte.vn/an-do-dinh-huong-ngoai-giao-da-lien-ket-de-tu-chu-chien-luoc-188821.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024