Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ-Hàn Quốc: Năm thập niên nhiều ‘gia vị’

Ấn Độ-Hàn Quốc: Năm thập niên nhiều ‘gia vị’

Ngày 10/12, Ấn Độ và Hàn Quốc kỷ niệm dấu mốc 50 năm của mối quan hệ song phương nhiều thăng trầm (1973-2023).

12:00 16-12-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trong tuyên bố nhân sự kiện đặc biệt này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Ấn Độ. Viết trên mạng xã hội X, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định: Quan hệ Ấn Độ-Hàn Quốc là “một hành trình của sự tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ các giá trị chung và mối quan hệ đối tác ngày một phát triển”.

Từ “lạnh” tới “ấm”

Bất chấp vai trò then chốt của Ấn Độ trong ngăn chặn Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh lạnh đã khiến quan hệ của Ấn Độ với Hàn Quốc trở nên căng thẳng. Ban đầu, sáng kiến của Ấn Độ về thiết lập quan hệ với Hàn Quốc năm 1973 chỉ được coi là một cử chỉ ngoại giao và không có nhiều kỳ vọng về tiến bộ đáng kể.

Song, Chiến tranh lạnh kết thúc đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Ấn tượng trước sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các nước Đông Á, các nhà lãnh đạo châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, bắt đầu quan tâm sâu sắc đến thành công của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, khi Seoul tìm kiếm thị trường mới cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của mình, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh của nước này lại ngày càng chú ý tới Ấn Độ.

Xuất phát từ lợi ích chung, Ấn Độ và Hàn Quốc đã xây dựng một mạng lưới thỏa thuận mới, thúc đẩy cả hai củng cố các mối quan hệ.

Cột mốc quan trọng là chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam tháng 2/1996, ký kết Hiệp định Đối tác định hướng tương lai, đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD vào năm 2000. Sau đó, lãnh đạo hai nước đã ký Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp Hàn Quốc - Ấn Độ, tập trung tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư và văn hóa.

Năm 2004, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác lâu dài vì hòa bình và thịnh vượng, đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD năm 2008. Một năm sau, hai bên ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), có hiệu lực từ tháng 1/2010.

Đáng chú ý, khi quan hệ đối tác phát triển trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, cả Ấn Độ và Hàn Quốc cân nhắc hơn về mặt chiến lược. Trước tình hình đó, năm 2010, New Delhi và Seoul đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó bao gồm hợp tác an ninh và quốc phòng biên giới.

Năm năm sau, hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt, thiết lập khuôn khổ cho các cuộc gặp cấp cao hằng năm thông qua thăm song phương và diễn đàn đa phương. Seoul và New Delhi khởi xướng Đối thoại cấp Bộ trưởng 2+2 về ngoại giao và quốc phòng.

Lần gần đây nhất lãnh đạo hai nước gặp nhau là tháng 9/2023, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở New Delhi. Tại đây, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Narendra Modi nhất trí củng cố quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực thông qua hợp tác hài hòa giữa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc và chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Trong hợp tác về kinh tế và thương mại, các cuộc đàm phán sửa đổi CEPA đã được bắt đầu nhằm giải quyết những lo ngại ngày càng gia tăng của cả hai bên.

Đồng thời, New Delhi bày tỏ sự quan tâm đến các hệ thống vũ khí ngày càng hiện đại của Seoul. Đây là tiền đề cho thỏa thuận trị giá 650 triệu USD để xuất khẩu pháo tự hành K9 của Hàn Quốc sang Ấn Độ, cùng với đó là các cuộc thảo luận về các liên doanh tiềm năng để sản xuất hệ thống vũ khí ở đất nước Nam Á.

Đối mặt với rào cản

Tuy có thành tựu trên, hai bên vẫn phải đối mặt không ít rào cản tồn tại từ lâu.

Đầu tiên, dù đã có nỗ lực, đàm phán sửa đổi CEPA vẫn đi vào bế tắc do cả hai đều không sẵn sàng nhượng bộ yêu cầu của nhau. Trong bối cảnh đó, một số ý kiến lo ngại rằng Ấn Độ và Hàn Quốc có thể không đạt được mục tiêu thương mại 50 tỷ USD vào năm 2030. Đầu tư của Hàn Quốc vào Ấn Độ cũng không diễn ra như mong đợi. Số sinh viên Hàn Quốc theo học tại Ấn Độ còn thấp.

Ngoài ra, nhận thức của hai nước về nhau còn hạn chế. Hình ảnh không gian công cộng mất vệ sinh, tỷ lệ tội phạm cao và bất bình đẳng xã hội hiện vẫn tồn tại ở một phần của Ấn Độ đã phủ bóng đen lên hợp tác kinh tế và quốc phòng giữa hai quốc gia. Chênh lệch đáng kể về thu nhập bình quân đầu người, trong đó con số của Hàn Quốc cao hơn rõ rệt so với Ấn Độ, góp phần tạo nên thành kiến về quốc gia Nam Á, qua đó ảnh hưởng đến động lực trong quan hệ đối tác hai nước.

Ở chiều ngược lại, đã đến lúc New Delhi coi Seoul là đối tác toàn diện, chứ không chỉ là nguồn vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ và mua sắm vũ khí mới. Khi Hàn Quốc phải đối phó với thách thức kinh tế và xã hội, bao gồm việc nước này dự kiến sẽ tụt xuống vị trí thứ 15 trong nền kinh tế toàn cầu năm 2050, Ấn Độ cần một chiến lược toàn diện để hỗ trợ Seoul vượt qua những thách thức sắp tới.

Cuối cùng, trong hợp tác quốc phòng, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) vẫn thận trọng trong các thương vụ với New Delhi. Điều này nhiều lần cản trở nỗ lực của Ấn Độ nhằm mua các hệ thống vũ khí tiên tiến của Hàn Quốc và bảo đảm chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc, cản trở việc hiện thực hóa đầy đủ quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước.

Khi đó, hai bên cần thu hẹp khoảng cách về tâm lý, góp phần vào sự phát triển bền vững, thích ứng với sự biến động của thế giới. Điều này là cần thiết để quan hệ Ấn Độ - Hàn Quốc phát triển bền vững trong năm thập kỷ tới và xa hơn nữa.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục