Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ hy vọng nền kinh tế kỹ thuật số tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu người lao động trẻ

Ấn Độ hy vọng nền kinh tế kỹ thuật số tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu người lao động trẻ

Theo trang SCMP, mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ của thế giới sẽ giúp Ấn Độ hiện thực hóa giấc mơ xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ USD nhưng thất bại có thể kéo theo tình trạng bất ổn xã hội trong làn sóng thanh niên thất nghiệp.

11:00 16-11-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Manisha Yogi, một sinh viên người Ấn đang nghĩ đến khả năng thất nghiệp tại ngôi làng Dugari ở Rajasthan, Ấn Độ sau khi học xong đại học. Mới đây, gia đình Manisha Yogi quyết định đăng ký cho cô tham gia chương trình kỹ năng ở thủ phủ bang Jaipur.

Đây là một quyết định khó khăn đối với gia đình cô bởi vì quãng đường đi học từ nhà quá xa mất đến 1/2 ngày, nhưng sau khi hoàn thành khóa học nhập dữ liệu, Manisha bất ngờ có cơ hội nhận được các cuộc gọi phỏng vấn từ các công ty kỹ thuật số mọc lên khắp Ấn Độ.

"Tôi đang chờ xác nhận từ công ty thương mại Paytm. Nếu có cơ hội, tôi muốn nâng cao kỹ năng của mình hơn nữa", Manisha nói khi nhắc đến một trong những công ty thanh toán kỹ thuật số tư nhân lớn nhất Ấn Độ.

Con đường sự nghiệp của Manisha mang đến hy vọng và khát vọng của hàng triệu người trẻ tốt nghiệp hàng năm từ các làng và thị trấn nhỏ Ấn Độ.

Tuy nhiên, không giống như Manisha, không phải ai cũng có thể phát huy được tiềm năng của mình. Khả năng của Ấn Độ trong việc nuôi dưỡng tham vọng của giới trẻ và khai thác cái gọi là lợi tức dân số đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt trong bối cảnh đưa đất nước trở thành trung tâm công nghệ của thế giới và thu hút các công ty khác trên toàn cầu.

Tất nhiên, thành công sẽ giúp Ấn Độ hiện thực hóa tham vọng xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ USD nhưng thất bại có thể kéo theo tình trạng bất ổn xã hội trong làn sóng thanh niên thất nghiệp.

Ấn Độ đã không tiến hành điều tra dân số kể từ năm 2011 nhưng thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính dân số Ấn Độ hiện có hơn 1,4 tỷ người. Những người dưới 25 tuổi chiếm hơn 40% dân số Ấn Độ, nghĩa là khoảng 1/5 số người trên toàn cầu thuộc nhóm tuổi đó. Báo cáo sửa đổi năm 2022 vềTriển vọng Dân số Thế giới cho biết độ tuổi trung bình của người Ấn Độ vào năm 2020 là 29, so với 37 ở Trung Quốc và 48 ở Nhật Bản.

Thách thức ngày càng trở nên cấp bách hơn với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), vì vậy nguồn nhân lực lao động sẽ giảm dần. Theo các nhà phân tích, câu trả lời là nâng cao kỹ năng cho giới trẻ để mở ra những cơ hội mới, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, cũng như khắc phục sự khác biệt về khả năng tiếp cận và tiêu chuẩn đào tạo ở nhiều bang khác nhau.

"Ấn Độ là đất nước rộng lớn, phức tạp và khó khăn. Trước những thách thức mới, chúng ta không thể dừng lại", ông Kirti Seth, Giám đốc điều hành của Hội đồng Kỹ năng Dịch vụ Hỗ trợ Công nghệ Thông tin CNTT tại NASSCOM (Hiệp hội Quốc gia về các Công ty Dịch vụ và Phần mềm) cho biết.

Những công cụ nâng cao kỹ năng

Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã bắt đầu triển khai chính sách thúc đẩy nâng cao kỹ năng nhưng chính sách này phải đối mặt với thách thức mới.

Cụ thể, Ấn Độ mới đưa ra Chính sách Giáo dục Mới trong năm nay nhằm cung cấp nền giáo dục công bằng và chất lượng cho lứa tuổi từ 3 đến 18, chuyển trọng tâm từ học tập luân phiên sang giải quyết vấn đề. Mục tiêu là giúp học sinh trung học tiếp cận với các công nghệ trong tương lai như AI.

Chính phủ liên bang cũng đang nghiên cứu cách tiếp cận theo hai hướng - hợp tác với ngành để mở rộng phạm vi tiếp cận cũng như chuyển sang các chương trình đào tạo và tuyển dụng trực tuyến để dễ dàng truy cập.

Các sáng kiến khác bao gồm trao quyền cho thanh niên thông qua chương trình Kỹ năng Ấn Độ và ra mắt nền tảng trực tuyến ONEST đã liên kết các cá nhân và tổ chức để tìm việc làm.

Chiến lược của Ấn Độ hướng tới phát triển giáo dục và đào tạo kỹ thuật số đang ở giai đoạn sơ khai nhưng có những dấu hiệu cho thấy nước này có thể thành công hơn nếu có sự kết hợp định hướng giáo dục phù hợp.

Cách đây 3 năm, Chính phủ Ấn Độ đã hợp tác với NASSCOM để giám sát và triển khai chương trình Kỹ năng Tương lai nhằm cung cấp các khóa học trực tuyến về các công nghệ như ChatGPT để thu hút sự quan tâm đến các kỹ năng cao hơn. Ông Seth cho biết khoảng 85% số người đăng ký hiện đến từ các thị trấn nhỏ hơn.

"Điều thú vị mà chúng tôi đang thấy là nhu cầu tuyển dụng từ các thành phố cấp 2, cấp 3," ông Seth lưu ý và nói thêm rằng các công ty đã nhận ra "chất lượng nhân lực ở các thành phố khác không tệ chút nào".

Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã cảnh báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng . Đặc biệt ở Nam Á, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng, với 10% người giàu nhất kiểm soát hơn một nửa tổng thu nhập.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 9 cho thấy gần 1/4 thanh niên Ấn Độ, tương đương 23,22%, trong độ tuổi từ 15 đến 24, thất nghiệp vào năm 2022.

Cũng theo một bài báo của Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát vào tháng 4, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp của Ấn Độ đứng ở mức 43% so với 25% ở Trung Quốc và dưới 2% ở Mỹ.

Ông Mekin Maheshwari, người đồng sáng lập Tổ chức Học tập Udhyam, làm việc với chính quyền 10 tiểu bang để nuôi dưỡng tư duy kinh doanh của học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cho biết mở rộng lĩnh vực sản xuất sẽ không thể đáp ứng nhu cầu việc làm, vì vậy tập trung vào việc xây dựng các doanh nhân có thể mở rộng vòng tròn cơ hội thu nhập.

Trong khi các nhà phân tích hoan nghênh các bước cải thiện kỹ năng của lao động trẻ thì họ cũng nhấn mạnh những khoảng trống rõ ràng cần được giải quyết để khai thác tối đa tiềm năng của giới trẻ.

"Chúng ta phải nhìn vào sản phẩm cuối cùng và làm ngược lại… Có những nỗ lực nhỏ cũng thành công. Không phải bất cứ điều gì triển khai ở quy mô lớn cũng sẽ thay đổi hệ thống", Venita Kaul, Cựu giáo sư tại Đại học Ambedkar của Ấn Độ cho biết.

Bà Venita Kaul cho rằng một trong những thách thức lớn nhất với công nghệ như AI là sự không chắc chắn về thị trường việc làm. Bà Kaul chỉ ra rằng các bang miền Nam Ấn Độ có nền giáo dục tiên tiến hơn nhiều so với các bang trong vành đai kém phát triển bao gồm Bihar, Madhya Pradesh, Rajasthan và Uttar Pradesh.

Trong khi đó, Sudarshan Suchi, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ NGO Bal Raksha Bharat, thành viên của Save the Children International lưu ý bởi sự tiếp cận rộng rãi của phương tiện truyền thông xã hội ngày nay, giới trẻ ở vùng sâu vùng xa đã được khơi dậy đam mê, mong muốn có những cơ hội việc làm ngoài truyền thống làm nông lâu đời trong gia đình.

"Công nghệ và kỹ thuật số là vấn đề lớn tiếp theo nhưng nếu được sử dụng một cách mù quáng sẽ gây ra bất bình đẳng hoặc áp lực khác. Vì vậy, chúng ta cần đầu tư vào việc xây dựng năng lực kỹ thuật số và khả năng tiếp cận nhất định," bà Suchi cảnh báo đồng thời nhắc đến tình trạng học sinh từ các gia đình nghèo từng rất khó khăn để tổ chức lớp học trực tuyến trong thời kỳ Covid -19 vì chưa quen với công nghệ, thiếu băng thông và thiết bị./.

Hồng Nhung

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục