Ấn Độ - khắc nghiệt và thanh thản
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng trích đăng bút ký "Ấn Độ - khắc nghiệt và thanh thản" của GS TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Bài viết đã đăng trên Tạp chí Hồ sơ sự kiện, số 43, ngày 10-9-2008.
Gần 10 giờ đêm, máy bay hạ cánh xuống sân bay New Dehli. Anh Nguyễn Hoành Sơn – Tham tán công sứ và anh Nguyễn Trọng Kiên – Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ra đón đoàn. Trời mưa. Đường về trung tâm thành phố tắc nghẽn liên tục vì các điểm kiểm soát của lực lượng an ninh. Đây đó, dưới ánh đèn pha xe có thể thấy những tốp lính khoác súng đứng trong những lô cốt xếp bằng bao cát ngay những ngã ba, ngã tư đường. Chốc chốc, xe lại phải dừng trước những hàng rào di động bằng sắt hay những trạm gác cơ động bằng chính những chiếc xe cảnh sát đỗ ngang đường. Những người lính đeo AK báng gập hoặc súng trường CKC dài ngoẵng chặn các xe đi qua, soi đèn nhìn vào mặt từng người, lật cốp xe để đưa máy dò mình vào kiểm tra. Các anh ở Đại sứ quán nói là do chuẩn bị cho ngày Quốc khánh Ấn Độ vào hôm sau – 15-8, nên lực lượng an ninh mới làm gắt như thế. Kết quả là gần 1 giờ sáng, chúng tôi mới “lóp ngóp” về đến khách sạn.
New Dehli ngập tràn thiên nhiên
Mới hơn 4 giờ sáng đã giật mình thức giấc vì tiếng chim inh ỏi. Giữa trung tâm thành phố mà như đang sống bên cạnh vườn chim. Mở cửa sổ nhìn xuống, bắt gặp đôi sáo đá từ bậu cửa vụt bay đi. Dưới bãi cỏ, mấy con sóc thật xinh đang chạy nhảy thoăn thoắt. Ngoài lề đường còn thấy cả những con khỉ đang đi lại nhởn nhơ. Người ta bảo, người Ấn Độ sống thân thiện với thiên nhiên, quả không sai!
New Dehli thực là một thành phố xanh, không hơn không kém. Cây cối xanh tươi tràn ngập khắp nơi. Thành phố có rất ít nhà cao tầng. Ở khu trung tâm, nơi cư ngụ của tầng lớp thượng lưu giàu có, những đường phố như đi qua giữa rừng, nhìn kĩ mới thấy thấp thoáng những hình khối kiến trúc chìm khuất trong sắc xanh cây cối.
Khắp bầu trời thành phố New Dehli, đâu đâu cũng thấy những cánh diều bay lượn, chao đảo. Những đứa trẻ hiếu động, say mê với trò chơi thả diều. Chúng chạy trên những bãi cỏ, đi trên giải phân cách đường phố, trèo lên những nóc lều, mái nhà, túm tụm thành nhóm vài ba đứa hay một mình để thả diều. Những cánh diều thật đơn điệu, tất cả đều là một mẩu giấy hình vuông, mỗi chiều 20-30 cm dán lên khung cứng mảnh. Tịnh không có một mẫu hình thứ hai, cách chế tác thứ hai khác thế.
Những con sóc chạy trên cành cây hay trên mặt đất, ngay cạnh người đi. Chốc chốc lại bắt gặp những đàn khỉ nhẩn nha đi lại hay nằm uể oải trên hè đường. Chim chóc nhiều vô kể, đủ các loại, từ bồ câu, sáo đá, chim sẻ, chim chèo bẻo đến vẹt, quạ, tu hú, chim cắt, diều hâu... Chim bay trên trời, đậu trên cây cối, trên ban công nhà, sà vào giữa dòng người đi bộ. Những con cò trắng nhởn nhơ đi bên dãy hàng bán cá trong chợ ngoại ô, chờ để ăn những thứ mà những người mổ cá vứt ra. Chó hoang chạy rông khắp thành phố. Lạ nhất là những chú bò to kềnh càng thông thả, nhởn nhơ đi lại nườm nượp. Không ai xua đuổi bò. Người đi bộ lặng lẽ vượt qua bò mà đi. Ô tô cũng đi chậm lại để tránh bò, không bóp còi, nháy đèn. Bò như là chúa tể, sống giữa thành phố mà ung dung tự tại như trên đồng cỏ hoang.
Hôm nay là Quốc khánh của Ấn Độ, các cơ quan chính phủ bạn đều nghỉ, cả các cửa hàng cũng đóng cửa. Đoàn đi thăm đền Hoa sen, thăm đền Akshardham – còn gọi là Đền đá. Từ những công trình kiến trúc này có thể cảm nhận được nền văn hóa, sự tài hoa và khả năng lao động sáng tạo của người Ấn Độ.
Trên đường từ đền Akshardham trở về, chúng tôi đối diện với cảnh sống của những người nghèo khổ. Những dãy lều lụp xụp bằng bìa các tông, bao bì, mảnh kim loại phế thải, che bằng vải nhựa, gỗ ván cũ, giấy bao bì, đè lên bằng những mẩu gạch, mẩu đá, chen chúc nhau bên những con đường ngoại ô. Những người dân đen đủi, áo quần không mấy lành lặn mà sao vẫn vô tư, thanh thản. Tôi nhớ tới lời của Jawaharlal Nehru trong cuốn “Phát hiện Ấn Độ”, đại ý: Ấn Độ là đất nước của sự trái ngược đến khắc nghiệt giữa một số ít người giàu có, xa hoa và đám đông nghèo khổ, cơ cực, giữa trung cổ và hiện đại, giữa kẻ thống trị và người bị thống trị, giữa người Anh và người bản địa. Nhận xét đó hình như vẫn chưa hoàn toàn cũ so với những gì chúng tôi đang nhìn thấy ở đây!
Về đất Phật
10 phút thật nặng nề khi tàu chờ ở Ga Trung tâm đường sắt Bắc New Dehli để đi Bodh Gaya. Trên nền đường ray, đầy những chất thải tiêu hóa từ người, các loại rác thải, bao bì, thức ăn thừa, quần áo rách. Những con chuột cống to xù, lổm ngổm bò đi, bò lại như chốn không người. Trên sân ga, nhiều người ngồi bệt xuống đất hoặc lăn ra ngủ trên những mảnh vải nhựa, thậm chí ngay trên mặt đất. Tôi bỗng nghĩ đến lời giải thích của các bạn Ấn Độ ở Viện Xã hội học: “Ấn Độ phô bày tất cả trước thế giới, cả sự giàu có, hùng mạnh, lẫn sự nghèo đói, khốn khổ!”. Quả đúng thế thật!
Lên tàu, một thế giới khác hẳn. Đây là toa tàu hạng A, nơi dành cho những người khá giả. Toa tàu sạch bong, giường nằm lịch sự, tàu chạy êm, ít lắc. Có lẽ tàu Việt Nam mình khó có thể so sánh!
Hơn 5 giờ sáng, chúng tôi về đến chùa “Việt Nam quốc phật tự”. Nhận phòng, rửa mặt rồi lên sân thượng khu nhà khách 3 tầng trong khuôn viên chùa, cùng nhà sư Nhuận Đạt uống chè, ngắm mặt trời lên trên đất Phật. Từ trên sân thượng nhà khác nhìn ra, khuôn viên chùa rậm như khu rừng nhiệt đới. Tiếng chim hót ríu ran. Từ xa vẳng lại tiếng đôi tu hú gọi nhau trầm bổng, da diết, cái thứ âm thanh mà lâu lắm rồi tôi không được nghe ở Việt Nam. Tiếng chuông chùa buổi sáng ngân lên giữa xứ người mà sao thấy gần gũi, thanh bình!
Sau bữa ăn sáng chay, đoàn đi thăm trung tâm “Bồ đề đạo tràng”. Đường vào cổng khu di tích là một dãy cây bồ đề rợp bóng mát. Rất nhiều người bán các đồ lưu niệm, người ăn xin tụ tập. Những người ăn xin thấy các đoàn khách xuất hiện lập tức xúm lại chèo kéo, thậm chí nằm xoài ra đường, chặn lối đi để xin tiền. Những đứa trẻ gầy gò, lem luốc, lẵng nhẵng bám theo khách nước ngoài, miệng không ngớt “Money! Money!” (Tiền! Tiền!) Thật buồn là ngay trên đất Phật gốc mà vẫn nheo nhóc những phận người đói khổ! Đó đâu phải đã là tất cả, mà mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số hơn 300 triệu người dân Ấn Độ đang sống trong tình trạng nghèo, thậm chí rất nghèo khổ.
Ấn tượng Mumbai
Từ trên máy bay nhìn xuống, thành phố Mumbai (tên cũ là Bombay) trải rộng mênh mông bên bờ biển phía Tây Ấn Độ. Khác với New Dehli, ở đây lô nhô, chen chúc nhà cao tầng. Trước khi hạ cánh, máy bay lướt qua một khu vực rộng lớn toàn ổ chuột.
Anh Nguyễn Xuân Hưng, Tổng lãnh sự tại Mumbai đón đoàn ở sân bay và đưa về nhà riêng. Cả lãnh sự quán ta ở Mumbai chỉ có hai người, anh Hưng và chị Bình. Mọi người đón đoàn thật tình cảm, quý mến, như đón người thân trong gia đình. Chúng tôi chỉ có chưa trọn 2 ngày để làm việc và tận mắt cảm nhận về cái thành phố lớn nhất Ấn Độ này.
Mumbai có gần 20 triệu dân, là thủ phủ của bang Maharashtra. Đây cũng là Thủ đô thương mại và giải trí của Ấn Độ, nơi có nhiều định chế tài chính như Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, Sở Giao dịch Chứng khoán Ấn Độ, Trụ sở ngành điện ảnh và truyền hình Bollywood, nơi cứ trú của nhiều cộng đồng dân cư với các nền văn hóa khác nhau. Thành phố tọa lạc trên phần phía Nam của đảo Salsette, cửa sông Ulhas, soi mình bên bờ biển Aribian. Người dân địa phương vẫn quen dùng tên cũ của thành phố là Bombay. Nhiều công trình kiến trúc của thành phố mang dáng dấp của những đô thị châu Âu. Cổng Ấn Độ (Gateway of India) đứng sừng sững ngay bên bờ vịnh, công trình xây dựng để vinh danh một ông vua người Anh cùng hoàng hậu đến đây lần đầu tiên, vua George V. Từ Cổng Ấn Độ nhìn ra phía vịnh biển thấy rất nhiều tàu biển thả neo hay ra vào cảng. Cảng ở đây chiếm xấp xỉ 50% lượng vận tài hành khách và hàng hóa theo đường biển của cả nước Ấn Độ.
Ở Mumbai, nạn kẹt xe cũng dễ sợ. Trên những con đường lớn chạy dọc thành phố từ khu vực ngoại ô hướng về trung tâm, dòng xe chật cứng, nhích đi từng mét. Trên đường, thấy rất nhiều xe ô tô mang nhãn hiệu Tata – tên của tập đoàn sản xuất thép và chế tạo ô tô nổi tiếng nhất Ấn Độ. Mỗi khi có xe dừng, lại thấy những người ăn xin chạy len lách giữa những chiếc xe, kề tay lên mặt kính để xin tiền. Rất ít khi thấy khách cho tiền, bởi đơn giản là nếu ai đó mở ví ra cho tiền thì ngay lập tức hàng chục người sẽ kéo đến. Chúng tôi đã phải mất hơn 3 giờ đồng hồ để vượt qua khoảng cách chưa đến 20km đường vào trung tâm thành phố.
Thành phố khổng lồ này cũng chẳng giấu gì cái vực thẳm khắc nghiệt giữa giàu sang và nghèo khổ! Nếu ở trung tâm thành phố là hình ảnh của sự phồn hoa, sang trọng hay ít ra thì cũng là dễ chịu của những bin-đinh cao ốc, khách sạn, nhà hàng, thì ở ngoại ô Mumbai là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Đó là những khu ổ chuột bẩn thỉu, hôi hám tạo thành một vành đai ôm lấy thành phố. Và khu vực này cũng chính là tất cả những gì liên quan hay biểu hiện rõ nhất của sự nghèo khổ. Người ta tính có đến 43% dân số của Mumbai đang sống trong những khu ổ chuột. Nghèo khổ cũng là nguyên nhân đẩy hàng chục vạn phụ nữ vào hành nghề bán dâm bất hợp pháp. Đó là chưa kể tới những nguy cơ về an ninh, trật tự, an toàn xã hội đang rình rập. Năm 2006, ở Mumbai đã xảy ra vụ khủng bố đánh bom đồng thời trên các chuyến tàu ngoại ô, giết chết một lúc hơn 200 người. Vụ đánh bom tháng 3-1993 cũng đã giết chết 300 người vô tội.
Vĩ thanh
Chúng tôi chia tay Ấn Độ bằng chuyến máy bay của Hãng hàng không Singapore xuất phát lúc nửa đêm, để lại dưới cánh máy bay thành phố Mumbai nhấp nhánh ánh điện như một rừng sao sa, lung linh huyền ảo bên bờ biển. Chỉ có một tuần đi lại và quan sát ở ba địa điểm của đất nước vĩ đại này thực cũng chỉ là một chút thoáng qua. Song những gì mà chúng tôi đã chứng kiến quả là ấn tượng không dễ phai mờ.
Ấn Độ, đất nước của những bộ sử thi bất hủ - Mahabharata, Ramayana, của những kiệt tác kiến trúc Taj Mahal, Qutub Minar, tổ quốc của những vĩ nhân – Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Rabindranath Tagore, của 4 công dân góp mặt trong danh sách 10 người giàu nhất thế giới và của hơn 1,1 tỉ người đang sinh sống, cũng đang là nơi biểu hiện thật khắc nghiệt của hai thái cực: phát triển và lạc hậu, giàu sang và nghèo đói. Nhưng nói như một bài thơ của R. Tagore: “Tôi đã từng khổ đau, thất vọng; đã từng chết chóc. Nhưng tôi rất sung sướng rằng: tôi đã ở trong cõi đời to lớn này”, và có thể vì lẽ đó mà những người dân Ấn Độ vẫn thật bình tĩnh, thanh thản và tự tin với cuộc sống hiện thực, vẫn rất tôn trọng pháp luật nhà nước, vẫn đặc biệt thân thiện với thiên nhiên, không bao giờ sát hại chim, thú hoang dã. Phải chăng đó cũng là một triết lý sống, một bài học cho chúng ta!
Tháng 8-2008
Chú thích ảnh: Đồng chí, GS TS Tạ Ngọc Tấn trong chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ (Ảnh tư liệu của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ)
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024