Ấn Độ, Nhật Bản đưa ra tầm nhìn “Hành lang tăng trưởng Á – Phi” nhằm đối chọi lại sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc
Thứ Năm, ngày 25/5/2017, Ấn Độ đã công bố tài liệu về tầm nhìn “Hành lang Tăng trưởng Á - Phi” (AAGC) tại cuộc họp Ngân hàng Phát triển Châu Phi đang diễn ra ở Gujarat. Sáng kiến này là tầm nhìn chung của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp phía Nhật Shinzo Abe trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) để kết nối châu Á với châu Phi . Tầm nhìn này nhằm mục đích hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản để phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng ở Châu Phi, được bổ sung bằng kết nối kỹ thuật số.
Tầm nhìn AAGC dựa trên lợi thế lâu năm của Ấn Độ ở châu Phi và nguồn tài chính của Nhật Bản, nhằm mục đích thiết lập một cơ chế hiệu quả và bền vững để kết nối các nền kinh tế, các ngành và viện nghiên cứu, các ý tưởng và con người giữa châu Phi và châu Á. Các quan chức cho hay, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác giữa châu Á và châu Phi, điều này cần được khám phá để tăng trưởng, phát triển, hoà bình, thịnh vượng và ổn định chung của các khu vực này.
Tài liệu trên cho biết: “AAGC sẽ bao gồm bốn thành phần chính: các dự án phát triển và hợp tác, cơ sở hạ tầng có chất lượng và kết nối về thể chế, nâng cao năng lực và kỹ năng, và giao lưu nhân dân. Bốn thành phần này được bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở cả hai châu lục”. Cuộc họp ở Gujarat có sự tham dự của lãnh đạo hai nước và sáng kiến AAGC là một phần của hành lang tự do Ấn Độ - Thái Bình Dương được đưa ra bởi Ấn Độ và Nhật Bản nhằm cân bằng với sáng kiến OBOR của Trung Quốc.
Kết nối số cũng sẽ hỗ trợ sự phát triển của công nghệ sáng tạo và dịch vụ giữa châu Á và châu Phi. Theo những đối tác tham gia vào dự án, châu Á có thể chia sẻ những kinh nghiệm về tăng trưởng và phát triển với châu Phi. Cơ sở hạ tầng có chất lượng sẽ kết nối mọi người, thị trấn, vùng và quốc gia lại với nhau, và giúp mở ra tiềm năng tăng trưởng.
Theo tài liệu trên, nó bao gồm năm khía cạnh đáng chú ý gồm: (a) huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính; (b) phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế xã hội và phát triển của các nước và vùng đối tác; (c) áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao về phương diện tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế được thiết lập nhằm giảm nhẹ tác động môi trường và xã hội; (d) cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng có tính đến các khía cạnh về hiệu quả kinh tế và độ bền, bao quát, an toàn và có khả năng phục hồi thảm họa, tính bền vững cũng như sự tiện lợi; (e) đóng góp cho xã hội và nền kinh tế địa phương.
Cơ sở hạ tầng có chất lượng theo dự kiến của AAGC “sẽ vẫn phù hợp với môi trường địa phương, cộng đồng và sinh kế của người dân”. Trung Quốc thường bị buộc tội, đặc biệt là ở Châu Phi, về việc áp đặt và thực hiện các dự án bỏ qua suy nghĩ của người dân địa phương.
Ấn Độ có lịch sử lâu dài về hợp tác phát triển ở Châu Phi trong việc xây dựng năng lực và đóng góp vào sự phát triển của các ngành xã hội thông qua một số chương trình độc đáo như Mạng lưới internet liên châu Phi. Các công ty Ấn Độ có sự hiện diện bền vững ở khu vực châu Phi. Ngân hàng EXIM của Ấn Độ là tổ chức chính để thực hiện các nhiệm vụ tín dụng phát triển. Ấn Độ có một sự khác biệt trong việc cung cấp công nghệ giá cả phải chăng và thích hợp. Các quan chức cũng cho biết, họ cũng đang làm việc trong các dự án xây dựng năng lực kỹ thuật ở nhiều nước đang phát triển.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024