Ấn Độ thay đổi tư duy về an ninh lương thực
Năm 2022, thế giới đã chịu những biến động khó lường về an ninh lương thực. Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia đã phải thay đổi tư duy về an ninh lương thực.
Tại Singapore, nước này đã tìm mọi cách để duy trì sự ổn định nhập khẩu lương thực. Ấn Độ từ tháng 9 đến tháng 12/2022, lần đầu tiên đã cấm hoàn toàn xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với xuất khẩu gạo trắng và gạo lứt do lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực. Điều này đã đánh động chiến lược an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Gạo và lúa mì đã bất ngờ khan hiếm trở lại.
Jebel Ali là khu cảng nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới tọa lạc tại Dubai. Nằm ở điểm kết nối của 3 châu lục Á - Âu - Phi, đây là nơi trung chuyển nhiều hàng hoá Ấn Độ ra thế giới. Với không ít những nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, đây được xem là cửa ngõ tiến vào các thị trường Trung Đông và châu Phi.
Ấn Độ chiếm 40% thị phần xuất khẩu gạo của cả thế giới. Thông thường từ tháng 11 cho đến tháng 2 năm sau là khoảng thời gian cao điểm của xuất khẩu gạo Ấn Độ. Tuy nhiên, năm nay Công ty Xuất nhập khẩu Golden Rise Trading đã phải cắt giảm công suất khi các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đang chịu quá nhiều sức ép.
Ông Neeraj Nihalani - Công ty Xuất nhập khẩu Golden Rise Trading cho biết: "Ấn Độ đánh thuế 20% đối với các loại gạo ngoài Basmati để cắt giảm lượng xuất khẩu. Cùng lúc lũ lụt tại Pakistan cũng khiến sản lượng gạo sụt giảm. Thị trường gạo năm 2023 gần như chắc chắn sẽ nóng hơn khi các quốc gia đang có xu hướng tích trữ, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều điều bất định".
Giá gạo Ấn Độ hiện đã được xoa dịu nhờ đồng Rupee yếu và phí vận tải đã giảm hơn một nửa so với giai đoạn cao điểm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng với các nhà nhập khẩu gạo Ấn Độ, bài học từ nỗi lo thiếu lúa mì sau chiến sự Nga - Ukraine khiến việc đa dạng hóa nguồn cung gạo không quá phụ thuộc vào đối tác nào trở thành một nhu cầu.
"Như các quốc gia phát triển tại Trung Đông, họ xác định giờ là lúc cần phải nhìn xa. Đa dạng hoá giỏ lương thực của mình, mở rộng nguồn cung từ nhiều quốc gia để luôn đảm bảo đáp ứng cho được nhu cầu lương thực", ông Neeraj Nihalani nói.
Ấn Độ và các quốc gia Nam Á trồng lúa về cơ bản chỉ một vụ, từ tháng 6 cho tới tháng 10 hàng năm. Các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo Ấn Độ bởi thế được cho sẽ còn được duy trì ít nhất cho tới vụ mùa năm sau. Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đang phải lên những kế hoạch dự phòng cho riêng mình.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024
"Thời khắc quan trọng" trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn Độ
Tin tức 11:00 25-08-2024