Ấn Độ thúc đẩy mục tiêu thành “công xưởng” mới của thế giới
Trở thành “công xưởng” mới và nắm giữ vai trò nổi bật trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang là mục tiêu lớn của Ấn Độ, quốc gia có vị trí trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vậy Ấn Độ sẽ làm gì để thúc đẩy mục tiêu đầy tham vọng này?
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman mới đây một lần nữa đã nêu bật mục tiêu này tại một diễn đàn của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Mỹ, theo đó bà nhấn mạnh nước này muốn tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thay thế vai trò của Trung Quốc, theo hãng tin Bloomberg.
Đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị leo thang trên thế giới đã phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các doanh nghiệp phải tìm hướng đi an toàn hơn nhằm duy trì hoạt động sản xuất. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm tránh những rủi ro.
Trung Quốc sau nhiều thập kỷ giữ vị trí “công xưởng” sản xuất toàn cầu, cũng không thể giữ chân được nhiều nhà đầu tư đang lo lắng và chuyển nhà máy sang một quốc gia khác. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chính sách Trung Quốc+1, tức là có ít nhất một nhà máy bên ngoài Trung Quốc.
Đây chính là cơ hội để một số quốc gia tiềm năng khác thúc đẩy mục tiêu lấn sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Ấn Độ được xếp đầu danh sách các quốc gia triển vọng nhất. Trên thực tế, với vị thế của một quốc gia đóng vai trò nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí địa chiến lược quan trọng và dân số đông hàng đầu thế giới, Ấn Độ đã sớm thúc đẩy chiến lược để trở thành “công xưởng” sản xuất của thế giới.
Trong nỗ lực trở thành lựa chọn thay thế hàng đầu cho các công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, Ấn Độ vào tháng trước đã đề ra mục tiêu tham vọng là đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 2.000 tỷ USD cho đến năm 2030.
Ở thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Ấn Độ đã nỗ lực khẳng định vai trò là quốc gia có thể mang lại sự ổn định cho hệ thống này. Sự nổi lên của Ấn Độ như một lựa chọn thay thế tin cậy đang được thúc đẩy bởi những chỉ số tích cực, bao gồm gia tăng đầu tư của chính phủ cho phát triển cơ sở hạ tầng và nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực hậu cần.
Nước này đã đưa ra Chính sách hậu cần quốc gia với mục đích thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, chính sách này sẽ “thêm động lực mới cho lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ”. Dự kiến, cảng container trị giá 900 triệu USD ở Kerala đi vào hoạt động năm nay sẽ giúp Ấn Độ đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm Ấn Độ trên thị trường thế giới.
Theo ông Swati Babel, một chuyên gia kinh doanh tài chính thương mại xuyên biên giới, những yếu tố này đang giúp Ấn Độ xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt bằng cách tạo ra một môi trường ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã thực hiện một số cải cách khác như tự do hóa các tiêu chuẩn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giới thiệu chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), mở cửa một số lĩnh vực, bao gồm quốc phòng và sản xuất, điều chỉnh luật lao động... Nước này cũng tích cực theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do song phương với nhiều nước, trong đó có Australia, Anh và Canada. New Delhi cũng đã nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này, sau 9 năm gián đoạn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Sitharaman, chương trình PLI của Ấn Độ bao phủ 13 lĩnh vực, trong đó có sản phẩm bán dẫn “sẽ mang chuỗi giá trị toàn cầu đến Ấn Độ”. Chương trình này đã giúp tăng năng lực sản xuất điện thoại di động của Ấn Độ, vốn gần như bằng không vào năm 2014, nhưng đến nay, nước này đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Bloomberg cho biết, giá trị xuất khẩu điện thoại iPhone sản xuất tại Ấn Độ của Apple đạt hơn 2,5 tỷ USD tính từ tháng 4 đến tháng 12-2022, gần gấp đôi tổng số của cả năm tài chính trước đó.
Từ năm 2014, Ấn Độ đã đưa ra chiến dịch “Make in India” để giúp Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu và khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia tăng sản xuất ở đây. Mục tiêu của họ là ngành này đóng góp 25% GDP.
Tuy nhiên, theo CNBC, tham vọng trở thành “công xưởng” mới cho thế giới của Ấn Độ sẽ phải vượt qua nhiều rào cản cố hữu. Tình trạng quan liêu, cơ sở hạ tầng lỗi thời và tham nhũng đã khiến nhiều doanh nghiệp ngoại phải rời Ấn Độ. Việc thiếu lao động có kỹ năng và thiếu đột phá sáng tạo, chất lượng sản phẩm chưa tốt và ngần ngại ứng dụng công nghệ cũng được cho là rào cản đối với mục tiêu này.
MAI NGUYÊN
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/an-do-thuc-day-muc-tieu-thanh-cong-xuong-moi-cua-the-gioi-724946
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024