Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ tiên phong trong việc xóa rào cản thương mại, định hình tương lai BRICS

Ấn Độ tiên phong trong việc xóa rào cản thương mại, định hình tương lai BRICS

Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại BRICS lần thứ 15 (21/5/2025), Ấn Độ đề xuất dỡ bỏ mọi biện pháp kiểm soát xuất khẩu giữa các thành viên để tăng cường thương mại nội khối và đoàn kết Global South. Đồng thời, New Delhi nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách WTO và chuyển giao công nghệ xanh.

02:00 24-05-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi ngày càng khẳng định vai trò chủ đạo trên trường quốc tế, cuộc họp Bộ trưởng Thương mại BRICS lần thứ 15, diễn ra ngày 21 tháng 5 năm 2025 dưới sự chủ trì của Brazil, đã ghi nhận những bước đi mang tính định hướng sâu sắc đối với cơ cấu thương mại toàn cầu. Đại diện Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh, một trong những đề xuất nổi bật nhất tại sự kiện lần này là kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu giữa các nước BRICS, nhằm thúc đẩy thương mại nội khối và nâng cao tinh thần đoàn kết của toàn bộ khu vực Global South.

Theo tuyên bố chính thức của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, đề xuất dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu nội khối không chỉ giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, giúp các nền kinh tế thành viên khai thác hiệu quả thế mạnh của nhau. Việc loại bỏ rào cản này được đánh giá là bước đệm quan trọng để BRICS chuyển mình từ liên minh mang tính hợp tác kinh tế đơn thuần sang một khối liên minh có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong thiết lập các quy tắc thương mại đa phương.

Cuộc họp cũng đã nhất trí thông qua Tuyến bố chung BRICS, kèm theo ba phụ lục quan trọng: Tuyên bố về Cải cách WTO và Tăng cường Hệ thống Thương mại Đa phương; Hiệp ước về Quản trị Kinh tế Dữ liệu BRICS; và Khung Thương mại và Phát triển Bền vững BRICS. Ba văn kiện này khẳng định cam kết của khối đối với một nền thương mại toàn cầu công bằng, bao trùm và dựa trên luật lệ, đồng thời lên tiếng cảnh báo việc sử dụng các biện pháp thương mại liên quan đến biến đổi khí hậu không được biến tướng thành công cụ phân biệt đối xử hay rào cản kỹ thuật trá hình.

Trong khuôn khổ chủ đề “Tăng cường hợp tác toàn cầu phía Nam vì quản trị bao trùm và bền vững hơn”, Ấn Độ đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu giải quyết những vấn đề phát triển tồn đọng lâu dài. Trọng tâm là tìm kiếm giải pháp vĩnh viễn cho chính sách dự trữ công nhằm đảm bảo an ninh lương thực (Public Stockholding – PSH). Đây là vấn đề đã gây nhiều tranh cãi tại WTO, khi các biện pháp hỗ trợ nông dân dễ bị coi là trợ cấp gây bóp méo thị trường. Đề xuất “30 for 30” của Ấn Độ, nhằm đưa ra 30 cải cách nhỏ nhưng mang tính đột phá đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập WTO vào năm 2025, cũng nhận được sự quan tâm lớn.

Phát biểu thay mặt Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Shri Piyush Goyal, ông Yashvir Singh, Cố vấn Kinh tế của Bộ Thương mại Ấn Độ, kêu gọi loại bỏ các biện pháp thương mại hạn chế, nhằm bảo đảm tính liên tục cho những chuỗi cung ứng thiết yếu. Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu các nước phát triển hỗ trợ chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường trên cơ sở ưu đãi, đi kèm nguồn tài chính đủ mạnh. Trong bối cảnh thách thức biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, sự hợp tác này được xem là then chốt để các quốc gia đang phát triển có thể vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Một điểm nhấn khác của Ấn Độ tại hội nghị là sáng kiến Mission LiFE (Lifestyle for Environment), nhằm thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm và kinh tế tuần hoàn. Qua đó, Ấn Độ khẳng định quan điểm: phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu chính sách mà còn phải gắn liền với văn hóa, truyền thống của mỗi quốc gia. Sáng kiến này hứa hẹn trở thành mô hình để các nước thành viên BRICS học tập và triển khai, góp phần xây dựng khung trách nhiệm khí hậu công bằng, bao trùm hơn.

Công nghệ số và chuyển đổi số được xác định là trụ cột hợp tác trong tương lai. Hiệp ước về Quản trị Kinh tế Dữ liệu BRICS đã thừa nhận Cơ sở Hạ tầng Công cộng Kỹ thuật số (DPI) như một nhân tố then chốt, mở đường cho tăng trưởng kinh tế số và đổi mới sáng tạo xuyên biên giới. Ấn Độ đã khẳng định vai trò dẫn dắt trong quản trị kỹ thuật số toàn cầu qua các chương trình Digital India và IndiaAI, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác quốc tế trong lĩnh vực DPI, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng thông qua nền tảng Đối tác toàn cầu về AI (GPAI) và G20.

BRICS—gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi—đã trở thành liên minh của hơn 40% dân số toàn cầu và chiếm gần một phần tư GDP thế giới. Từ một diễn đàn hợp tác kinh tế, BRICS đã mở rộng thành không gian định hình quản trị toàn cầu, đấu tranh cho tiếng nói của Global South và thúc đẩy một trật tự đa cực, cân bằng hơn. Việc đón chào Indonesia gia nhập khối vào năm 2025 càng minh chứng tầm quan trọng ngày càng tăng của BRICS như một diễn đàn đại diện cho lợi ích của các nền kinh tế mới nổi.

Với vai trò Chủ tịch BRICS năm 2026, Ấn Độ đã gửi đi thông điệp rõ ràng: sẽ dẫn dắt khối theo hướng công bằng, bền vững và số hóa toàn diện. Sứ mệnh của BRICS trong thập kỷ tới không chỉ là kết nối các nền kinh tế mới nổi mà còn là xây dựng những quy tắc thương mại và phát triển phản ánh nguyện vọng của phần lớn nhân loại, nhất là các nước đang phát triển.

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục