Ấn Độ và Canada trước cơ hội ‘phá băng’ tại Hội nghị thượng đỉnh G7

Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G7 là cơ hội hiếm hoi để hai nước nối lại tiếp xúc cấp cao sau giai đoạn căng thẳng vừa qua.
Bước khởi đầu hàn gắn
Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Canada vẫn còn nhiều bất ổn, Thủ tướng Narendra Modi dự kiến sẽ đến Canada vào giữa tháng 6 theo lời mời của Thủ tướng Mark Carney, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Alberta. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Modi đến Canada kể từ năm 2015.
Mặc dù không phải thành viên của G7, New Delhi liên tục được mời tham dự hội nghị kể từ năm 2019, phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong các vấn đề toàn cầu. Bài viết trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Carney trước giới truyền thông vào tuần trước rằng: “Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5, quốc gia đông dân nhất thế giới và đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Nhà báo Murali Krishnan nhận định, chuyến thăm lần này là cơ hội quý giá để hai quốc gia “phá băng” quan hệ sau những căng thẳng ngoại giao kéo dài từ năm 2023 liên quan đến vụ ám sát công dân Canada gốc Ấn Hardeep Singh Nijjar. Tình hình leo thang khiến hai nước trục xuất các nhà ngoại giao của nhau trong năm 2023 và 2024, làm quan hệ song phương rơi vào khủng hoảng.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Mark Carney nhậm chức Thủ tướng Canada thay cho ông Justin Trudeau vào tháng Ba, tín hiệu “ấm lên” đã xuất hiện. Bài viết trích ý kiến của cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Meera Shankar, hy vọng chuyến công du lần này của ông Modi sẽ là bước khởi đầu để Canada và Ấn Độ nối lại quan hệ.
Tác giả bài báo cho biết thêm, bất chấp những bất đồng chính trị, quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân giữa hai nước vẫn duy trì ở mức cao. Kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 9 tỷ USD trong năm 2023. Các quỹ hưu trí của Canada đã đầu tư tới 55 tỷ USD vào thị trường Ấn Độ. Canada hiện là nơi sinh sống của gần 2 triệu người gốc Ấn – chiếm khoảng 5% dân số nước này và là điểm đến hàng đầu của sinh viên Ấn Độ học tập ở nước ngoài.
Top of Form
Bottom of Form
Đến hoàn toàn “tan băng”
Nhà báo Murali Krishnan chỉ ra rằng dù đã có những nỗ lực hàn gắn, vụ ám sát ông Nijjar vẫn là điểm nóng chưa được giải quyết. Cộng đồng người Sikh tại Canada, ước tính khoảng 800.000 người, có một bộ phận nhỏ vẫn ủng hộ phong trào Khalistan (phong trào ly khai kêu gọi thành lập nhà nước Sikh độc lập tách ra khỏi Ấn Độ).
Chính phủ Ấn Độ yêu cầu Canada có hành động mạnh tay hơn đối với phong trào vốn bị cấm tại Ấn Độ này. Trong khi đó, phía Canada tiếp tục cáo buộc New Delhi đe dọa và theo dõi các nhà hoạt động Sikh trên đất Canada. DW cho biết, một số nhóm Sikh cực đoan tại Canada đã phản đối quyết định mời ông Modi và dự kiến sẽ tổ chức biểu tình trong thời gian diễn ra hội nghị.
Dẫu vậy, nhà ngoại giao kỳ cựu Canada David McKinnon đánh giá đây là bước đi đúng đắn của Thủ tướng Carney, dù ông phải đối mặt với áp lực chính trị nội bộ. Ông McKinnon nhận định với DW: “Dù lãnh đạo phe đối lập Pierre Poilievre đã nhanh chóng ủng hộ lời mời, vẫn còn quá sớm để nói rằng quan hệ song phương đã trở lại bình thường”. Điều then chốt là liệu chuyến đi này có thể mở đường cho một giải pháp chung về các cáo buộc lẫn nhau giữa hai nước, bao gồm vụ ám sát công dân Nijjar và các hoạt động Khalistan tại Canada hay không.
Theo bài viết trên DW, trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7, Ngoại trưởng hai nước đã có cuộc điện đàm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và xác định các ưu tiên chung. Cựu Cao ủy Ấn Độ tại Canada Ajay Bisaria nhận định rằng sự hiện diện của ông Modi tại hội nghị quan trọng sắp tới là cơ hội để ổn định lại quan hệ và tái thiết lập trọng tâm hợp tác vào kinh tế và địa chính trị.
Tác giả bài viết nhấn mạnh rằng sự kiện G7 lần này không chỉ là một hội nghị thường niên, mà là cơ hội ngoại giao chiến lược để Ấn Độ trình bày lập trường với các cường quốc hàng đầu thế giới.
Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Ấn Độ Modi hứa hẹn sẽ là chìa khóa để tái khởi động quan hệ song phương vốn bị rạn nứt nghiêm trọng giữa hai nước. Nếu được xử lý khéo léo, đây có thể là bước đệm cho một giai đoạn hợp tác ổn định hơn giữa hai nền dân chủ lớn, dù những khác biệt sâu sắc vẫn còn hiện hữu.
Baoquocte.vn
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục

Thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ
Tin tức 03:00 14-06-2025


Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại Ấn Độ
Tin tức 02:00 07-06-2025