ASEAN sẽ là trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Theo nguồn tin từ Perth ngày 11/3/2018, khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương là một thực thể chính trị chiến lược và kinh tế quan trọng nhất với Australia và được bao bọc bởi 2 đại dương. Thực tế đó cũng là điều tự nhiên vì Ấn Độ trở thành một trong những nhân tố chủ chốt ở khu vực và một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Sách Trắng đối ngoại của Australia năm 2017 xác định rằng, việc củng cố, thúc đẩy và bảo vệ trật tự quốc tế theo luật pháp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là ưu tiên cao nhất. Quan điểm đó không phải được thổi phồng mà đã được xác lập bằng hệ thống các liên minh, hiệp định, công ước và tổ chức quốc tế. Trật tự quốc tế này ra đời từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với mục đích để chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào thời kỳ đen tối của xung đột toàn cầu. Cũng có những lúc trật tự quốc tế này bị thách thức nhưng đã vượt qua được và hòa bình đã đem lại thời kỳ thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại với hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo khó.
Chúng ta phải củng cố và bảo vệ trật tự này để các nước và cả khu vực cùng nhau phát triển kinh tế trong hòa bình. Trật tự dựa trên luật pháp điều hòa sự ganh đua và hành vi của các quốc gia, đảm bảo rằng, các quốc gia cạnh tranh công bằng và sẽ không đe dọa nước khác gây mất ổn định khu vực, bảo vệ quyền lợi của các nước lớn nhỏ bằng cách ngăn không cho các cường quốc áp đặt ý chí của họ lên các nước yếu hơn. Trật tự này là cơ chế để các nước giải quyết tranh chấp một cách hữu nghị, thông qua đối thoại và trình tự được thỏa thuận.
Đối với Australia, việc sử dụng trật tự theo luật pháp đã dẫn tới thành công. Ngày hôm qua, tôi đã ký một hiệp ước phân định vĩnh viễn đường biên giới biển với Đông Timor. Chúng ta đã đạt thỏa thuận thông qua tiến trình hòa giải được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Tiến trình này là thủ tục đầu tiên bắt buộc phải làm và thông qua hòa giải tranh chấp đã được giải quyết. Trật tự theo luật pháp đã cho thấy giá trị điều chỉnh hành vi của các quốc gia.
Chúng ta cần ủng hộ và củng cố trật tự này, sử dụng các công cụ ngoại giao và nhà nước để củng cố hệ thống quốc tế phục vụ lợi ích của chúng ta cũng như rất nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Để làm được như vậy, vai trò của Mỹ ở khu vực là tối quan trọng. Australia trông chờ và ủng hộ cam kết chính trị và an ninh mạnh mẽ nhất có thể của Mỹ ở khu vực. Bên cạnh đó, Australia cũng gắn kết gần gũi với các đối tác cùng quan điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Ấn Độ - những quốc gia có vai trò quan trọng trong trật tự khu vực. Australia cũng tìm các biện pháp để hợp tác với Trung Quốc, một cường quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và đối tác chiến lược toàn diện tối quan trọng của Australia.
Quan hệ gắn kết, ổn định và mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò cơ bản cho sự ổn định và sức mạnh của trật tự dựa trên luật pháp. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn nói về quan hệ Mỹ và Australia với Đông Nam Á.
Quan điểm của Australia là các quốc gia ASEAN đóng vai trò trung tâm khi bàn về tương lai của Ấn Độ - Thái Bình Dương. ASEAN nằm ở trung tâm cả về địa lý, ngoại giao và chiến lược. Tiếng nói chung của ASEAN đã góp phần định hình trật tự theo luật pháp và ASEAN là chủ trì các hội nghị có cả những cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương như EAS. ASEAN chính là trung tâm kết nối của Ấn Độ - Thái Bình Dương. Những tuyến thương mại chính của Châu Á đi qua vùng biển của ASEAN, các nền kinh tế lớn của châu Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc phụ thuộc vào kết nối giữa hai đại dương qua eo biển Malacca.
Australia từ lâu đã nhận thấy tầm quan trọng của ASEAN và chúng ta đã nỗ lực để Australia tiếp tục là đối tác an ninh, kinh tế và phát triển hàng đầu của ASEAN thông qua:
- Tiếp tục ưu tiên nâng cấp quan hệ song phương với các nước Đông Nam Á;
- Hướng quan hệ vào hỗ trợ Đông Nam Á thịnh vượng, hướng ngoại, ổn định và tự cường;
- Tăng cường hợp tác đối phó với những thách thức xuyên quốc gia như khủng bố, tội phạm và buôn người;
- Tăng cường hợp tác quốc phòng cả về song phương và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt;
- Làm sâu sắc hơn quan hệ đầu tư, thông qua ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực RCEP chất lượng cao và các thỏa thuận thương mại tự do với Singapore, Thái Lan, Malaysia và ASEAN;
- Hợp tác với các nước Đông Nam Á trong các chương trình phát triển để thúc đẩy cải cách kinh tế và tăng trưởng bao trùm, giảm nghèo đói và chống bất công;
- Tăng các chuyến thăm cấp Bộ trưởng.
Australia cũng ủng hộ mạnh mẽ vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN ở các cấu trúc khu vực quan trọng nhất. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Australia lần này, chúng ta sẽ:
- Nhấn mạnh Australia tiếp tục ủng hộ ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực;
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong định hình khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương;
- Thảo luận về việc đối phó với các thách thức và tận dụng cơ hội;
- Tăng cường liên kết kinh tế với khu vực.
Mỹ là đối tác quan trọng của ASEAN nhiều năm qua. Tôi hoan nghênh ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump cho ASEAN và Đông Nam Á, trên cơ sở thành tựu của các chính quyền trước. Đã có nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao như Phó Tổng thống Mỹ thăm Indonesia và Ban thư ký ASEAN tháng 4/2017; Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Tillerson chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 5/2017; Tổng thống Mỹ Trump thăm Việt Nam và Philippines khi dự APEC và EAS trong chuyến công du Châu Á dài nhất trong 25 năm; Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã thăm Singapore, Indonesia và Việt Nam. Quan hệ với Mỹ tăng cường tự cường khu vực và cho các nước trong khu vực sự tự tin và tự do trong việc thúc đẩy trật tự khu vực được điều chỉnh bởi các nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Mặt khác, Mỹ cũng thu được nhiều lợi ích khi quan hệ sâu rộng với các nước ASEAN. Đây là thị trường 630 triệu dân và ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. GDP thực tế của các nước ASEAN đã tăng hơn 2 lần trong 2 thập kỷ qua, tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ tăng lên 161 triệu người vào năm 2030.
Hội nhập kinh tế khu vực cũng đang phát triển nhanh, được dẫn dắt bởi sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Một Hiệp định RCEP mạnh mẽ và đáng tin cậy sẽ bổ trợ cho TPP-11. Ngay cả khi không có Mỹ, TPP-11 là một thỏa thuận hợp tác kinh tế lịch sử của khu vực vì đã đặt ra các nguyên tắc chất lượng và tiêu chuẩn cao để hỗ trợ thương mại, đầu tư và tạo công ăn việc làm.
Một cơ chế khác để tăng cường quan hệ với ASEAN là thông qua phát triển hạ tầng. Trong năm nay, tôi sẽ dự lễ khánh thành cầu Cao Lãnh ở Việt Nam, cây cầu này phục vụ cho 5 triệu người và dự kiến có 170.000 người qua lại mỗi ngày. Đó là biểu tượng cho sự hỗ trợ của Australia cho Việt Nam và Sáng kiến kết nối ASEAN. Với nhu cầu phát triển hạ tầng của khu vực, tôi mong Australia và Mỹ sẽ cùng nhau cung cấp các dự án chiến lược như vậy. Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều khi trong quan hệ kinh tế với Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 giữa Mỹ - ASEAN vượt 270 tỷ USD, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN ước tích có 42.000 công ty Mỹ xuất khẩu sang ASEAN, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo ra nửa triệu việc làm tại Mỹ. ASEAN có 55.000 sinh viên học tập tại Mỹ. Tất cả những điều này giúp nâng cao đời sống nhân dân Mỹ, ngược lại, thương mại và đầu tư của Mỹ cũng giúp nâng cao năng lực, hiệu quả và sáng tạo ở các nước ASEAN. Các công ty Mỹ giúp tạo việc làm và thậm chí tạo cả ngành công nghiệp mới. Tác động và tính bền vững của liên kết kinh tế với Mỹ cần được hiểu rõ hơn hơn Đông Nam Á.
Australia và Mỹ mong muốn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở, thịnh vượng và bao trùm, quyền của các quốc gia được tôn trọng. Bảy thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã chứng minh khu vực nào đón nhận những giá trị này sẽ có nhiều hòa bình hơn, giàu có hơn và liên kết tốt hơn./.
Nguồn: http://songoaivu.tiengiang.gov.vn/khac/-/asset_publisher/QSpp7P8RukDa/content/asean-se-la-trung-tam-cua-khu-vuc-an-o-thai-binh-duong
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024