Báo chí nhân văn và tôn trọng sự thật
Lớp đào tạo báo chí do Viện Phát triển nguồn nhân lực Tiến sĩ Marri Channa Reddy (bang Telangana, Ấn Độ) thực hiện dành riêng cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2024 khá thú vị. Có nhiều điều chúng tôi thấy phải học hỏi từ bạn, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) với trí tuệ nhân tạo (AI) đang được sử dụng phổ biến.
Báo chí tôn trọng sự thật
Có thể khẳng định Ấn Độ là một trong những quốc gia hàng đầu về sử dụng CNTT, đặc biệt là AI trong cả báo chí và mạng xã hội. Tiến sĩ (TS) Kurmanath, Phó ban biên tập cấp cao tờ The Hindu Business cho biết, tòa soạn hội tụ đã được thực hiện ở Ấn Độ từ đầu những năm 2010 và đến đầu những năm 2020, nhiều sản phẩm báo chí có thêm sự xuất hiện của AI.
Plus Media là một công ty chuyên hỗ trợ CNTT cho báo chí, tổ chức họp báo, truyền thông đại chúng... Công ty có biển hiệu nhỏ xíu ít được chú ý, treo trên bức tường đối diện với một cửa hàng bán đồ da đằng sau khu chợ dân sinh nhỏ. Nằm trên tầng 2, cầu thang cũ kỹ, bên trong cũng không quá cầu kỳ nhưng bằng công nghệ, Plus Media kết nối với cả thế giới. Người điều hành công ty, ông Syed Khaled Shahbaaz có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đại chúng và khoa học-công nghệ. Với lĩnh vực báo chí, ông từng phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng, bao gồm các bộ trưởng, quan chức, doanh nhân xã hội và các nhà lãnh đạo cộng đồng. 17 người của Plus Media sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ hình ảnh với AI. Hướng dẫn các nhà báo Việt Nam cách sử dụng công nghệ kết hợp với sáng tạo trong nghệ thuật kể chuyện cho công việc, ông Syed Khaled Shahbaaz nói rằng: "Hiện nay mạng xã hội giữ vai trò quan trọng. Riêng Instagram có tới 95 triệu bức ảnh được đăng lên mỗi ngày. Nhà báo, cơ quan báo chí có thể tận dụng mạng xã hội cũng như công nghệ để phục vụ việc làm báo".
Dù CNTT phát triển nhưng báo chí vẫn phải tôn trọng sự thật. Điều này trở thành “xương sống” của nền báo chí Ấn Độ và được các thầy cô giáo của chúng tôi nhắc đi nhắc lại bằng nhiều hình thức khác nhau. Sau lễ khai giảng, lớp chúng tôi bắt đầu bằng những trò chơi giải đố cùng cô giáo Nirmala Sambamoorthy, cố vấn lãnh đạo Viện Phát triển nguồn nhân lực TS Marri Channa Reddy. Phương pháp học nhẹ nhàng nhưng thông điệp gửi đến khá thú vị khi chúng tôi được hiểu thêm về cách làm việc nhóm, tăng cường đoàn kết tập thể, bớt cái tôi để mang đến hiệu quả cao nhất cho công việc. Đáng nói là những câu đố này buộc chúng tôi phải suy nghĩ và cân nhắc mọi vấn đề thay vì đánh giá sự việc qua vẻ bề ngoài khi chưa hiểu thấu đáo toàn bộ câu chuyện. Cũng bàn về tính xác thực của thông tin, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số, theo ông Pankaj Pachauri, nguyên cố vấn truyền thông của cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, nhà báo phải kiểm tra mọi thứ. Thông tin khác tin tức vì thông tin phải được xác minh mới có thể trở thành tin tức. Giáo sư (GS) Shashidhar Nanjundaiah, Trưởng khoa Truyền thông, Trường Đại học Mahindra (Hyderabad) cũng nhấn mạnh về việc theo đuổi và tôn trọng sự thật khi giảng về các dạng của truyền thông báo chí: “Nhà báo khác thế nào với một người đưa thông tin? Các bạn kể câu chuyện, sự thật hay thực tế?”.
Tính nhân văn luôn được đặt hàng đầu
Báo chí, đặc biệt báo in đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự phát triển của AI. Cạnh tranh công nghệ trong khi doanh thu giảm sút; thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả thay đổi; chi phí sản xuất sản phẩm báo chí như in ấn, phát hành tăng... khiến báo chí bị động, rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. GS Rahul Dass, Trường Truyền thông thuộc Trường Đại học Mahindra (Hyderabad) cho rằng, Ấn Độ, Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới có chung những thách thức trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng tính nhân văn vẫn nên luôn tồn tại”.
Ông nêu ví dụ về hai bức ảnh đoạt giải Pulitzer “Kền kền chờ đợi” của Kevin Carter và “Em bé Napalm” của Nick Út. Hai bức ảnh cho chúng ta thấy điều gì? Bức ảnh của Kevin có vẻ được chụp chỉn chu hơn, từ góc độ, ánh sáng, bố cục... vì ông đã ngắm nghía và tính toán rất cẩn thận trước khi bấm máy. Trong bức ảnh “Em bé Napalm”, Kim Phúc, nhân vật chính không nằm giữa khung hình, cũng không ở góc chụp đẹp nhất. Nick Út bấm máy rất vội để nhanh chóng tìm cách đưa Kim Phúc cùng những đứa trẻ bị thương khác đi cứu chữa. Còn Kevin bị chỉ trích nặng nề vì chỉ chụp ảnh mà không giúp đỡ em bé. “Sự khác nhau về cách hành xử dẫn tới những số phận khác nhau”, GS Rahul Dass bày tỏ.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều giáo viên khác của chúng tôi trong suốt khóa học. GS Shashidhar Nanjundaiah khẳng định: Sự thật không chỉ là sự thật mà còn là văn hóa. Ấn Độ có những người giàu nhất thế giới nhưng cũng có những người dân còn rất nghèo. Vậy truyền thông như thế nào? Ngoài những yếu tố khác, nhà báo phải là người có trách nhiệm.
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục