Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các phương án cho ngân sách năm tài chính 2024

Các phương án cho ngân sách năm tài chính 2024

Trong giai đoạn tăng trưởng mới, chính phủ Ấn Độ không nên tăng cường kiểm soát nền kinh tế, và cần từ bỏ vai trò làm trung gian.

11:00 19-01-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giữa chi tiêu và tiết kiệm, các chính phủ thường làm tốt việc thứ nhất hơn việc thứ hai. Tăng trưởng cao đi kèm với lợi thế là doanh thu của chính phủ tăng lên và kèm theo đó là chính phủ được tăng chi tiêu. Đây là việc đã diễn ra trong tài khóa này. Nhưng đây cũng là thói quen mới hình thành. Nếu tốc độ tăng trưởng giảm xuống—như dự kiến sẽ giảm trong năm tài chính 2024—việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ gây chấn động chính trị ngay trước cuộc tổng tuyển cử. Tốt hơn hết, hãy biết chi tiêu có chọn lọc ngay từ bây giờ.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã đệ trình bản dự thảo ngân sách đầu tiên của bà vào tháng 7 năm 2019 trong thời điểm tình hình hỗn loạn kéo dài, các khoản tài trợ lớn ngoài ngân sách cho khu vực công bị đánh giá là việc làm sai lầm bắt nguồn từ chính sách tài khóa từ tháng 5 năm 2014. Cộng thêm sự sụt giảm nhanh chóng của giá dầu quốc tế trong giai đoạn 2015 đến 2018, thâm hụt tài khóa (FD) Ấn Độ đã giảm từ 4,5% GDP, mức mà chính phủ Quốc hội sắp mãn nhiệm đã để lại vào năm 2013-14, lên 3,5% trong năm 2016-17. Chính phủ liên minh đặt ra mục tiêu thâm hụt tài khóa chỉ 3% và dường như đây là mục tiêu khả thi.

Trong nửa thế kỷ trước năm tài chính 2017, FD ở mức dưới 3% GDP chỉ trong ba tài khóa (năm tài chính 1971 là 2,96; năm tài chính 1974 là 2,53 và năm tài chính 1975 là 2,85%)—tất cả đều dưới sự giám sát của nhà dân chủ xã hội bang Maharashtra, Bộ trưởng Tài chính  Yashwantrao Balwantrao Chavan. Để đạt được các tiêu chuẩn quản lý tài chính “thông lệ tốt” nhằm đạt được mục tiêu FD rất khó này, chính quyền Modi cần làm việc theo hướng nhằm tới kết quả cuối cùng.

Nhưng chính quyền đã không đạt được kết quả này. FD giảm 1 điểm phần trăm do giá dầu quốc tế (giỏ hàng nhập khẩu của Ấn Độ) giảm 20% trong năm tài chính 2015 và giảm thêm 45% trong năm 2015-16. Khoản thu nhập từ thuế bất ngờ này được sử dụng để mở rộng chi tiêu phúc lợi và cơ sở hạ tầng, thay vì chuyển cho khách hàng bán lẻ các sản phẩm xăng dầu thông qua mức thuế suất cụ thể thấp hơn. Giá dầu tăng từ năm tài chính 2019 làm cạn kiệt bộ đệm này. Các lựa chọn là sự kết hợp giữa việc cắt giảm kinh phí và tăng FD. Thay vào đó, một tùy chọn không theo tiêu chuẩn được ưu tiên để giữ lại FD khoảng 3,5 phần trăm. Thay vì thanh toán các hóa đơn quá hạn của Tập đoàn Lương thực Ấn Độ, công ty mua và phân phối lương thực cho chính phủ, một khoản vay ngoài ngân sách đã được sắp xếp dựa trên tài sản thế chấp là tài sản do Tổ chức Tiết kiệm Nhỏ Quốc gia nắm giữ. Điều này chỉ đơn giản là thúc đẩy trách nhiệm pháp lý của chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đã tiếp quản chiếc ghế nóng vào tháng 5 năm 2019. Đúng với tính cách, bà quyết tâm giải quyết vấn đề này bằng cách dành một khoản trong ngân sách năm tài chính 2021, số tiền 2,64 nghìn tỷ INR (1,2% GDP) để thanh toán những khoản quá hạn này. Một lần nữa, chúng ta đang ở trong thời đại lạm phát cao và giá dầu nhập khẩu cao. Cần phải can đảm và khôn ngoan để giảm FD từ 9,2% (năm tài chính 2021—năm COVID-19) xuống mục tiêu 6,4% trong tài khóa này. Việc thiết lập một xu hướng giảm trong ngắn hạn quay trở lại mức FD là 3,5% GDP (được nhìn thấy lần cuối trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2018) đang gặp phải ba thách thức.

Vết dầu loang của bất ổn và lạm phát toàn cầu

Giá dầu lên xuống theo xu hướng khó dự đoán do xung đột ở Ukraine. Nhờ chính sách ngoại giao nhạy bén của Ấn Độ, và do Ấn Độ không hùa theo làn sóng tẩy chay dầu rẻ hơn của Nga, nên giá dầu nhập khẩu vào Ấn Độ giữ ở mức 77,7 USD/thùng vào tháng 1 năm 2023. Nhưng việc mở cửa liên tục của Trung Quốc có thể làm giá dầu tăng. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) dự đoán lạm phát bán lẻ, được đánh giá ở mức 5,78% (tháng 12 năm 2022) sẽ có xu hướng giảm trong năm tài chính 2024. Tuy nhiên, các tín hiệu về lạm phát tiềm ẩn thông qua lạm phát cơ bản (không bao gồm lương thực và nhiên liệu dễ bay hơi) trên 6% là đáng lo ngại. Sự gián đoạn trong nguồn cung cấp năng lượng có thể làm đảo lộn kỳ vọng lạm phát lạc quan. Kiểm soát lạm phát bằng cách giảm thuế đối với nguồn cung cấp bán lẻ các sản phẩm xăng dầu sẽ làm gia tăng khủng hoảng tài chính. Thuế tiêu thụ đặc biệt/giảm thuế đối với các sản phẩm xăng dầu là 3,6 nghìn tỷ INR, 16% doanh thu ròng của chính phủ liên minh và 2,6 nghìn tỷ INR, 7,5% “thu nhập riêng” của chính quyền các bang trong năm tài chính 2022.

Việc giảm sâu (1 điểm phần trăm) thâm hụt ngân sách xuống 5,5% cũng có thể giúp giảm lạm phát. Căng thẳng tài chính có thể được giảm bớt bằng cách ưu tiên chi tiêu với các chỉ số hiệu quả vốn tối thiểu đã được thử nghiệm. Mở rộng các kết nối đường ống dẫn nước uống không lưu trữ và cung cấp nước dự phòng là một ví dụ về phân bổ vốn không hiệu quả. Đáng buồn thay, các số liệu hiệu quả đã được chứng minh cho các khoản chi ngân sách thay thế không được sử dụng.

Gánh nặng nợ cao của Ấn Độ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi tài khóa

Về cắt giảm nợ công, bộ trưởng Tài chính đã lưu ý trong bài phát biểu về ngân sách năm tài chính 2020-21: “Nợ của Chính phủ Trung ương từng là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm trong nền kinh tế của chúng ta vào tháng 3 năm 2019 xuống còn 48,7% GDP so với mức 52,2% vào tháng 3 năm 2014”. Chỉ hai năm sau, nợ của chính phủ liên minh đã tăng lên 59% GDP (năm tài chính 2022) và tổng nợ của chính phủ liên minh và các tiểu bang lên đến 84% GDP. Không có gì đáng ngạc nhiên, các khoản thanh toán lãi vay trong năm tài chính 2023 (được lập ngân sách) ở mức 9,4 nghìn tỷ INR, là nhóm chi phí lớn nhất, chiếm 43% doanh thu thuần trong ngân sách của liên minh, tăng từ 41,7% trong năm tài chính 2021. Dịch vụ quốc phòng và an ninh trong nước ở mức 15%, tiếp theo là trợ cấp (thực phẩm, phân bón và nhiên liệu) ở mức 14% và lương hưu của chính phủ theo chỉ số lạm phát ở mức 9%.

Bốn khoản chi này chiếm 81% tổng doanh thu ròng, chỉ để lại 19% cho các khoản chi “thu nhập” khác. Thâm hụt doanh thu hiệu quả được lập ngân sách là 1,8% GDP trong năm tài chính 2022, cho thấy rằng khoảng 4 nghìn tỷ INR hoặc 43% khoản thanh toán lãi đang được tài trợ bằng khoản vay bổ sung. Những con số này thể hiện sự phát triển tương đối không bền vững. Các nền kinh tế tăng trưởng cao có thể đủ khả năng để làm điều này, cũng như các “công ty mới thành lập”, vay nợ dựa trên triển vọng tăng trưởng trong tương lai của họ. Đối với một nền kinh tế lớn, có thu nhập trung bình thấp như Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng dài hạn vừa phải trong lịch sử (4 đến 6%), ảnh hưởng đến khả năng tài chính dự trữ để ứng phó, thông qua các biện pháp ngược chu kỳ, đối với suy thoái kinh tế do các cú sốc kinh tế gây ra, đây là chiến lược đầy rủi ro.

Cơ sở hạ tầng tụt hậu

Cơ sở hạ tầng vẫn là lực cản đối với tăng trưởng mặc dù đường cao tốc liên tỉnh đã được cải thiện. Có thể kết nối viễn thông tốt hơn bằng cách tăng cường sử dụng mạng băng thông rộng Bharat Net để bao gồm cả những mạng bên ngoài các thành phố lớn trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR). Lưới điện đã được kéo đến hầu hết người tiêu dùng, nhưng độ tin cậy và chất lượng cung cấp vẫn còn là dấu hỏi, bằng chứng là có tới 40% số hộ gia đình có thu nhập cao mua pin lưu trữ phi tập trung hoặc máy phát điện diesel dự phòng. Các giải pháp vận tải đa phương thức vẫn còn kém phát triển. Nhà ga xe lửa và bến xe buýt ở hầu hết các thị trấn và khu vực nông thôn chưa được cải thiện. Khả năng cạnh tranh của các cảng lớn của Ấn Độ năm 2018 được xếp hạng 42, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan do cơ sở hạ tầng và thời gian quay vòng kém. Mạng lưới khí đốt vẫn còn non trẻ với chỉ 10,1 triệu điểm kết nối so với 309 triệu người sử dụng bình gas khí hóa lỏng LPG, một chất thay thế dễ bay hơi dùng làm nhiên liệu đốt để nấu ăn, so với khí đốt tự nhiên qua đường ống.

Khoản chi tiêu đáng chú ý là 103 nghìn tỷ INR trong 5 năm đã được cung cấp trong ngân sách năm tài chính 2020 cho đường ống cơ sở hạ tầng quốc gia với 6500 dự án (hiện được tăng cường lên 8968 dự án) với 2.100 dự án đang được phát triển hiện nay. Chi tiêu vốn của chính phủ liên minh đã tăng hơn gấp đôi từ 3,4 nghìn tỷ INR trong năm tài chính 2020 lên 7,5 nghìn tỷ INR (trong ngân sách) trong năm tài chính 2022-23. Theo ước tính trước của các tài khoản thu nhập quốc dân, “tổng hình thành vốn cố định” chỉ tăng 10% từ tỷ trọng GDP là 26,6% trong năm tài chính 2021 lên 29,2% trong năm tài chính 2023. Điều này cho thấy rằng đầu tư tư nhân đã “không được thu hút đầy đủ”. Một số nguyên nhân là do đầu tư công đã thay thế cho đầu tư tư nhân bị suy giảm trong đại dịch COVID-19. Các khoản đầu tư tư nhân sẽ phản ứng như thế nào trong tương lai, sẽ là phép thử xem liệu các khoản đầu tư của khu vực công có được nhắm mục tiêu một cách thận trọng để đáp ứng những khoảng trống trong đầu tư tư nhân hay không. Thực tế là khai thác mỏ và sản xuất, hai ngành làm hàn thử biểu cho tâm lý đầu tư tư nhân, được ước tính sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 2,5% và 1,6% trong tài khóa hiện tại, nhưng con số đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Nới lỏng dây cương

Nền kinh tế đang trong giai đoạn mà sự can thiệp của chính phủ chưa được đặt đúng chỗ để xác định hướng tăng trưởng. Điều này trái ngược với những năm COVID-19 khi chính phủ, với nguồn ngân sách lớn và phạm vi chi tiêu rộng, được đặt vào vị thế tốt để giữ cho nền kinh tế phát triển và hỗ trợ thu nhập cho người dân, chính phủ đã làm rất tốt việc này.

Trong giai đoạn tăng trưởng mới, chính phủ Ấn Độ không nên tăng cường kiểm soát nền kinh tế, và cần từ bỏ vai trò làm trung gian. Phản ứng toàn cầu đối với suy thoái kinh tế là tăng cường kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế. Ấn Độ nên chống lại xu hướng đó bằng cách đẩy nhanh quá trình tự do hóa kinh tế chưa hoàn thiện bắt đầu từ năm 1991. Thứ nhất, tiếp tục quá trình tư nhân hóa và thoái vốn, vốn đã bị trì hoãn nhiều đối với các doanh nghiệp khu vực công và các tổ chức tài chính thuộc sở hữu của chính phủ. Thứ hai, làm cho Đường sắt Ấn Độ trở thành một thực thể được điều hành thương mại, được quản lý độc lập, mang lại thặng dư cho chính phủ thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ từ ngân sách. Thứ ba, tối đa hóa tác động kinh tế bằng cách khuyến khích chi tiêu tài chính công dựa trên các thước đo cạnh tranh về hiệu quả phân bổ giữa các phương án đầu tư và mô hình thực hiện chương trình/dự án. Ấn Độ có động lực phát triển. Những gì đất nước cần là được nới lỏng dây cương cho cỗ xe phát triển tiến lên.

Tác giả: Sanjeev S. Ahluwalia là Cố vấn, Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát Ấn Độ - ORF

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục