Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan có leo thang thành cuộc chiến toàn diện?
Các chuyên gia quân sự ít bày tỏ sự lo ngại về khả năng bùng nổ xung đột quy mô lớn giữa Ấn Độ và Pakistan.
Bất chấp những tuyên bố và kêu gọi đối thoại, tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ trong 24 giờ qua đã có ít nhất 7 người thiệt mạng tại khu vực này thuộc cả 2 phía, trong đó có 2 trẻ em.
Tại toàn bộ khu vực biên giới Kashmir, do lo ngại căng thẳng quân sự leo thang, người dân đã đổ xô tới các khu trú ẩn tạm thời, trong khi mọi hoạt động giao thông không thiết yếu đều bị cấm. Các cơ sở giáo dục trong khu vực thì đóng cửa, trong khi một số khác được chuyển đổi thành nơi trú ẩn cho người dân.
Sau vài giờ ngừng bắn, ngày 3/3/2019 giao tranh lại tái diễn. Hai bên tiếp tục cáo buộc nhau tấn công nhằm vào dân thường, cũng như các binh sĩ đồn trú dọc Đường Kiểm soát (LOC) ở khu vực tranh chấp Kashmir.
Một người dân tại khu vực biên giới Kashmir chia sẻ: “Chúng tôi muốn Ấn Độ và Pakistan chung sống như những người hàng xóm tốt, để chúng tôi có thể sống hạnh phúc, trong hòa bình”.
“Giải pháp là chúng ta nên ngồi vào bàn và đàm phán. Mọi thứ sẽ không được giải quyết thông qua chiến tranh. Chiến tranh sẽ chỉ làm nhiều người chết hơn. Giải pháp duy nhất là ngồi xuống và nói chuyện”, một người khác nói.
Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần chiến tranh ở khu vực tranh chấp Kashmir kể từ khi độc lập khỏi Anh vào năm 1947 và đây là lần giao tranh khốc liệt nhất giữa hai nước kể từ năm 1999. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự ít bày tỏ sự lo ngại về khả năng bùng nổ xung đột quy mô lớn ở khu vực Nam Á. Bởi cả 2 nước đều e dè về tiềm lực quân sự của nhau, đặc biệt là kho vũ khí hạt nhân.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, trong khi Ấn Độ sở hữu khoảng 130-140 đầu đạn hạt nhân, thì Pakistan cũng có tới 140-150. Nếu như Pakistan đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển và hiện sở hữu vũ khí hạt nhân tầm xa có thể vươn tới quần đảo Andamn của Ấn Độ, thì năm 2018, Ấn Độ đã cho vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, đồng nghĩa với việc nước này đã có đủ “bộ ba hạt nhân”, có khả năng tiến hành tấn công từ mặt đất, trên không và trên biển.
Chính vì thế, cả hai quốc gia đều đang tìm cách tránh nguy cơ đụng độ. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh hôm qua khẳng định Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ Pakistan đối phó với mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia láng giềng này. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tuyên bố các vấn đề giữa nước này và Ấn Độ cần được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và đối thoại.
Trong một loạt bước đi nhằm thể hiện “thiện chí hòa giải”, chính quyền Pakistan hôm 1/3 đã mở cửa lại không phận, trao trả cho Ấn Độ phi công bị các lực lượng nước này bắt giữ và hai bên cũng dự kiến sẽ nối lại hoạt động vận tải đường sắt.
Cộng đồng thế giới những ngày qua cũng hối thúc Ấn Độ và Pakistan kiềm chế căng thẳng, tránh tình hình leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong một nỗ lực mới nhất nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel An Joubeir hôm nay dự kiến sẽ tới Pakistan và sau đó là Ấn Độ để tìm cách hòa giải./.
Nguồn: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cang-thang-an-dopakistan-co-leo-thang-thanh-cuoc-chien-toan-dien-881747.vov
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024