Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Câu chuyện tình yêu Ấn Độ trong bộ phim liên tục được chiếu suốt 27 năm

Câu chuyện tình yêu Ấn Độ trong bộ phim liên tục được chiếu suốt 27 năm

Một rạp chiếu phim ở Mumbai đã liên tục chiếu bộ phim 'D.D.L.J.' hàng ngày từ năm 1995 đến nay. Phim là hình ảnh xã hội Ấn Độ đầy biến động, với những lựa chọn cơ hội kinh tế xung đột với truyền thống.

06:45 21-01-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sau khi phim chiếu xong, đám đông vẫn tiếp tục kéo đến. Một số trả tiền tại cửa sổ bán vé bằng một vài cú chạm trên điện thoại của họ; những người khác đổ một nắm tiền xu. Họ là sinh viên và nhân viên văn phòng, là người phục vụ từ trong khu đèn đỏ suy tàn gần đó, những người lao động ban ngày vẫn theo đuổi giấc mơ ở “thành phố hoa lệ” của Ấn Độ, và những người vô gia cư với những giấc mơ bị trì hoãn từ lâu.

Ngành công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ đưa khoảng 1.500 câu chuyện lên màn ảnh hàng năm. Nhưng những khán giả tập trung vào rạp chiếu phim Maratha Mandir ở Mumbai mỗi sáng để xem một bộ phim đã được công chiếu cách đây 27 năm. Phim đã gây được tiếng vang lớn đến mức rạp chiếu 1.100 chỗ ngồi hoành tráng này đã liên tục chiếu bộ phim đó hàng ngày, chỉ trừ thời gian đóng cửa do đại dịch.

Bộ phim “Dilwale Dulhania Le Jayenge” — tạm dịch là “Đại Nhân Sẽ Lấy Cô Dâu” và được biết đến với tên viết tắt “D.D.L.J.” — là một câu chuyện về các chàng trai gặp gỡ các cô gái, lấy bối cảnh là thời điểm Ấn Độ đứng trước những thay đổi to lớn và không thể kiềm chế.

Nền kinh tế Ấn Độ vừa mở cửa, mang lại những cơ hội mới, công nghệ mới và khả năng tiếp cận mới cho tầng lớp trung lưu mới phất lên. Nhưng nó cũng mang đến những căng thẳng mới, khi những lựa chọn do cơ hội kinh tế mang lại - quyết định tình yêu và cuộc sống của chính bạn - đi ngược lại những truyền thống.

Theo nhiều cách, Ấn Độ ngày nay vẫn giống như Ấn Độ được phản ánh trong phim. Nền kinh tế vẫn đang trên đà phát triển, và hiện tại nó đã lớn gấp khoảng 10 lần so với thời điểm giữa thập niên 1990. Cuộc cách mạng công nghệ, cuộc cách mạng kỹ thuật số, đã mở ra những thế giới mới. Phụ nữ đang tìm kiếm nhiều tự do hơn trong một xã hội do nam giới thống trị. Và các lực lượng của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa bảo thủ vẫn căng thẳng khi một cánh hữu chính trị đang lên tự bổ nhiệm mình là người thực thi các giá trị truyền thống.

Tuy nhiên, cảm giác về khả năng không giới hạn đã lùi xa. Khi những phần thưởng ban đầu của quá trình tự do hóa đạt đến đỉnh điểm và sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng sâu sắc, khát vọng di chuyển đã giảm đi. Đối với những người bị bỏ lại phía sau, thế giới của “D.D.L.J.” — câu chuyện và các ngôi sao, âm nhạc và đối thoại của nó — là một lối thoát. Đối với những người vẫn đang phấn đấu, đó là một nguồn cảm hứng. Và đối với những người đã tạo ra nó, đó là sự phản ánh thời điểm khởi đầu của sự chuyển đổi của Ấn Độ.

Nữ diễn viên Kajol, 48 tuổi, người đóng vai nữ chính, Simran, trong phim, cho biết: “Bộ phim cứ chiếu mãi, chiếu mãi, và trở thành truyền thống gia đình. Có rất nhiều người nói với tôi rằng, họ đã yêu cầu con cái của mình ngồi xuống và xem 'D.D.L.J.', chúng tôi đã bắt các cháu của chúng tôi ngồi xuống và xem - và tôi đã nghĩ, giờ đã đã đến đời cháu phải xem phim rồi”.

Khi đại dịch đóng cửa các rạp chiếu phim trong một năm, nhiều người suy đoán rằng kỷ lục của “D.D.L.J.” sẽ kết thúc. Nhưng bộ phim đã được chiếu trở lại vào khung giờ 11:30 sáng tại Maratha Mandir, thường thu hút đám đông đông hơn so với những buổi chiếu buổi chiều của những bộ phim mới nhất.

Một số người có mặt đã xem nó ở đây nhiều lần đến nỗi họ không đếm nổi - 50, 100, hàng trăm.

Một tài xế taxi đang xếp hàng bên ngoài rạp chiếu phim vào một buổi sáng mùa thu. Ông đã xem phim sáu lần, một thợ hàn xem khoảng mười lần. Một người buôn bán đồ cũ có râu xám tuyên bố đã xem khoản 50 lượt, bằng với số lượt của một nhân viên giao hàng 33 tuổi.

Sau đó, có những người xem phim thường xuyên, những người đi bộ đến đây gần như mỗi ngày. Madhu Sudan Varma, một người đàn ông vô gia cư 68 tuổi làm công việc bán thời gian là cho mèo hàng xóm ăn, đến đây khoảng 20 buổi sáng mỗi tháng.

Người phụ nữ với cái đầu được bọc trong một chiếc túi nhựa cho biết: “Tôi đến mỗi ngày,” cô nói. “Tôi thích nó mỗi ngày.”

Không ai biết tên thật của cô ấy - có thể là Jaspim, nhưng ngay cả cô ấy cũng không chắc. Không thành vấn đề, bởi vì mọi người gọi cô ấy bằng cái tên mà cô ấy thích: Simran, giống như ngôi sao trên màn ảnh.

Đêm đêm nằm trong căn phòng mà cô thuê khi còn là gái bán hoa ở Kamathipura, khu đèn đỏ của Mumbai, đôi khi cô mơ về những cảnh trong phim, cô nói. Vào buổi sáng, cô ấy đảm bảo rằng mình không bỏ lỡ buổi biểu diễn - kể cả vào ngày hôm nay khi bột lá móng mà cô ấy dùng để nhuộm mái tóc hoa râm của mình vẫn chưa khô. Cô ấy thà đeo một chiếc túi nhựa còn hơn là không đến kịp giờ chiếu phim.

“Tôi không xem bất kỳ bộ phim nào khác, chỉ bộ phim này,” cô nói. “Tôi cảm thấy thật tuyệt khi đến đây. Tôi bị lạc trong các bài hát và điệu nhảy.

“D.D.L.J.” là một câu chuyện tình yêu. Nhưng nó cũng là về sự thỏa hiệp.

Nhân vật của Kajol, Simran Singh, lớn lên ở London, mặc dù cha cô sử dụng thu nhập từ cửa hàng ở góc phố của gia đình để nuôi dạy con cái theo truyền thống của Ấn Độ.

Trong một chuyến du lịch châu Âu cùng bạn bè, Simran gặp Raj Malhotra do Shah Rukh Khan thủ vai, một thanh niên giàu có được nuôi dưỡng bởi một người cha đơn thân. Ba giờ còn lại của bộ phim dành cho nỗ lực của cặp đôi nhằm thuyết phục người cha bảo thủ của Simran từ bỏ cuộc hôn nhân sắp đặt mà ông đã lên kế hoạch cho con gái mình và chúc phúc cho mối tình của họ.

“Đi đi, Simran, đi đi,” người cha tuyên bố ở cuối phim, sau khi bộ phim tràn ngập nước mắt, những trận đánh đấm đẫm máu và nhiều bài hát khao khát. “Hãy sống cuộc sống của bạn.”

Kajol nói rằng con đường của bộ phim đã tạo ra một nền tảng mới. Trước D.D.L.J., cô ấy nói, “chúng tôi chỉ có những bộ phim nói về cách này hay cách khác - hoặc chúng tôi có những bộ phim kỷ niệm hôn nhân và tất cả mọi người đều tham gia từ chú đến dì, hoặc đó là 'chúng tôi chống lại thế giới, chúng tôi sẽ chiến đấu, chúng ta sẽ sống cùng nhau, chết cùng nhau.' Tôi nghĩ rằng 'D.D.L.J.' đã nghĩ ra một ý nghĩ rất đơn giản - đó là nói rằng có lẽ chúng ta có thể đi một đường khác.”

Khi bộ phim được phát hành vào năm 1995, Kajol và ông Khan đều là những gương mặt mới. Kajol tiếp tục trở thành một trong những nữ diễn viên thành công nhất của điện ảnh tiếng Hindi. Ông Khan, 57 tuổi, thậm chí còn nổi tiếng hơn khi trở thành một trong những gương mặt dễ nhận biết nhất của Ấn Độ.

Cả hai diễn viên đều được hưởng lợi từ ngành công nghiệp giải trí Ấn Độ đang trong quá trình chuyển đổi, khi tiền tràn vào cùng với quá trình tự do hóa kinh tế của đất nước.

Hiện cả nước có hơn 200 triệu hộ gia đình có ti vi, tăng từ 50 triệu hộ năm 1995. Nhiều người có thể mua vé xem phim hơn. Và Ấn Độ, gần đây đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, dự kiến sẽ có một tỷ người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026.

Các ngôi sao điện ảnh đã trở biểu tượng trên bảng quảng cáo tấm lớn và quảng cáo trên truyền hình. Ấn Độ là một thị trường khổng lồ — quốc gia này được dự đoán sẽ sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới — và một bài đăng nội dung được tài trợ đơn giản của một ngôi sao trên các nền tảng như Instagram có thể sinh lời. Các diễn viên từng đóng các bộ phim khác nhau mà chẳng cần thay đổi phục trang, giờ đây thấy mình giàu có không thể đo đếm được.

Mỗi ngày, người hâm mộ tập trung bên ngoài ngôi nhà bên bờ biển của ông Khan ở Mumbai, trung tâm của ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ, với hy vọng được xem. Xe buýt đi qua con đường trước nhà ông giảm tốc độ để hành khách có thể tự chụp những bức ảnh selfie với căn nhà.

Vào ngày sinh nhật của ông, hàng nghìn người tụ tập, chờ đợi và cầu nguyện cho Khan — và ông đã không làm mọi người thất vọng. Ông trèo lên một bục cao, ném những nụ hôn gió vào người hâm mộ, trước khi thực hiện động tác đã trở thành đặc trưng: giang rộng cánh tay ra sau.

Bollywood từ lâu đã ưu ái những người có di sản và quan hệ gia đình. Ông Khan gây được tiếng vang với tư cách là một người ngoại đạo, một đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu đấu tranh ở Delhi, người đã mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ.

Nhà kinh tế Ấn Độ Shrayana Bhattacharya cho biết, dinh thự cao chót vót mà ông hiện đang sống cùng gia đình “là tượng đài của tầng lớp trung lưu đối với một người đàn ông từng không có gì trong tay”. Ông ấy đã trở thành biểu tượng cho khái niệm vươn lên, là đại diện cho ý tưởng về tự thân vận động.

Bà Bhattacharya đã viết một cuốn sách “Khát khao tìm kiếm hình tượng Shak Rukh Khan” (Desperately Seeking Shah Rukh Khan) nói về cách ông Khan tượng trưng cho những khả năng mà chỉ nền kinh tế tự do hóa của Ấn Độ mới có thể tạo ra, và ý nghĩa của ông đối với những phụ nữ trẻ đi làm khi ông thách thức nhận thức về nam tính trong điện ảnh Ấn Độ.

Tận dụng những kênh thông tin mới, ông xây dựng hình ảnh người bạn đời đồng cảm, biết lắng nghe, giúp đỡ việc nhà và chia sẻ ánh đèn sân khấu với bạn diễn nữ.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn rằng sức mạnh của hình ảnh này đã trở nên mạnh mẽ đến mức ông đã trở thành “nhân viên của huyền thoại Shah Rukh Khan. Bà Bhattacharya nói, nó mạnh mẽ đến mức những phụ nữ trẻ “muốn trở thành người như ông” hơn là muốn “cưới người như ông”, cảm xúc mà người hâm mộ nữ thường dành cho thần tượng nam lớn tuổi hơn.

Đối với một số phụ nữ, ông Khan - hoặc ít nhất là tính cách của ông - là một lời nhắc nhở về cách đàn ông Ấn Độ không thay đổi. Surbhi Bhatia, một nhà nghiên cứu dữ liệu và phát triển ở Mumbai, cho biết cô thường xem say sưa các cuộc nói chuyện của nhân vật Khan như một liều thuốc giải độc cho những rào cản do những người đàn ông xung quanh cô gây ra. Nếu cô ấy cảm thấy thấp thỏm hoặc không chắc chắn, cô ấy sẽ đi dạo và nán lại bên ngoài dinh thự bên bờ biển của ông.

“Bạn biết đấy, khi anh ấy dang rộng cánh tay” cô ấy nói về động thái đặc trưng của ông Khan, “phụ nữ có nơi để dựa vào.”

Theo nhiều cách, phụ nữ vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ những hứa hẹn kinh tế của Ấn Độ mới. Chỉ khoảng 1/4 phụ nữ tham gia lực lượng lao động, thấp hơn một nửa so với tỷ lệ của tất cả các nền kinh tế lớn khác.

Đối với những phụ nữ đã tìm thấy cơ hội kinh tế, xã hội đã chậm chấp nhận sự độc lập của họ. Có thu nhập riêng - thậm chí chỉ là một chiếc điện thoại thông minh của riêng - đã là biểu hiện của tự do mới. Nhưng khi người chồng xuất hiện, bà Bhatia nói, điều đó mang lại một lớp quyền khác và tước đi những giờ rảnh rỗi của phụ nữ, họ phải làm việc nhà.

Cô nói: “Điện thoại đã làm được rất nhiều việc để cung cấp quyền truy cập, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn hơn. Nó làm chúng ta cô đơn hơn.”

Ấn Độ vẫn chưa quyết định được đặt phim “D.D.L.J.” vào dòng phim chủ nghĩa bảo thủ hay chủ nghĩa hiện đại. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, người theo đạo Hindu được ưu tiên, người Hồi giáo như ông Khan thì không.

Tháng này, các nhóm cánh hữu đã phá hoại các rạp chiếu phim quảng bá bộ phim mới nhất của ông Khan sau khi một đoạn giới thiệu cho thấy ngôi sao nữ của bộ phim, Deepika Padukone, mặc một bộ bikini màu nghệ tây. Các nhóm gọi việc lựa chọn màu nghệ tây là xúc phạm Ấn Độ giáo, vốn có liên quan chặt chẽ với màu vàng nghệ tây.

Ông Khan là sản phẩm của một Ấn Độ thế tục — một người Hồi giáo học trường Cơ đốc giáo và kết hôn với một người theo đạo Hindu. Đối mặt với những cuộc tấn công như thế, ông thường không đưa ra bình luận về đường lối chính trị của đất nước.

“Tôi là người theo đạo Hồi, vợ tôi theo đạo Hindu và các con tôi theo đạo Hindustan,” ông Khan nói trên một chương trình truyền hình vào năm 2020, sử dụng một từ khác (Hindustan) để chỉ đạo Ấn Độ. “Khi đi học, các cháu phải khai tôn giáo của mình. Một lần, con gái tôi đến gặp tôi và hỏi: ‘Tôn giáo của chúng ta là gì?’ Tôi chỉ viết vào đơn của con bé rằng chúng tôi là người theo đạo Ấn Độ.”

Tại rạp chiếu phim Maratha Mandir, logic để duy trì một bộ phim hoạt động trong gần ba thập kỷ là bài toán kinh tế đơn giản: Phim mới có thể thành công hoặc thất bại, nhưng đám đông người hâm mộ dành cho D.D.L.J. luôn là con số ổn định.

Manoj Desai, giám đốc điều hành 72 tuổi của rạp chiếu phim cho biết: “Bức tranh này mãi xanh tươi, bởi vì nó kể câu chuyện về tình yêu đích thực. Bởi vì tình yêu không bao giờ kết thúc.”

Vị trí nhà hát gần 2 đầu mối giao thông đảm bảo lượng người qua lại liên tục. Và nó giúp vé rẻ: 30 rupee (9 nghìn đồng) cho ghế ở tầng dưới và 40 rupee (12 nghìn đồng) cho những ghế ở ban công. Giá vé thường bán khoảng 40 đến 50 rupee, bằng một phần tư giá vé các phim mới.

Manoj Desai, giám đốc điều hành của rạp chiếu phim Maratha Mandir, nói về bộ phim: “Bức ảnh này thường xanh, bởi vì nó kể câu chuyện về tình yêu đích thực.”

“Ba giờ ngồi máy lạnh, 40 rupee. Ai sẽ từ chối điều đó?” Ông Desai nói.

Cuộc phỏng vấn với ông Desai bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại thường xuyên, trong đó có một cuộc điện thoại từ vợ ông. “Bộ trưởng Nội vụ gọi” ông nói khi nhấc máy.

Ông và vợ đang kỷ niệm 50 năm ngày cưới, đã trải qua một cuộc đấu tranh tình yêu dựa trên đẳng cấp của riêng họ, mặc dù có một kết thúc khác với kết thúc trong phim “D.D.L.J.”

Khi cha mẹ Jain giàu có của cô từ chối ông Desai, một người Bà la môn bang Gujarat, họ đã bỏ trốn và tổ chức hôn lễ chính thức tại một ngôi đền xa xôi. Gia đình cô đã tìm kiếm họ trong hai năm, cố gắng đăng ký cô là trẻ vị thành niên để buộc ông Desai tội bắt cóc.

Ông Desai than thở: “Tình yêu nay đã thay đổi, các cặp đôi đễ dàng chia tay”.

Khi chúng tôi nói chuyện, các phóng viên đã gọi đến để hỏi về cơn bão gần đây mà ông Desai đã gây ra. Trong một cuộc phỏng vấn video gay gắt, ông đã gọi một ngôi sao đang lên là “kiêu ngạo” khi nói về việc đưa phim của anh lên các dịch vụ phát trực tuyến. Ngôi sao được bố cho đi chuyên cơ riêng đến văn phòng của ông Desai để phủ phục xuống chân ông xin lỗi.

Điện ảnh tiếng Hindi đang vật lộn để lấy lại động lực sau thời gian tạm lắng vì đại dịch, nhiều nhà sản xuất và ngôi sao đã chọn đưa phim của họ trực tiếp lên các nền tảng phát trực tuyến như Netflix và Amazon.

Đối với những người theo chủ nghĩa thuần túy như ông Desai, xu hướng ngày này là báng bổ. “Có tiền, nhưng thưa ngài,” ông nói, duỗi người và gằn mạnh âm cuối, “Còn rạp chiếu thì sao? Còn màn ảnh rộng thì sao?”

Trong suốt thời gian “D.D.L.J.” được chiếu trên màn ảnh rộng trong rạp của ông Desai, Jagjivan Maru là người chiếu. Ông sẽ sớm nghỉ hưu sau 50 năm.

Jagjivan Maru, người chiếu phim tại rạp chiếu phim Maratha Mandir, đã làm việc ở đó hơn 50 năm, nhưng dự định sẽ sớm nghỉ hưu.

Khi ông ấy chuẩn bị buổi biểu diễn trong ngày, nhân viên ở tầng dưới thay đồng phục, chuẩn bị bỏng ngô và samosas (một loại bánh truyền thống Ấn Độ) trong quầy giảm giá ở góc thiếu sáng và lau sàn đá cẩm thạch giữa các hàng ghế cũ.

“Trong 10 năm, hội trường chật kín — người xem xếp hàng dài mua vé,” ông nhớ lại bộ phim thời mới phát hành năm 1995. “Sau 10 năm, nó đã nguội đi một chút - nhưng niềm đam mê vẫn chưa chết.”

Khi khách xếp hàng để vào rạp, những người bảo vệ kiểm tra túi của họ và lặp lại một lời nhắc nhở: “Đừng gác chân lên ghế”. Họ biết điều đó là vô ích, bởi vì nhiều người đến chính xác vì điều đó - để thoát khỏi sức nóng của thành phố, để thoải mái gác chân lên.

Ông Varma, 68 tuổi, một người đàn ông vô gia cư, đến quầy vé với hai túi đồ đạc, trong đó có một cái chăn, một số quần áo để thay và chai nước.

Ông ngủ trong một chiếc xe kéo tự động đậu gần một bức tượng Phật. Thức dậy trước bình minh, ông cho khoảng 50 con mèo trong khu phố ăn, một tổ chức phi chính phủ trả cho ông 100 rupee (30 nghìn đồng) mỗi ngày.

Trước đây ông làm việc kinh doanh bọc đồ nội thất của gia đình. Một cuộc tranh chấp hất ông ra đường. Ông đã mất tất cả những người thân yêu trong cuộc đời, từ anh chị em đến cha mẹ.

Nhưng một người đã xuất hiện vào khoảng 15 năm trước: một tình yêu không được đáp lại đã khiến ông chọn sống độc thân. Sự khác biệt về đẳng cấp khiến họ không thể đến với nhau, và ngăn cản nhiều mối tình cho đến tận ngày nay. Người phụ nữ kết hôn vào năm 1984 và có những đứa con hiện đã kết hôn.

Họ duy trì tình bạn. Họ nói chuyện qua điện thoại mỗi tháng một lần. Ông hỏi về cuộc sống của bà, những đứa con của bà, và bà hỏi ông ăn uống có tốt không.

Ông Varma nói: “Trước đây có những người khác sẽ gọi điện. “Bây giờ không còn ai nữa.”

Ông Varma ngồi ở tầng trệt của phòng chiếu phim. Ở hàng trước mặt ông là Simran, cô gái bán hoa.

Simran, được đặt tên theo nhân vật nữ chính của bộ phim, nhảy theo một trong nhiều bài hát của bộ phim.

Khi các bài hát cực kỳ nổi tiếng của bộ phim vang lên, Simran lung linh trên ghế của cô ấy, hát theo và đứng dậy nhảy múa trên lối đi. Cô bắt chước cuộc đối thoại. Và khi Simran trên màn ảnh vẫy tay tạm biệt Raj, thì Simran trong rạp cũng vẫy tay chào tạm biệt.

Mỗi khi ánh sáng từ màn hình phản chiếu trên khuôn mặt của ông Varma, ông đang nằm dài trên ghế, đôi mắt dịu dàng của ông dán vào bộ phim.

“Tôi tìm thấy sự bình yên ở đây,” ông Varma nói. “Cứ bình tĩnh mà xem phim.”

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục