Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi rubella của Ấn Độ đạt được bước tiến lớn

Chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi rubella của Ấn Độ đạt được bước tiến lớn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chúc mừng Ấn Độ về việc thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất thế giới chống lại bệnh sởi, một căn bệnh chết người đối với trẻ em, và hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) gây nên các dị tật bẩm sinh.

03:00 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chiến dịch tiêm chủng bệnh sởi và rubella cho 35 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 9 tháng tuổi đến 15 tuổi bắt đầu vào ngày 5/2/2017, đây là sự tái cam kết của Ấn Độ đối với việc cải thiện sức khỏe và phúc lợi của người dân bằng cách bảo vệ trẻ em chống lại các căn bệnh truyền nhiễm.

Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch này rất quan trọng vì nó sẽ thúc đẩy nỗ lực của Ấn Độ để loại trừ bệnh sởi, căn bệnh ước tính ảnh hưởng đến 2,5 triệu trẻ em và giết chết 49 ngàn trẻ em mỗi năm ở Ấn Độ. Chiến dịch này cũng đánh dấu sự ra đời của vắc xin phòng chống rubella trong chương trình tiêm chủng cho trẻ em Ấn Độ để giải quyết hội chứng CRS gây ra các dị tật bẩm sinh như điếc và mù ở khoảng 40 ngàn trẻ em mỗi năm.

Ấn Độ đã có những nỗ lực quan trọng nhằm chống lại mức gia tăng của bệnh sởi trong những năm gần đây. Tử vong do bệnh sởi đã giảm 51% so với con số 100 ngàn ca tử vong trong năm 2000 và 49 ngàn ca tử vong trong năm 2015. Điều này có lẽ do sự gia tăng về phạm vi tiếp nhận liều vắc xin đầu tiên được tiêm vào độ tuổi 9 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng, tăng từ 56% vào năm 2000 lên mức 87% vào năm 2015.

Năm 2010, Ấn Độ đã giới thiệu liều vắc xin sởi thứ 2 trong chương trình tiêm chủng thường xuyên để thu hẹp khoảng cách tăng khả năng miễn dịch và tiến đến loại bỏ căn bệnh sởi. Gần 118 triệu trẻ em Ấn Độ trong độ tuổi từ 9 tháng tuổi đến 10 năm tuổi đã được chích ngừa trong chương trình tiêm chủng giai đoạn giữa các năm 2010 và 2013 ở một số bang.

Chiến dịch bắt đầu ngày 5/2/2017 là giai đoạn đầu tiên với mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ 410 triệu trẻ em Ấn Độ trong 2 năm tới, đây là một nỗ lực đáng kể xóa bỏ căn bệnh này trên toàn thế giới. Ngoài việc cải thiện cơ hội sống cho hàng triệu trẻ em trên khắp Ấn Độ, chiến dịch này dự kiến sẽ có tác động đáng kể vào mục tiêu kiểm soát tử vong do bệnh sởi và rubella trên toàn cầu, trong đó Ấn Độ chiếm đến 37% con số tử vong do căn bệnh này.

Đối với các chiến dịch tiêm phòng sởi và rubella có hiệu quả thì điều quan trọng là không có trẻ em nào bị bỏ sót trong suốt thời gian tiêm phòng và thời gian sau tiêm phòng.

Đồng thời, Ấn Độ tiếp tục tăng cường hơn nữa việc giám sát đối với bệnh sởi và rubella, bài học quan trọng được rút ra từ chương trình xóa căn bệnh bại liệt ở Ấn Độ đã giúp xác định khu vực và quần thể bị nhiễm bệnh và dễ bị tổn thương, và kích hoạt chương trình thông qua các chiến lược thích hợp để xóa bỏ căn bệnh.

Ấn Độ đã đánh bại được căn bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván ở mẹ và trẻ sơ sinh, và gần đây là căn bệnh ghẻ cóc. Ngoài ra, tăng cường chiến dịch chống lại căn bệnh sởi sẽ giúp đặt được những ưu tiên trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ấn Độ - lá cờ đầu của WHO ở khu vực Đông Nam châu Á – trong việc loại bỏ căn bệnh sởi sẽ đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững 3.2 dự kiến sẽ chấm dứt các trường hợp tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới năm tuổi vào năm 2030.

11 nước thành viên WHO khu vực Đông Nam châu Á gồm: Bangladesh, Bhutan, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Maldives, Myanmar, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan và Timo – Leste.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch

Nguồn: http://reliefweb.int/report/india/india-s-measles-rubella-vaccination-campaign-big-step-towards-reducing-childhood

Nguồn:

Cùng chuyên mục