Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Con đường trở thành cường quốc hàng đầu

Con đường trở thành cường quốc hàng đầu

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Anh dự báo, kinh tế Ấn Độ sẽ "qua mặt" Anh và Pháp để đứng thứ năm thế giới trong năm 2018.

03:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Diễn ra từ ngày 23 đến 26/1/2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF) năm nay có chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt” trong bối cảnh sự cạnh tranh về địa chiến lược giữa các quốc gia đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên sau 20 năm trở lại tham dự WEF, ông Narendra Modi cũng là một trong những nguyên thủ đến Davos sớm nhất, tranh thủ cơ hội tương tác trực tiếp với giới doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu thế giới.

Liệu pháp “sốc” của Thủ tướng Modi

Cách đây không lâu, tờ Le Point của Pháp đặc biệt chú ý đến Ấn Độ, quốc gia được dự báo sẽ vượt Pháp, để trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ năm thế giới với mức tăng trưởng được dự báo là 7,4%. Cũng nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng này kéo dài từ năm 2014 đến nay, Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Theo phân tích, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ chính là các chính sách cải tổ do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiến hành. Ông đã “chữa trị” kinh tế Ấn Độ bằng một “liệu pháp sốc” chưa từng có. Đầu tiên là về sản xuất, với khẩu hiệu "Make in India" - Sản xuất tại Ấn Độ - nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo việc làm.

Tiếp đến là cải cách về tiền tệ và chính sách thuế, với việc thu hồi đồng tiền có mệnh giá cao, chuyển tiền mặt thành các tài khoản ngân hàng và ban hành một loại thuế quốc gia duy nhất (GST), thay thế cho vô số loại thuế địa phương tại 29 bang của Ấn Độ.

Để giải quyết vấn đề vốn giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã quyết định "bơm" tổng cộng 32 tỷ USD vào các ngân hàng công, trong vòng 2 năm, để gia tăng nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ còn thực thi chính sách tự do hóa các khu vực tài chính, phát thanh truyền hình và quốc phòng, đồng thời mở các dự án cơ sở hạ tầng cho đầu tư nước ngoài.

Giới chuyên gia dự báo, theo đà này, Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ ba thế giới vào năm 2032, thậm chí, hàng đầu thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên, Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều trở ngại đang hiện hữu, mà để đối đầu với nó, nước này sẽ phải thực hiện được những chuyển đổi sâu rộng.

Những thay đổi trong nền kinh tế đã giữ cho tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ không quá 3,5%, nhờ vậy, trong 10 năm qua đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói từ 38% xuống còn 21% trên tổng dân số. Tuy nhiên, khoảng 260 triệu người vẫn đang phải sống trong cảnh nghèo khó, trong lúc nước này cần khoảng 1.500 tỷ USD cho những dự án hạ tầng mới trong thập kỷ tới.

Tình trạng bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn trầm trọng. Hiện những người giàu nhất Ấn Độ đang chiếm 10% dân số, nhưng nắm đến 56% thu nhập quốc gia. Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 12% và đang cần phải được "bơm" khoảng 90 tỷ USD. Sự phát triển của Ấn Độ còn bị cản trở bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nạn tham nhũng, bất đồng về giới và chưa thật cởi mở với bên ngoài. Hệ thống giáo dục cũng không được đánh giá cao trong thứ bậc của thế giới.

“Ấn Độ có nghĩa là kinh doanh”

Như thường lệ, sự kiện WEF Davos thu hút các nhà lãnh đạo thế giới, khi họ muốn tận dụng cơ hội này như là một cách để tiến hành những cuộc đối thoại song phương không chính thức và các kế hoạch đã được tính toán riêng. Nếu năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghi điểm, khi trở thành vị Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên hòa mình trong giới tinh hoa thế giới ở vùng núi giá lạnh của Thụy Sỹ - Davos. Sự có mặt của ông Tập như khẳng định vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh trên trường quốc tế, đặc biệt, trong thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quan điểm đặt nước Mỹ lên trên hết.

Cũng như Trung Quốc, Ấn Độ đang tìm kiếm một vị trí lớn mạnh hơn trên trường quốc tế. Bởi vậy, sự có mặt của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi tại diễn đàn năm nay và sự quan tâm của New Delhi đối với diễn đàn quan trọng này được đánh giá là không có gì mới. Hơn thế nữa, nhiều năm qua, sự kiện thường niên này vẫn được Chính phủ và giới doanh nghiệp Ấn Độ tận dụng để quảng bá về một quốc gia đổi mới và thân thiện hơn với kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, sự hiện diện của đích thân Thủ tướng Ấn Độ vẫn được đánh giá là tín hiệu mang nhiều sức nặng.

Bất chấp những rào cản nội tại trong quá trình tìm kiếm sự thịnh vượng cho hơn 1,2 tỷ dân, vai trò của Ấn Độ trên thế giới vẫn không ngừng gia tăng, nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh trong những thập kỷ qua. Sự hiện diện của ông Modi tại Davos có thể không mang đến những kết quả tức thì mà Ấn Độ tìm kiếm, nhưng nó thật sự giúp Thủ tướng Ấn Độ có những cơ hội mới.

Bàn tiệc tối tại Davos có mặt đầy đủ các quan chức hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ, 40 giám đốc điều hành của các công ty toàn cầu và 20 doanh nhân Ấn Độ tiêu biểu, thuật lại câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ, ông Modi cũng tuyên bố khẩu hiệu “Ấn Độ có nghĩa là kinh doanh”, là miền đất hứa hẹn nhiều cơ hội thú vị cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Ngay trước bài diễn văn khai mạc quan trọng của Thủ tướng Narendra Modi tại WEF Davos năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong năm tài chính tiếp theo. Điều đó sẽ giúp quốc gia này giành lại vị trí nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất, ủng hộ “liệu pháp” hồi sinh nền kinh tế đất nước của Thủ tướng Ấn Độ N.Modi.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp chạm mức cao nhất trong 25 tháng qua, đạt 8,4% trong tháng 11. Nền kinh tế nông nghiệp đang dần hồi phục. Xuất khẩu đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong hai tháng qua với doanh số bán ô tô tăng mạnh, trong xu hướng hồi phục của kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán đang đà tăng điểm mạnh mẽ và liên tiếp ghi nhận những kỷ lục, nhờ triển vọng hồi phục kinh tế và sự lạc quan về lợi nhuận.

Nguồn: http://baoquocte.vn/con-duong-tro-thanh-cuong-quoc-hang-dau-64928.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục