Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới

Cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới

Hôm thứ sáu 19-4, cử tri Ấn Độ sẽ bắt đầu bỏ phiếu bầu 543 thành viên Quốc hội khóa 18, mà Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi được dự báo là có khả năng đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

01:00 28-04-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cuộc bầu cử sẽ kéo dài tới ngày 1-6, tức trong 44 ngày, với số cử tri lớn nhất (960 triệu) trong lịch sử, xét mọi thời đại và quốc gia, nhiều hơn cuộc tổng tuyển cử năm 2019 khoảng 150 triệu người. Đây sẽ là cuộc tranh chấp mang tính lưỡng đảng. 

Một bên là Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) - bao gồm 40 đảng lớn nhỏ và Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền. Bên kia là phe đối lập Liên minh Toàn diện phát triển quốc gia Ấn Độ (INDIA) gồm 26 đảng, trong đó đáng kể nhất là Đảng Quốc đại và Đảng Cộng sản.

Ngôn ngữ, cái nôi của ly khai

Tính tranh chấp này thể hiện mọi nơi, mọi lúc, sát phạt đến mức phe này cáo buộc phe kia là chủ trương "ly khai"! Hôm chủ nhật 7-4, trong một cuộc họp báo, người phát ngôn quốc gia BJP là nghị sĩ Sudhanshu Trivedi đã tấn công đảng đối lập chánh là Đảng Quốc đại bằng những cáo buộc nghiêm trọng hiếm thấy: 

"Dưới sự lãnh đạo của ngài Thủ tướng Narendra Modi, BJP quyết tâm cống hiến cho sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước bằng cách chấm dứt chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và bất kỳ loại hệ tư tưởng chia rẽ nào, nhưng Đảng Quốc đại, thất vọng trước những thất bại liên tục, lại đang chia đất nước theo vùng, đẳng cấp, bang, và muốn làm chính trị nhỏ mọn bằng cách chia rẽ trên cơ sở ngôn ngữ".

Phát biểu trên cho thấy đất nước Ấn Độ, vốn dĩ đa dạng vô vàn, nay vẫn đang phải chống trả họa ly khai, chia rẽ vì bất đồng ngôn ngữ, mà theo BJP, là do phe đối lập đang khuấy lên lại.

1,4 tỉ dân Ấn Độ hiện có tới 22 ngôn ngữ chánh được công nhận trong "Mục lục số 8" của hiến pháp. Còn tính cả số ngôn ngữ không chính thức, thì ngay cả các chuyên gia cũng không thể xác quyết là bao nhiêu (từ 780 tới 19.500, tùy nguồn và tùy phân loại!). 

Ở đây, tạm dẫn tài liệu chính thức của Bộ Giáo dục Ấn Độ, và chỉ tạm tính các ngôn ngữ viết chủ lưu, thì nước này hiện có 5.638 nhật báo và 348 tuần báo in bằng 101 ngôn ngữ khác nhau!

Trong các ngôn ngữ đó, tiếng Hindi, tuy có tới 2.507 tờ nhật báo và hơn phân nửa dân Ấn đọc hiểu, song vẫn không được chấp nhận là "quốc ngữ". Thật ra, mọi ý định xây dựng một thứ "quốc ngữ" ở Ấn Độ cho tới nay đều bị phản đối kịch liệt. 

Năm 1963, Chính phủ Ấn Độ từng thông qua Đạo luật Ngôn ngữ chính thức để loại bỏ dần tiếng Anh và giữ lại tiếng Hindi là ngôn ngữ chính thức duy nhất của liên bang. Song, đạo luật này đã gây ra biểu tình lớn ở Tamil Nadu và các vùng khác trên cả nước. 

Hậu quả là nó bị rút lại và tiếng Hindi chưa bao giờ là ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ. Tài liệu của Bộ Giáo dục Ấn Độ giải thích: "Đất nước chúng ta thấm đẫm ngôn ngữ và bản sắc khu vực. Việc khẳng định một ngôn ngữ này hơn các ngôn ngữ khác thường đặt ra câu hỏi về tính thống trị của nó với các ngôn ngữ khác".

Nhìn lạc quan thì đây là một "tài sản" cho thấy tính đa dạng của quốc gia, nhưng nhìn bi quan thì đây lại là nguy cơ tiềm ẩn cho những ý đồ ly khai. Nguy cơ này từng thể hiện ồn ào năm ngoái với vụ các chính phủ Canada và Mỹ phản đối việc nhân viên Chính phủ Ấn Độ săn đuổi những người Sikh chủ trương ly khai trên lãnh thổ các nước này.

Trở lại với cuộc bầu cử, không chỉ tấn công Đảng Quốc đại, đối thủ chánh đã nắm quyền ở Ấn Độ suốt hơn 50 năm với gia tộc Gandhi lừng lẫy và chỉ phải nhường cho BJP và ông Modi từ 10 năm qua, người phát ngôn BJP còn nhắm vào Đảng Cộng sản Ấn Độ, trong một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 20-4: 

"Một điều trớ trêu lớn là ngay cả Đảng Cộng sản cũng nói về dân chủ để tấn công Thủ tướng Modi... Thời thơ ấu, chúng ta thường nghe nói Calcutta là trung tâm công nghiệp phát triển nhất Ấn Độ..., nhưng sau thời gian Đảng Cộng sản nắm quyền, Kolkata đã tụt lại rất nhiều sau Mumbai, Delhi, Bengaluru, Hyderabad và Gurugram".

Phe đối lập đang làm gì?

Một trong những đòn phép chính của đảng cầm quyền BJP là không ngớt cáo buộc Đảng Quốc đại cổ xúy chính sách ly khai và phân biệt vùng miền, như thấy từ hồi đầu tháng 2 khi Quốc hội Ấn Độ họp thảo luận ngân sách 2024-2025. 

Trong phiên họp hôm 1-2, nghị sĩ Đảng Quốc đại DK Suresh, gốc gác Bangalore, bang Karnataka ở miền nam, đã phát biểu rằng "miền nam Ấn Độ đang phải hứng chịu rất nhiều bất công. Ngân sách lẽ ra sẽ dành cho miền nam, giờ đang được chuyển hướng và phân phối sang miền bắc..." 

"Dù là bang đóng góp thuế nhiều thứ 2, Karnataka, cùng các bang miền nam khác, vẫn bị trung ương đối xử cực kỳ bất công. Trong khi đó, ngân sách phân bổ cho những bang miền bắc, như Gujarat, tăng tới 51%. Nếu đây không phải là bất công thì là gì?". 

Bộ trưởng trong liên minh cầm quyền Piyush Goyal sau đó lên tiếng đòi Đảng Quốc đại phải xin lỗi vì phát biểu này của nghị sĩ Suresh.

Báo hại, chủ tịch Đảng Quốc đại Mapanna Mallikarjun Kharge phải lên tiếng đính chính: "Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ tuyên bố nào kêu gọi phá vỡ đất nước. Tuyên bố đó có thể từ bất kỳ đảng nào, từ đảng của chúng tôi hoặc đảng của họ, hoặc bất kỳ ai khác... Tôi, Mallikarjun Kharge, quả quyết rằng Ấn Độ là một, từ Kanyakumari đến Kashmir, và sẽ luôn là một". 

Phát ngôn của nghị sĩ Suresk gây phẫn nộ đến mức ông Kharge phải giở lại lịch sử oanh liệt của Đảng Quốc đại: "Chính vì lý do này mà Indira Gandhi đã hy sinh cả cuộc đời mình và Rajiv Gandhi đã hy sinh mạng sống của mình. Một đảng như vậy có thể nói về việc phá vỡ đất nước không? Chúng tôi sẽ không dung thứ chuyện như vậy".

Nhưng nhìn rộng ra, những tranh luận này là hết sức lành mạnh trong một nền dân chủ. Trong bài phân tích "Vai trò các chính đảng trong nền dân chủ Ấn Độ" năm 2016, phó giáo sư Santiram Mondal đã khái quát vai trò đó: 

"Trong khi vai trò chính của đảng cầm quyền là điều hành chính phủ một cách hiệu quả, thì phe đối lập có nhiệm vụ duy nhất là giám sát hành động của đảng cầm quyền. Phe đối lập chăm chăm nhìn vào hoạt động của chính phủ và trông chừng sao cho việc quản trị tốt mang lại lợi ích cho toàn bộ quốc gia, chứ không chỉ một số cộng đồng". 

Kết luận của nghiên cứu phản ánh chính xác diễn biến chính trường Ấn Độ trước cuộc bầu cử lớn: "Ở Ấn Độ, các đảng đối lập nhanh chóng hành động chống lại những chính sách sai lầm và luật pháp bất công. Đã có những sự cố khi các cuộc biểu tình mạnh mẽ được tổ chức chống lại một số dự luật buộc chính phủ phải rút lại".

Tuy ông Suresh quả có thể có ý đồ phân biệt vùng miền và gây chia rẽ để vận động chính trị, nhưng điều đó không có nghĩa là đảng cầm quyền được phép bỏ ngoài tai những câu hỏi và phản đối của phe đối lập, nhất là những cáo buộc chính phủ đang chi ngân sách "sai địa chỉ". 

Chủ nhật 7-4 vừa qua, đích thân Thủ tướng Modi phải mượn Diễn đàn Assam Tribune để trả lời rằng BJP đã biến vùng đông bắc đất nước từ "nơi hoang vu" trở thành "vùng đất trù phú".

Trong khi BJP nhấn mạnh vào thành tích kinh tế của ông Modi, thì cương lĩnh tranh cử của Đảng Quốc đại là hành động nhiều hơn hướng đến các tầng lớp bị gạt ra ngoài lề xã hội. 

Ông Kharge đã công bố một tuyên ngôn hứa hẹn hỗ trợ nhiều hơn cho người nghèo không phân biệt đẳng cấp, đảm bảo việc làm cho giới trẻ, đảm bảo giá nông sản và chi trả bảo hiểm y tế cao hơn. "Đảng Quốc đại là tổ chức bảo vệ tích cực và có tiếng nói nhất cho sự tiến bộ của các giai cấp và đẳng cấp ở phía sau và bị áp bức trong bảy thập niên qua", ông nói, theo Reuters 5-4.

Con đường dân chủ đâu một sớm một chiều, đâu phải cứ có tổ chức bầu cử rộng rãi là có dân chủ ngay. Song, không đi thì bao giờ mới tới, và những gì diễn ra ở Ấn Độ cho thấy họ đã tiến được những bước dài, bất chấp còn nhiều chông gai phía trước.

 

Cùng chuyên mục