Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với cam kết về giáo dục và học thuật: Đào tạo chất lượng cao về Ấn Độ học ở Việt Nam (Phần 2)

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với cam kết về giáo dục và học thuật: Đào tạo chất lượng cao về Ấn Độ học ở Việt Nam (Phần 2)

04:26 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

PGS. TS. Đỗ Thu Hà*

 

Trong nhiều năm qua, việc đào tạo và nghiên cứu Ấn Độ thuộc Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội được thực hiện một cách bài bản và hiệu quả, đạt yêu cầu về chuẩn đầu ra của ĐHQG Hà Nội. Tỷ lệ sinh viên nhận học bổng du học nước ngoài của Bộ môn được đánh giá là cao nhất trong các cơ sở đào tạo Ấn Độ học ở Việt Nam (trong 13 năm đã cử được 88 lượt sinh viên đi học cao học và học tiếng). Chất lượng nghiên cứu Ấn Độ học, nhất là trong lĩnh vực lịch sử, tôn giáo, văn học và văn hóa, của đơn vị được đánh giá cao trong nước và ở các trường đại học Ấn Độ và Đông Nam Á.

Bộ môn được Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế Ấn Độ ICCR đánh giá cao và coi như đối tác trọng điểm nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam, năm nào cũng dành cho nhiều học bổng cao học nhất tại Việt Nam. Số lượng học bổng (từ dưới 01 tháng đến 01 năm) trung bình dành cho sinh viên/năm: 03- 05 học bổng, số lượng học bổng dành cho học viên cao học/năm: 10-14 học bổng.

Kể từ khi thành lập cho tới nay, bộ môn Ấn Độ luôn chú trọng nâng cao mức độ quốc tế hoá, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Nhiều giảng viên quốc tế từ Ấn Độ, Iran, Anh, Nhật, Thái Lan, … đã đến giảng dạy tại Bộ môn từ năm 2009 đến nay. Hàng năm bộ môn tổ chức các cuộc giao lưu sinh viên, tiếp nhận khoảng 30 sinh viên và học viên cao học Ấn Độ từ các trường Đại học Ấn Độ… sang trao đổi, tọa đàm. Ngoài ra, Bộ môn đều tổ chức các cuộc nói chuyện của Đại sứ Ấn Độ và các nhà học giả, nhà văn của Iran và Ấn Độ, các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nổi tiếng về múa, biểu diễn âm nhạc, trưng bày tranh ảnh, tọa đàm và chiếu phim cho sinh viên của Bộ môn và trường.

Bộ môn cũng có nhiều đề tài, chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế với các trường đại học và tổ chức học thuật khác nhau trên thế giới như Chương trình Hợp tác Nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tại Đông Nam Á, Chương trình Hợp tác Nghiên cứu về Phật giáo và Hinđu giáo tại Việt Nam, Chương trình Nghiên cứu về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong 45 năm qua, Từ điển văn học Ấn Độ, Khảo sát huyền thoại trong văn học cổ đại Ấn Độ, Lược khảo tác gia tác phẩm trong văn học Ấn Độ đương đại, Giao thoa Đông Tây qua một số tác phẩm văn học Ấn Độ đương đại, Tìm hiểu tiếp xúc Ấn Độ- Việt Nam qua một số môtíp văn học dân gian, Văn luận truyền thống Ấn Độ, Mối quan hệ gữa trung tâm và ngoại vi về phương diện văn hóa trong quá trình phát triển – Trường hợp Ấn Độ; …

Bộ môn cũng có nhiều công trình khoa học công bố quốc tế. Trong 13 năm qua, từ 2004-2017, bộ môn có hơn 170 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ISSN/ISBN, 75 báo cáo trình bày tại các hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở trong và ngoài nước và xuất bản nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu về Ấn Độ như: Vấn đề bản địa hoá sử thi Ramayana Ấn Độ tại một số nước Đông Nam Á, 4/2002, NXB. Văn hoá Thông tin, Hà Nội; Tagore- Văn và người, 4/2005, NXB. Văn hoá Thông tin, Hà Nội; Giáo trình Kinh tến Ấn Độ, 8/2010, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo trình Phong tục tập quán Ấn Độ, 3/2013, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo trình Văn học Ấn Độ, 5/2016, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo trình Văn hoá Ấn Độ, 5/2010, ĐH Khoa học XH và NV; Giáo trình Hinđu giáo, 12/2015, ĐH Khoa học XH và NV; Giới thiệu văn hóa phương Đông, phần Văn hóa Ấn Độ, tr. 187-498.6/2008, Nxb Hà Nội; 300 mục từ về Văn học Ấn Độ trong Từ điển Văn học nước ngoài- Tác gia và tác phẩm, 11/2009, Nxb. Giáo dục; …

Các bài giảng về Tôn giáo Ấn Độ, Chính trị Ấn Độ, Xã hội Ấn Độ, Báo chí Ấn Độ, Nghệ thuật Ấn Độ, Địa lý Ấn Độ …cũng đã được viết và sử dụng làm tài liệu giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Ngoài ra, Bộ môn còn dịch nhiều tác phẩm và tài liệu quan trọng về tôn giáo và văn học nghệ thuật như Truyện ngắn Ấn Độ hiện đại, 4/2002, NXB. Văn hoá Thông tin, Hà Nội; Tinh túy của Hinđu giáo của Mahatma Gandhi, NXB. Khoa học Xã hội, 10/2017; Hinđu giáo đương đại của Robert Rinehart…

Như vậy, tuy thành lập chưa lâu nhưng cán bộ và giảng viên của Bộ môn Ấn Độ học của trường chúng tôi đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu xuất sắc, có đóng góp cho sự nghiệp chung.

Hai nước Ấn Độ và Việt Nam đều có dân số trẻ, với tỉ lệ dân số dưới 25 tuổi cao. Những gì chúng ta bảo ban thế hệ trẻ ngày nay, sẽ là những gì họ thực hành trong tương lai. Trong khi chúng ta luôn tự hào về những mối quan hệ cổ đại, và hoài niệm về tình hữu nghị được đặt nền móng bởi những vị Cha già của các phong trào độc lập dân tộc, tương lai của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nằm trong tay thế hệ trẻ của hai nước. Thanh niên sẽ là những nhà lãnh đạo tương lai. Chúng ta cần giáo dục giới trẻ về tiềm năng của mối quan hệ này. Nền móng được đặt bởi ảnh hưởng văn hóa, giáo dục và xã hội vừng chắc, bởi thế sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành công luận. Trường ĐHKHXH và NV chúng tôi mong mỏi được tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam nói riêng, nhân dân và chính phủ Ấn Độ nói chung để đẩy mạnh hơn nữa những liên kết trong văn hóa, giáo dục giữa hai nước chúng ta.

* Trưởng Bộ môn Ấn Độ học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn:

Cùng chuyên mục