Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam thăm và làm việc tại Học viện

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam thăm và làm việc tại Học viện

Sáng ngày 22/3/2022, tại Hà Nội, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma.

07:00 02-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tham dự buổi tiếp, có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các cộng sự, nhân viên Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam.

Đánh giá cao những thành tựu đạt được trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, năm 2022 là năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022). Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng, đây là dấu mốc quan trọng để hai nước thúc đẩy và nâng tầm hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện song phương.

Về kế hoạch và nội dung triển khai Hội thảo nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị tổ chức Hội thảo ở cấp quốc gia với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Trung ương, địa phương, các chuyên gia, học giả và doanh nghiệp của hai nước. Trong khuôn khổ Hội thảo, cần có những nội dung đánh giá lại kết quả hoạt động hợp tác giữa hai nước trong 50 năm qua theo hướng kế thừa, định hướng lại những yêu cầu đặt ra giữa hai nước trên cơ sở những nội dung hai bên cùng quan tâm và có những thành tựu phát triển đáng kể như: Tin cậy chính trị, hợp tác kinh tế, an ninh, quốc phòng, y tế, giáo dục đào tạo... cũng như những lĩnh vực có tiềm năng phát triển hơn nữa như: Năng lượng sạch, công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Chia sẻ về hoạt động hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thời gian tới Học viện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp quy hoạch cấp chiến lược, các lớp bồi dưỡng chức danh dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Việt Nam. Vì vậy, đồng chí mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác Ấn Độ mời các học giả, các chuyên gia hàng đầu đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức quốc tế; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trao đổi chuyên đề, nói chuyện, tọa đàm khoa học giữa học giả hai nước theo các chủ đề mà hai bên cùng quan tâm.

Bày tỏ vui mừng được đến thăm và làm việc tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma khẳng định, năm 2022 là dấu mốc quan trọng với cả hai nước, vừa là năm kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam, vừa là năm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ. Đây là những sự kiện quan trọng để hai nước triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực, qua đó tìm kiếm và thúc đẩy nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong tình hình mới. Vì vậy, ngài Đại sứ mong muốn hai bên sẽ tổ chức hai hội thảo vào đầu năm và cuối năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến để thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân hai nước.

Chúc mừng những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội và mở cửa đất nước cho du lịch quốc tế, Đại sứ Pranay Verma tin tưởng Việt Nam sẽ thành công và đạt được các mục tiêu đề ra, bất chấp những khó khăn và thách thức của đại dịch. Đại sứ Pranay Verma khẳng định, hai nước có những mục tiêu tương đồng trong phát triển, đó là biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD trong 5 năm tới và đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Đại sứ mong muốn bên cạnh các động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước là chăm sóc sức khỏe, phục hồi xanh và phát triển bền vững, chuyển đổi số và kinh tế số, hai nước sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại và du lịch.

Theo Đại sứ Pranay Verma, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là những đối tác quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Những hoạt động trao đổi, hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ nói riêng với các đối tác Ấn Độ trong nhiều năm qua đã góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ngài Đại sứ khẳng định cá nhân ông và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam rất sẵn lòng hỗ trợ, tạo điều kiện, kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đối tác Ấn Độ.

Tại buổi tiếp, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng giao Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc chặt chẽ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và các đối tác Ấn Độ để xây dựng các nội dung hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Nguồn: https://hcma.vn/tintuc/pages/tin-tuc-su-kien.aspx?ItemID=32212&CateID=240

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục