Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Điểm lại chính sách đối ngoại của Ấn Độ năm 2021

Điểm lại chính sách đối ngoại của Ấn Độ năm 2021

Ngoại giao Ấn Độ trong năm 2021 phải đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc hiếu chiến, nguy cơ khủng bố ở khu vực Afghanistan-Pakistan, quyền lực mềm sa sút, nhưng vẫn mang lại thành công.

07:00 01-01-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cứ mỗi dịp cuối năm, chúng ta lại cùng điểm lại kết quả hoạt động của chính phủ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả sự tham gia của Ấn Độ với thế giới. Nhìn lại một năm đã qua giúp mang tới cảm hứng từ những thành công, học hỏi từ những đkhó khăn và chuẩn bị cho những năm sắp tới.

Về mặt này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã giành được rất nhiều niềm tin và thiện cảm về khả năng tích cực, chủ động trong hoạt động ngoại giao, quản lý khủng hoảng, thúc đẩy lợi ích quốc gia và là trung tâm của các hoạt động song phương, ba bên, tứ giác và đa phương trên thế giới.

Bất chấp những khó khăn do những hạn chế đi lại do đại dịch Covid gây ra, Ấn Độ đã tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đến Delhi tham dự các hội nghị thượng đỉnh song phương và các cuộc gặp ở các cấp khác. Hội nghị thượng đỉnh song phương chiến lược và quan trọng nhất diễn ra tại New Delhi là giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ấn Độ thành công trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp này, dẫn đến việc gia hạn thỏa thuận hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Nga thêm 10 năm và việc cung cấp tên lửa S-400 của Nga cho Ấn Độ, đây là những thành tích làm người Ấn Độ hài lòng. Liên minh chiến lược Nga – Trung Quốc và lời đe dọa trừng phạt của Mỹ đối với thỏa thuận S-400 đã không thể ngăn thỏa thuận được thông qua và trên thực tế, việc chuyển giao tên lửa đã bắt đầu được tiến hành.

Ấn Độ cũng đã và đang thu hút các cường quốc khác tham gia các diễn đàn ba bên, chẳng hạn như Nhật-Ấn-Mỹ; Úc-Nhật-Ấn Độ; và Ấn Độ-Pháp-Nhật Bản ở cả cấp độ ngoại giao chính thức và ngoại giao kênh hai. Một trong những cam kết ba bên quan trọng nhất ở cấp ngoại trưởng là ba bên Nga-Trung-Ấn. Ngoại trưởng Ấn Độ đã có cuộc gặp trực tuyến với những người đồng cấp vào năm 2021 để thúc đẩy trật tự thế giới đa phương.

Ấn Độ từng phản đối Chiến tranh Lạnh lưỡng cực giữa Mỹ và Liên Xô cũ và chủ trương không liên kết trong nhiều thập kỷ. Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải có một thế giới đa cực ngay cả trong thời kỳ Mỹ là siêu cường duy nhất sau khi Liên Xô tan rã. Và Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực khi những dấu hiệu của một cuộc Chiến tranh Lạnh Trung Quốc - Mỹ mới đang xuất hiện trong những năm gần đây.

Điều đáng chú ý là thành công của ngoại giao Ấn Độ trong việc hợp tác với Nga và Trung Quốc và phát triển một thế giới quan chung về sự cần thiết phải có một trật tự thế giới đa cực thay vì chỉ một nước nắm quyền bá chủ. Ngoài ba bên Nga-Trung-Ấn, còn có một diễn đàn của năm cường quốc trải dài bốn châu lục là nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ấn Độ đã đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến BRICS vào tháng 9 năm 2021 và các nước thành viên trong một tuyên bố chung đã cam kết: “thúc đẩy hệ thống quốc tế đa cực bao trùm, bình đẳng và có tính đại diện hơn lấy Liên hợp quốc làm trung tâm”.

Liệu Ấn Độ có thể thúc đẩy việc thiết lập trật tự đa cực trên thế giới, nhưng đồng thời đảm bảo có quyền bá chủ duy nhất ở Ấn Độ-Thái Bình Dương? Không thể có điều ấy xảy ra. Thế giới đã chứng kiến ​​sự trỗi dậy không hòa bình của quyền lực Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Trung Quốc, quốc gia ủng hộ lý thuyết trỗi dậy hòa bình, bắt đầu khẳng định sức mạnh mới hình thành khi sự suy giảm tương đối của sức mạnh Mỹ tạo cơ sở thuận lợi cho Trung Quốc làm điều đó. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển rộng lớn ở Biển Đông và việc họ khẳng định điều đó bằng cách sử dụng vũ lực không phải là vấn đề rắc rối duy nhất. Trung Quốc đã và đang làm điều tương tự ở Biển Hoa Đông và thậm chí dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế Trung-Ấn.

Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự trong năm 2021 để mở rộng các yêu sách lãnh thổ nhưng vẫn tiếp tục sử dụng sự giàu có về tài chính để mở rộng quyền kiểm soát kinh tế đối với một số lượng lớn các quốc gia ở Ấn Độ Dương và thậm chí xa hơn. Hậu quả của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc hiện đã được nhiều người biết đến, nhưng nhiều quốc gia đã rơi vào bẫy nợ và một số quốc gia khác dường như đang vùng vẫy để thoát bẫy nợ.

Ấn Độ đã phản đối cả chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc và các hoạt động kinh tế đối ngoại mang tính săn mồi của nước này. Nhưng sự phát triển đáng chú ý nhất về vấn đề này đã xảy ra vào năm 2021 là Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Quad mà Ấn Độ là một bên tham gia tích cực. Đối thoại An ninh Tứ giác Quad gần như đã không có hoạt động gì trong suốt một thập kỷ nhưng may mắn được Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi sinh. Joe Biden, người đã đánh bại Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 trong một cuộc bầu cử đầy kịch tính vào Nhà Trắng vào tháng 1 năm 2021, đã thực hiện các bước nhanh chóng để củng cố nhóm Bộ tứ. Vào tháng 3 năm 2021, ông đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nước thành viên Quad mà thủ tướng Ấn Độ đã tích cực tham gia.

Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh thậm chí không đề cập đến từ “Trung Quốc”, nhưng thỏa thuận giữa các thành viên để cùng nhau chống lại đại dịch Covid, bảo vệ không gian mạng, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mới nổi và đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và không bị gián đoạn sẽ đi một chặng đường dài trong việc ngăn chặn trật tự bá chủ do Trung Quốc làm trung tâm và do Bắc Kinh kiểm soát ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một diễn biến quan trọng khác diễn ra vào năm 2021 cần phải kể đến là việc Mỹ đột ngột quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Ngay sau khi quân đội Mỹ và NATO rời Afghanistan, Taliban đã quay lại Kabul và nắm quyền kiểm soát các tổ chức và cơ quan chính phủ. Ấn Độ là một trong những nạn nhân của diễn biến này và phải đối mặt với những thách thức cả về kinh tế và an ninh. Một vài khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD của Ấn Độ có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề và sau đó có khả năng cao là Pakistan sẽ chỉ đạo các diễn biến ở Afghanistan một lần nữa và nạp năng lượng cho cỗ máy khủng bố.

Vai trò của Ấn Độ trong việc giúp đỡ người dân Afghanistan đang đối mặt với nạn đói, đồng thời tìm cách kiềm chế sự lan rộng ảnh hưởng của Taliban là rất đáng hoan nghênh. Trong khi Nga, Trung Quốc và Pakistan thống nhất bắt tay với chế độ Taliban và ủng hộ việc công nhận Taliban và Mỹ không có quyền giải quyết các mối quan ngại của Ấn Độ, thì Ấn Độ đã đưa ra các sáng kiến ​​ngoại giao để đối phó với những thách thức ở Afghanistan.

Ấn Độ chứng kiến ​​rằng, chính phủ ở Kabul đã không được quốc tế công nhận cho đến khi có hệ thống quản trị trên diện rộng, các dân tộc thiểu số được an toàn và các biện pháp thích đáng được thực hiện để ngăn chặn Afghanistan trở thành sân nhà của các hoạt động khủng bố. Ấn Độ đã phối hợp với Iran và các nước Cộng hòa Trung Á và với các cơ quan tình báo phương Tây và Nga để ngăn chặn và đối đầu với chủ nghĩa khủng bố. Tuyên bố Delhi ngày 10 tháng 11 năm 2021 mang nhiều gợi ý chính sách để giải quyết vấn đề này. Đồng thời, Ấn Độ đã cung cấp hàng nghìn tấn lúa mì cho Afghanistan để hỗ trợ nhân đạo.

Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà Ấn Độ phải đối mặt là sự sụt giảm quyền lực mềm khi làn sóng đại dịch thứ hai tấn công Ấn Độ. Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin trong nước trầm trọng và không thể thực hiện ý định cung cấp vắc-xin cho nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ đã bị các đảng đối lập chỉ trích và các quốc gia khác mong đợi việc cung cấp vắc-xin đã bày tỏ sự không hài lòng.

Nhưng cách Chính phủ Ấn Độ giải quyết vấn đề vắc-xin bằng cách sản xuất hàng triệu liều, tiêm chủng cho gần 60% dân số và thậm chí xuất khẩu vắc-xin đã thay đổi hình ảnh của Ấn Độ một lần nữa và nâng cao sức hút cũng như quyền lực mềm của Ấn Độ trong cộng đồng quốc tế.

Do đó, có thể kết luận rằng, ngoại giao Ấn Độ trong năm 2021 phải đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc hiếu chiến, nguy cơ khủng bố ở khu vực Afghanistan-Pakistan, quyền lực mềm sa sút, nhưng vẫn mang lại thành công.

Thách thức vẫn còn đó khi chúng ta bước sang năm mới. Ngoại giao Ấn Độ sẽ phải hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy trật tự thế giới đa phương, trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phi bá quyền và tham gia vào ngoại giao kinh tế để đạt được mục tiêu Ấn Độ tự cường Aatmanirnhar Bharat. Mục tiêu là đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế có thể tạo điều kiện thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và toàn cầu hóa công bằng.

Tác giả: Chintamani Mahapatra, Đại học JNU, Ấn Độ

Chú thích ảnh: GS TS Chintamani Mahapatra làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, tháng 11/2019.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.firstpost.com/india/2021-indian-foreign-policy-looking-back-and-then-forward-10246321.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục