Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đoàn nghiên cứu Viện Quản lý Bangalore (IIMB), Ấn Độ thăm và làm việc tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đoàn nghiên cứu Viện Quản lý Bangalore (IIMB), Ấn Độ thăm và làm việc tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thực hiện hợp tác được ký kết giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Quản lý Bangalore, Ấn Độ, ngày 30/11/2015, đoàn nghiên cứu Viện Quản lý Bangalore do Ngài Neelakantan Ravi, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Ban giám đốc Học viện, lãnh đạo các vụ viện và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

03:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì buổi tiếp và làm việc. Cùng tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Ấn Độ có Ngài Vijay Kuma, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và một số cán bộ Đại sứ quán; về phía Học viện có PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế, PGS, TS Trịnh Đức Thảo, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, PGS, TS Trần Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, cùng các cán bộ nghiên cứu đến từ các Vụ, Viện, Trung tâm trong Học viện.

Tại buổi làm việc, GS, TS Tạ Ngọc Tấn đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam sau 30 năm Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước.

Các cán bộ và học viên Viện quản lý Bangalore đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: Chính sách phát triển kinh tế Việt Nam từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới đến nay; Những cách thức, biện pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; Chính sách khoán sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; Chính sách thu hút nguồn đầu tư nước ngoài; Chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, đảm đương vai trò trụ cột nền kinh tế; Những biện pháp nhằm khuyến khích các ngành dịch vụ phát triển; Vấn đề thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam,... Ngoài ra, các học viên Ấn Độ cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới. Những vấn đề nêu trên đã được GS, TS Tạ Ngọc Tấn cùng các chuyên gia của Học viện trả lời một cách thấu đáo và sâu sắc.

Qua hơn 2 giờ làm việc và trao đổi sôi nổi, Ngài Neelakantan Ravi thay mặt đoàn cán bộ nghiên cứu Viện Quản lý Bangalore, Ấn Độ chân thành cảm ơn GS, TS Tạ Ngọc Tấn và các chuyên gia của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã giành thời gian quý báu đón tiếp và trao đổi sâu sắc về các vấn đề cán bộ, học viên quan tâm nghiên cứu, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ về thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được, hy vọng có dịp quay trở lại thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn đại diện cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoan nghênh đoàn nghiên cứu Học viện Hành chính công Bangalore đến thăm và nghiên cứu về Việt Nam. GS Tạ Ngọc Tấn hy vọng các cán bộ, học viên Ấn Độ trong tương lai sẽ đến thăm và làm việc tại Việt Nam nhiều lần hơn nữa, và chúc toàn thể cán bộ và thành viên trong đoàn đạt được nhiều thành quả nghiên cứu xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước Ấn Độ, và góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tương lai luôn phát triển bền vững.

(Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục