Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đối thoại giữa hai nền dân chủ

Đối thoại giữa hai nền dân chủ

Mỹ sẵn sàng lắng nghe, Ấn Độ sẵn sàng nói về quá trình phát triển. Mối quan hệ đã chín muồi.

03:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ấn Độ đã kết thúc với nhiều dấu ấn tốt đẹp, bất chấp những dự đoán ban đầu của một số nước thành viên nhóm Bộ tứ rằng, chính quyền Joe Biden coi Chính phủ Narendra Modi như những gì nhiều người vẫn đánh giá Ấn Độ đang là có nền “dân chủ giật lùi”.

Những người đánh giá như vậy mang nặng tư duy đảng phái và chống đối chính phủ đương nhiệm, hơn là dựa trên những nguồn thông tin có cơ sở để đánh giá hợp tác Ấn Độ-Mỹ.

Trong địa chính trị, vai trò của các giá trị thường bị hạn chế. Xét cho cùng, vị thế lớn mạnh mà Trung Quốc có ngày nay là do chính Mỹ tạo ra khi phá bỏ mối quan hệ Liên Xô-Trung Quốc để đưa Trung Quốc vào hàng những nước lớn trên toàn cầu. Mặc dù chiến lược đó cho phép Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh so với Liên Xô, nhưng nó cũng đặt nền móng cho sự suy giảm của ưu thế của Mỹ và sự đi lên toàn cầu của Trung Quốc. Các giá trị dân chủ và nhân quyền khi đó không là mối quan tâm lớn của Mỹ và có khả năng chúng sẽ không còn là mối quan tâm lớn ngày nay khi Washington có vẻ sẽ điều chỉnh lại chiến lược để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua thực tế rằng, Ấn Độ và Mỹ là hai lực lượng dân chủ quan trọng nhất trên thế giới. Mặc dù điều này không dẫn đến sự tiếp cận song phương đáng kể trong Chiến tranh Lạnh do các chương trình nghị sự chiến lược của hai nước khác nhau, nhưng nó đã làm tăng thêm sự sinh động cho những gì hiện được mô tả là một trong những cam kết song phương “mang lại nhiều kết quả nhất” trên thế giới sau những năm 1990. Cả hai bên đều thừa nhận vai trò của các giá trị chung trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ.

Vấn đề giá trị tạo ra những suy đoán về khả năng Washington cố gắng gây áp lực lên New Delhi trước những thách thức đối với cơ cấu dân chủ của Ấn Độ. Ghi nhận có một số sự tương đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, giới quan sát đã có những câu hỏi đặt ra về lợi ích của Ấn Độ khi hợp tác của Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Các anh hùng bàn phím đã tuyên chiến trên Twitter nơi phần lớn quan điểm chính trị đảng phái có khả năng gây ra các bất đồng trong chính sách đối ngoại. Ở Ấn Độ, ngay cả một số người trong nhiều thập kỷ ủng hộ việc Mỹ không nên can thiệp vào các vấn đề trong nước của Ấn Độ nhưng nay đã bắt đầu tranh luận rằng, Mỹ nên mạnh tay hơn với chính phủ Modi về các vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Kết quả cuối cùng của chuyến thăm của Blinken có thể đã khiến những người có kỳ vọng như vậy không hài lòng. Nhưng cuối cùng nó đã chứng tỏ một lần nữa khả năng của hai nền dân chủ trong việc xử lý vấn đề còn gây chia rẽ trong quan niệm và thực hành dân chủ với một mức độ thấu đáo. Cả hai bên đều nhận ra sự cần thiết phải phân biệt giữa những cơn cuồng nộ ồn ào trên mạng xã hội và các cuộc tranh luận chính trị nội bộ nghiêm túc vì cả hai quốc gia đều đang trong quá trình giải quyết những vấn đề còn tồn đọng từ quá khứ.

Mỹ tiếp tục xử lý di sản thời nội chiến. Nếu ngày nay sự chia rẽ ngày càng rõ nét hơn giữa các nhóm như Cuộc sống của người da đen là quan trọng (Black Lives Matter) và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, và nếu thùng thuốc súng do Donald Trump khơi ra có vẻ khó bị ngăn chặn, thì đó là sự phản ánh những thách thức chưa được giải quyết trong quá khứ. Cuộc tấn công vào Đồi Capitol của những người ủng hộ Trump đầu năm 2021 không phải là đỉnh điểm mà chỉ đơn thuần là sự khởi đầu của một quá trình đang diễn ra, một quá trình nhấn mạnh rằng, cấu trúc thể chế của nền dân chủ Mỹ ngày nay không được nắm giữ bởi giá trị rất cơ bản để duy trì các thể chế, đó là yếu tố Lòng tin. Rõ ràng là Biden đã có thể làm bất cứ điều gì để thu hẹp khoảng cách này.

Vấn đề lớn mà Ấn Độ tiếp tục phải xử lý là Sự chia tách Ấn Độ (năm 1947). Các quốc gia ở Nam Á là những thực thể vô cùng phức tạp, là bức tranh ghép của nhiều sắc tộc, nhiều tôn giáo và nhiều niềm tin. Số phận của các nhóm thiểu số khá nghèo nàn ở hầu hết các quốc gia ở Nam Á. Với tất cả những thách thức đó, Hiến pháp Ấn Độ tiếp tục là lá chắn cho các nhóm thiểu số đảm bảo rằng lợi ích của họ sẽ được quan tâm. Nhưng sứ mạnh lịch sử chưa hoàn thành của Sự chia tách Ấn Độ đã đảm bảo rằng cấu trúc dân chủ của Ấn Độ sẽ còn tiếp tục phải vượt qua những thách thức đó ngay cả khi các đường biên giới chưa được xác định hoàn toàn và các điều khoản tạm thời, như Điều 370, tiếp tục thách thức chương trình nghị sự trong quản trị quốc gia của Ấn Độ.

Kết quả là, cả ở Ấn Độ và Mỹ, các cuộc tranh luận chính trị hàng ngày được gắn vào các lực lượng lớn hơn của lịch sử. Các nền dân chủ đủ trưởng thành sẽ phải học cách tìm cách phản ứng lại những cuộc tranh luận này mà không làm mất đi khả năng quản trị. Ấn Độ và Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề này theo cách riêng của mỗi nước và trong cách hai nước tham gia với nhau.

Chuyến thăm của Blinken một lần nữa nhấn mạnh rằng, Mỹ đang có quan điểm chiến lược đối với Ấn Độ và coi New Delhi như một đối tác xứng đáng hợp tác. Hệ thống chính trị vững vàng không bị lung lay bởi những quan điểm cực đoan hơn trong giới bình luận và ý kiến của mạng xã hội do hệ thống thấu hiểu tầm quan trọng của các bối cảnh văn hóa khác nhau trong không gian dân chủ rộng lớn hơn. Ẩn chứa trong đó là sự thừa nhận rằng, thế giới không chỉ đa cực về chính trị và quân sự mà còn ngày càng đa cực về văn hóa.

Blinken thừa nhận những thách thức mà tất cả các nền dân chủ phải đối mặt bằng cách gợi ý rằng, Mỹ công nhận “mọi nền dân chủ, bắt đầu từ nền dân chủ của chúng ta (kiểu Mỹ), đều đang tiến triển”. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar khẳng định sự cần thiết phải tham gia và “cách tiếp cận đa nguyên” được chia sẻ qua lăng kính của “Bối cảnh, niềm tin và văn hóa của riêng chúng ta”. Qua những phát ngôn này, hai bên đã làm rõ rằng, vấn đề dân chủ, thay vì trở thành một thách thức, đang thực sự mở ra một không gian mới trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ, nơi Mỹ sẵn sàng lắng nghe và học hỏi nhiều hơn và Ấn Độ không còn giữ kẽ trong việc chia sẻ với thế giới. Thế giới đang thay đổi và quan hệ đối tác Ấn Độ - Mỹ cũng đang phát triển theo những thay đổi đó.

Tác giả: Giáo sư Harsh V Pant, Giám đốc nghiên cứu và Trưởng Chương trình Nghiên cứu Chiến lược, Quỹ Nghiên cứu Người quan sát, New Delhi.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/when-two-democracies-talk/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục