Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam

Sáng ngày 22/3/2022, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì buổi tiếp và làm việc với Ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam.

03:28 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tham dự buổi tiếp, về phía Học viện, có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; TS Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; TS Trương Công Đắc, Chánh Văn phòng Học viện; TS Đỗ Tất Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học; các đồng chí thư ký và trợ lý của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện; các cán bộ Vụ Hợp tác Quốc tế và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

Về phía Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, có ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ; ông Sushil Prasad, Bí thư thứ nhất phụ trách chính trị; thư ký Đại sứ; cán bộ phiên dịch và các nhân viên Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam.

cr_anh-2.jpg

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những nỗ lực của Ấn Độ trong ứng phó với đại dịch Covid-19, và nhận xét “Ấn Độ là biểu tượng sáng tạo vượt qua các thách thức, chủ động trong vấn đề vắc-xin và dược phẩm, nhanh chóng chuyển từ trạng thái chống dịch sang trạng thái phát triển kinh tế”. GS TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đại dịch Covid-19 là một thực tiễn để đánh giá lại các mối quan hệ và cấu trúc phát triển mới. Càng trong khó khăn, tình bạn, tình hữu nghị của hai quốc gia càng được khẳng định. Nguyên thủ quốc gia hai nước thường xuyên trao đổi điện đàm và tham gia các sự kiện chung. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Ấn Độ cuối năm 2021. Các định chế hình thành trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển. Điển hình là Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Học viện vẫn duy trì hoạt động kết nối khoa học và hợp tác nghiên cứu khoa học với các đối tác Ấn Độ bằng các phương thức phù hợp vượt lên những khó khăn do đại dịch.

Bày tỏ vui mừng được đến thăm và làm việc tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma khẳng định, năm 2022 là dấu mốc quan trọng với cả hai nước, vừa là năm kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ - Việt Nam (1972-2022), vừa là năm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Cộng hòa Ấn Độ (15/8/1947-15/8/2022). Đại sứ Verma tổng kết một số thành tựu hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian gần đây. Một là, trong hợp tác quốc phòng, an ninh, Ấn Độ đã bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc trên biển cho Việt Nam, hoàn thành giải ngân gói tín dụng trị giá 100 triệu USD. Hai bên đang xúc tiến thủ tục để hoàn thành giải ngân gói tín dụng thứ hai, trị giá 500 triệu USD do Ấn Độ tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Hai là, Ấn Độ đã hoàn thành được 27 trên tổng số 37 dự án tác động nhanh (QIP) tại 33 tỉnh thành của Việt Nam. Ba là, trong ứng phó với đại dịch Covid-19, Ấn Độ đã cung cấp 40 triệu liều vắc-xin Covaxin do Ấn Độ sáng chế và sản xuất cho cơ chế COVAX của Liên hợp quốc. Đồng thời, Ấn Độ đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trong thử nghiệm giai đoạn ba của vắc-xin Nanocovax do Việt Nam phát triển.

Về những nội dung hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Ấn Độ trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2022, hai bên đi tới thống nhất triển khai ba nhóm hoạt động chính. Thứ nhất, tổ chức hội thảo khoa học. Đây sẽ là hội thảo lớn, cấp quốc gia, quốc tế, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Học viện, và trực tuyến tới 63 tỉnh thành của Việt Nam và các điểm cầu Ấn Độ. Hội thảo sẽ có sự tham gia của nhiều nhóm như lãnh đạo quốc gia, nhà khoa học, nhà ngoại giao, chuyên gia các ngành, lĩnh vực và đại diện khối doanh nghiệp. Thứ hai, tổ chức hoạt động đào tạo, mời các chuyên gia và nhà khoa học Ấn Độ tới thuyết giảng tại các hệ, lớp do Học viện tổ chức. Thứ ba, kết nối để tổ chức đoàn Học viện tới thăm, làm việc và giảng dạy tại Ấn Độ.

Hai bên đã đề cập tới nhiều chủ đề cùng quan tâm, phù hợp với định hướng phát triển đề ra trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và những động lực mới của chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ. Sau đây là một số chủ đề có thể lựa chọn để tổ chức các hoạt động hợp tác.

  • Phát triển kinh tế, thương mại: Ấn Độ với tầm nhìn trở thành nền kinh tế 5000 tỉ USD, hiện đứng thứ 4 thế giới. Trong khi đó Việt Nam cũng xác định mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và  trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Hai quốc gia đều chia sẻ tầm nhìn chung về phát triển thịnh vượng và bền vững.
  • Chuyển đổi số: Ấn Độ có thể mạnh về nhân lực có trình độ cao trong công nghệ thông tin và truyền thông. Ấn Độ đang triển khai nhiều chương trình chuyển đổi số (bao gồm cả kinh tế số). Văn kiện ĐH XIII của Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ tăng trưởng bằng con đường đổi mới sáng tạo nhờ khoa học và công nghệ. Như vậy, chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội là nội dung cả hai bên cùng quan tâm và có nhiều chia sẻ, học tập lẫn nhau.
  • Tăng trưởng xanh, và bền vững: Ấn Độ triển khai những chương trình trọng tâm trong việc phủ xanh, chia sẻ những vấn đề chung về tăng trưởng xanh và bền vững với Việt Nam. Đặc biệt chú trọng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với vấn đề thiếu nước ngọt, hạn, xâm nhập mặn, xói lở, nước biển dâng.
  • An ninh: An ninh hàng hải là trọng tâm của cuộc điện đàm giữa Thủ tướng của hai nước trong thời gian qua. Ấn Độ và Việt Nam đều là thành viên của Hội đồng bảo an LHQ (UNSC). Ấn Độ và Việt Nam đồng quan điểm trong tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh phi truyền thống, như an ninh mạng, cũng là mối quan tâm của hai bên.
  • Sức khỏe: Các chính sách bao gồm sức khỏe thể chất và sự bình an nói chung (wellness), lấy con người làm trung tâm (an ninh, an toàn, an trí, an dân).
  • Năng lượng: Tiếp tục chủ đề hội thảo về năng lượng đã tổ chức tháng 5/2019. Chú trọng hơn vào năng lượng tái tạo, bàn về năng lượng nguyên tử, chương trình sản xuất 20 GW năng lượng hạt nhân của Ấn Độ, cung cấp bằng chứng, luận cứ để làm tiền đề, cơ sở khoa học cho việc tư vấn chính sách phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng  yêu cầu Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và các đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  tích cực, khẩn trương làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và các đối tác Ấn Độ để xây dựng kế hoạch chi tiết cho các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Bấm vào đây để xem hình ảnh sự kiện

Click here to read the English version/Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục