Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp và làm việc với Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam
Sáng 08/6/2017, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì buổi tiếp và làm việc với ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam.
Tham dự buổi tiếp có PGS,TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng trực thuộc Học viện; cán bộ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung, giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam nói riêng, đồng thời ông đánh giá cao những thành tựu hợp tác đạt được trong thời gian qua giữa hai bên, đặc biệt là việc tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược” vào tháng 3/2017. Giám đốc Học viện cũng đánh giá cao các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ từ khi thành lập cho đến nay. Giám đốc Học viện mong muốn và hy vọng rằng, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Học viện, tiếp tục ủng hộ các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm tạo dựng được các diễn đàn khoa học, giúp các nhà khoa học hai nước có cơ hội giao lưu và hợp tác nghiên cứu chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, an ninh chiến lược…, đồng thời thúc đẩy hoạt động chia sẻ kinh nghiệm phát triển giữa hai quốc gia. Những kết quả hợp tác nghiên cứu sẽ được phổ biến rộng rãi thông qua nội dung chương trình giảng dạy, bồi dưỡng cho các hệ lớp trong hệ thống Học viện và qua các kênh thông tin khoa học, các xuất bản phẩm.
Bày tỏ niềm vui mừng được đến thăm và làm việc tại Học viện, ngài Parvathaneni Harish trân trọng đề nghị, trong thời gian tới, Học viện và Đại sứ quán Ấn Độ sẽ tăng cường hoạt động phối hợp nghiên cứu, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của giới trẻ hai nước; gia tăng số lượng các xuất bản phẩm về các kết quả nghiên cứu nhằm phổ biến rộng rãi những thành tựu đạt được của hai nước Việt Nam và Ấn Độ trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, ông đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thời gian qua. Đại sứ Parvathaneni Harish hy vọng sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Đại sứ quán Ấn Độ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông qua kênh liên kết hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.
Ngoài ra, Ngài Đại sứ cũng mong muốn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với tư cách là cơ quan đào tạo cán bộ trung cao cấp, cơ quan nghiên cứu khoa học, tham mưu tư vấn chủ trương, chính sách cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ triển khai những hoạt động cụ thể, cung cấp nhiều thông tin khoa học về Ấn Độ, về quan hệ Ấn – Việt, quan hệ Ấn Độ với các nước trên thế giới, thiết thực góp phần tăng cường giao lưu nâng cao nhận thức song phương cho giới hoạch định chính sách, giới khoa học, và đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước.
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn Ngài Đại sứ về những chia sẻ và sự ủng hộ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đối với Học viện nói chung, đặc biệt là với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ không ngừng lớn mạnh, không những là trung tâm của Học viện mà còn là Trung tâm của quốc gia nghiên cứu chuyên sâu về Ấn Độ, là nơi kết hợp tổ chức giảng dạy, đào tạo chuyên ngành Ấn Độ học, là Trung tâm cung cấp những thông tin, kiến thức về Ấn Độ không chỉ cho Học viện, mà còn cho tất cả mọi người có quan tâm về Ấn Độ ở Việt Nam và triển toàn thế giới.
Cuối cùng, hai bên cùng nhất trí sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa Đại sứ quán Ấn Độ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thông qua các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, vì mục tiêu đẩy mạnh hợp tác, phát triển vì lơi ích của hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên toàn thế giới.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục