Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giám đốc Học viện tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam

Giám đốc Học viện tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam

Ngày 20.5.2016, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiếp và làm việc cùng ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam.

03:17 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tham dự buổi làm việc có PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; PGS,TS Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người; PGS, TS Ngô Huy Đức, Viện trưởng Viện Chính trị học; ThS Nguyễn Thái Bình, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học; TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; và một số cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Vụ Hợp tác quốc tế.

Tại buổi tiếp, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng trân trọng chào mừng Ngài Đại sứ  Parvathaneni Harish đến nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Giám đốc Học viện nhấn mạnh những thành quả nổi bật của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đối với đất nước Ấn Độ và đối với thế giới như: Ấn Độ là nước đề xuất thành lập Phong trào Không liên kết; là nước thành công trong việc thực hiện Cách mạng Xanh và Cách mạng Trắng; thành công trong sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao; thành công trong triển khai Chính sách Hướng Đông và Hành động phía Đông. Ông khẳng định, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có bề dày lịch sử hơn 2000 năm khi đạo Phật truyền thừa vào Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru kiến dựng trong thời hiện đại, được Chính phủ hai nước Việt - Ấn kế thừa và phát triển. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu, trao đổi, kết nối học thuật giữa hai nước và tỏ ý hứa với Đại sứ Ấn Độ rằng, ông sẽ cùng cán bộ Học viện xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thành Trung tâm lớn, có đầy đủ năng lực nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành khoa học về Ấn Độ tại Việt Nam. Ngoài ra, Giám đốc Học viện cũng đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, tuy mới được thành lập hơn một năm, nhưng các hoạt động của Trung tâm đã tạo nên tiếng vang lớn không những ở Việt Nam, mà còn ở Ấn Độ. Trong đó, sự giúp đỡ của Chính phủ Ấn Độ, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam là nhân tố vô cùng quan trọng.

Đại sứ Parvathaneni Harish cảm ơn lời chào mừng của Ngài Giám đốc Học viện, đồng thời chúc mừng GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhân dịp Ngài Giám đốc được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ngài Đại sứ cũng nhắc lại mối quan hệ giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru tạo dựng và được các thế hệ lãnh đạo hai nước qua các thời kỳ dày công vun đắp đã không ngừng phát triển. Đặc biệt, trong năm 2017, khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và 10 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Đại sứ Parvathaneni Harish hy vọng sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Đại sứ quán Ấn Độ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt là với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

Ngoài ra, Ngài Đại sứ cũng mong muốn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với tư cách là cơ quan đào tạo cán bộ trung cao cấp, cơ quan tư vấn chính sách, định hướng cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam, sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động cụ thể, cung cấp nhiều thông tin khoa học về Ấn Độ, về quan hệ Ấn – Việt, quan hệ Ấn Độ với các nước trên thế giới, thiết thực góp phần tăng cường giao lưu nâng cao nhận thức song phương cho giới hoạch định chính sách, giới khoa học, thế hệ trẻ hai nước thông qua Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trực thuộc Học viện.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn Ngài Đại sứ về những chia sẻ và sự ủng hộ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đối với Học viện, đồng thời cảm thấy vinh dự khi chứng kiến quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển thông qua cầu nối là Ngài Đại sứ và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng một lần nữa nhấn mạnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ không chỉ là nơi nghiên cứu chuyên sâu về Ấn Độ, mà còn là nơi tổ chức giảng dạy, đào tạo chuyên ngành Ấn Độ học, là Trung tâm cung cấp những thông tin, kiến thức về Ấn Độ không chỉ cho Học viện, mà còn cho tất cả mọi người có quan tâm về Ấn Độ. Ngoài ra, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tư vấn, kiến nghị Chính phủ Ấn Độ đưa Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ vào danh sách quan tâm của Chính phủ Ấn Độ. (Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ)

Nguồn:

Cùng chuyên mục