Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tiếp ngài Commodore Abhay Kumar Singh – Chuyên gia nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng New Delhi, Ấn Độ
Ngày 11/5/2017, PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Abhay Kumar Singh – Chuyên gia nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng New Delhi, Ấn Độ.
Trong buổi tiếp và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã chúc mừng ngài Abhay Kumar Singh đã trở lại Việt Nam trong tuyến công tác tham vấn các chuyên gia về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, trong đó, đi sâu nghiên cứu về Biển Đông, hợp tác an ninh hàng hải giữa Ấn Độ và Việt Nam trên Biển Đông. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ bày tỏ sự cảm ơn chân tình đến Chính phủ và Nhân dân Ấn Độ trong thời gian qua đã tận tình giúp đỡ Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt là những tác động trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông. PGS, TS Lê Văn Toan tin tưởng rằng, với vị thế công tác của mình, ngài Abhay Kumar Singh sẽ có những ý kiến đề xuất lên Chính phủ Ấn Độ tạo nhiều cách thức hợp lý, hợp tình, gia tăng sự giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, vì sự thịnh vượng của hai quốc gia dân tộc Việt Nam và Ấn Độ và vì sự ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ cùng ngài Abhay Kumar Singh đã trao đổi nhiều nội dung xoay quanh vấn đề Biển Đông như: Quan điểm của Ấn Độ về tranh chấp trên Biển Đông đã tương xứng chưa? Nên tăng cường thêm những yếu tố nào? Khẳng định sự cần thiết, quan trọng trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về an ninh hàng hải trên Biển Đông; bàn và đề xuất thêm những lĩnh vực trong hợp tác an ninh hàng hải mà hai nước có thể khai thác; cách tiếp cận hợp pháp thông qua Tòa án Quốc tế Hague về tranh chấp Biển Đông có những tác động gì, liệu những sáng kiến hiện tại của ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử có ràng pháp lý có giúp ổn định được tình hình hay không?; Nếu có ý định về việc thành lập một hiệp định hợp tác hàng hải ba bên hoặc bốn bên với Ấn Độ, trong đó bao gồm các đối tác bổ sung thì nên mời những quốc gia nào cùng tham gia?, v.v..
Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề lớn cần sự quyết định của những nhà hoạch định chính sách, những nhà lãnh đạo. Với tư cách những nhà nghiên cứu, chúng ta cần đào sâu suy nghĩ, cân nhắc tiềm lực từng quốc gia, xem xét bối cảnh thời đại, những quan hệ song phương và đa phương, từ đó đề xuất luận cứ khoa học. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ rất mong ngài Abhay Kumar Singh quan tâm sâu sắc hơn những nội dung gợi mở trong buổi trao đổi này, huy động các học giả Ấn Độ cùng nghiên cứu, đề xuất lên Chính phủ Ấn Độ hoạch định sách lược cụ thể, sát thực hơn trong chính sách Hành động Phía Đông của Ấn Độ mà Việt Nam là trụ cột trong chính sách này, góp phần đưa quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục