Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giao Lưu Nhân Dân và Du Lịch Việt Nam - Ấn Độ

Giao Lưu Nhân Dân và Du Lịch Việt Nam - Ấn Độ

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu Tóm lược Bài phát biểu của ĐS. TS. Tôn Sinh Thành tại buổi tọa đàm "Giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ: triển vọng trong phát triển du lịch" ngày 18/03/2024 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

09:50 15-03-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kính thưa các quý vị,

Việt Nam và Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội lớn để tăng cường giao lưu nhân dân và phát triển du lịch hai chiều, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác và phát triển giữa hai dân tộc, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Sự lạc quan của tôi về phát triển du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước dựa trên bốn lý do: Thứ nhất là tình cảm hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc; thứ hai là mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước; thứ ba là tiềm năng kinh tế, du lịch to lớn của cả hai nước và cuối cùng là sự đột phá về kết nối giữa hai nước.

Đầu tiên, về quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc.

Việt Nam và Ấn Độ đã có sự giao thoa văn hóa giữa hai nước từ thời cổ đại.

Từ xa xưa, khu vực Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng chịu ảnh hưởng truyền thống của cả văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Khoảng 2000 năm TCN, Đạo Hindu ra đời và từ đó theo chân các nhà buôn Ấn Độ xâm nhập vào Đông Nam Á, trở thành văn hóa và tôn giáo chính của Vương Quốc Champa tại miền Trung Việt Nam từ thế kỷ thứ III tới XVII. Một tôn giáo lớn khác - Đạo Phật, ra đời tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI TCN, và phát triển cực thịnh trên toàn Ấn Độ từ thế kỷ thứ II TCN dưới thời vua Ashoka và sau đó được truyền bá vào Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Đại thừa ở phía Bắc và Tiểu thừa ở phía Nam.

Không những thế, Việt Nam và Ấn Độ còn ủng hộ lẫn nhau chống thực dân đế quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ năm 1946, khi Ấn Độ chưa giành được độc lập, Đảng Quốc đại Ấn Độ tuyên bố lên án thực dân Pháp vi phạm thỏa thuận Fontainebleau giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Pháp. Tháng 2/1947, Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm máy bay và tàu chiến Pháp bay qua lãnh thổ Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ xuống đường ủng hộ Việt Nam chống thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1966, Ấn Độ yêu cầu Mỹ chấm dứt vô điều kiện việc ném bom Việt Nam, đồng thời phản đối mạnh mẽ SEATO chống lại Việt Nam. Nhân dân Ấn Độ xuống đường ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Năm 1972, Ấn Độ nâng cấp quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Ấn Độ đối với Việt Nam trong bối cảnh những diễn biết phức tạp của quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Xô.

Khi vấn đề Campuchia nổ ra, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ngoài khối Xã hội Chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ lương thực cho Việt Nam, khi ta gặp nhiều khó khăn kinh tế do bị bao vây, cấm vận. Đặc biệt, trên mặt trận ngoại giao, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi đã ngăn không cho chính quyền Khme Đỏ ngồi vào chiếc ghế của Campuchia tại Đại hội đồng Liên hợp Quốc và tại Phong trào Không liên kết.

Tóm lại, sự giao thoa văn hóa tạo nên sự gần gũi về văn hóa, trong khi sự đồng cảm, cùng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc đã tạo nên sự gắn bó tự nhiên giữa 2 dân tộc.

Thứ hai, về quan hệ chính trị tốt đẹp, độ tin cậy chính trị ngày càng cao giữa hai nước.

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam - Ấn Độ được lãnh tụ hai nước đặt nền móng: Thủ tướng Ấn Độ Nehru đến thăm Việt Nam vào năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ vào năm 1958. Quan hệ giữa hai nước liên tục phát triển kể từ khi Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ lãnh sự vào năm 1956 và nâng cấp lên Quan hệ Ngoại giao cấp Đại sứ vào năm 1972. Việt Nam ngay từ những năm 1980 đã coi mối quan hệ với Ấn Độ mang tầm chiến lược. Chỉ thị Số 49-CT/TW Ban Bí thư ngày 01/03/1989 đã viết “quan hệ mọi mặt giữa nước ta và Ấn Độ đã có những chuyển biến quan trọng nhưng chưa phát triển ngang tầm với mối quan hệ chiến lược giữa hai nước”.

Sau Chiến tranh Lanh, khi Ấn Độ thực hiện Chính sách Hướng Đông từ năm 1991, Việt Nam được coi là quốc gia duy nhất có đầy đủ các yếu tố để Ấn Độ thúc đẩy lợi ích chính trị - an ninh của mình trong khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao đã chọn Việt Nam cùng Thái Lan, Singapore và Malaysia là những điểm đến trong chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á vào năm 1994. Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee gọi Việt Nam và Indonesia là “hai quốc gia châu Á quan trọng” và là “hai đồng minh truyền thống” khi đến thăm Việt Nam và Indonesia vào tháng 7/2001.

Năm 2003, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nâng cấp lên Đối tác Toàn diện nhân chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh lúc đó đã coi Việt Nam là đối tác chiến lược đáng tin cậy của Ấn Độ.

Đến năm 2007, Ấn Độ chính thức nâng lên tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam. Việt Nam trở thành đối tác chiến lược thứ tư của Ấn Độ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Nhật Bản, Trung Quốc và Indonesia. Quan hệ này một lần nữa được nâng lên thành Quan hệ Chiến lược toàn diện vào năm 2016, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương được Ấn Độ nâng cấp lên quan hệ chiến lược toàn diện chỉ sau Nhật Bản (12/2015), trước Indonesia (tháng 5/2018) và Australia (tháng 6/2020).

Tóm lại, mối quan hệ chính trị tốt đẹp, độ tin cậy ngày càng cao, cùng với thiện cảm truyền thống dành cho nhau là những điều kiện quan trọng cho sự gần gũi hơn giữa nhân dân hai nước.

Lý do thứ ba là tiền đề để phát triển du lịch và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Ấn Độ là tiềm năng kinh tế, du lịch to lớn của cả hai nước.

Một điều có thể nhận thấy là Ấn Độ luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam hơn so với các nước khác trong khu vực, kể cả khi Việt Nam gặp khó khăn, khi cơ đồ, tiềm lực và vị thế của Việt Nam chưa được như hiện nay.

Hiện nay, Việt Nam càng hấp dẫn với Ấn Độ không chỉ vì vị thế chiến lược, tiềm lực của một nền kinh tế 100 triệu dân với GDP hơn 400 tỷ USD. Về du lịch, Việt Nam có nhiều địa điểm nghỉ dưỡng, công trình văn hóa gần gũi với người Ấn Độ. Minh chứng là số lượng khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2023. Theo con số của Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam là gần 400 ngàn người, tăng 300% so với 2022. Theo con số của Vietjet là 700 ngàn.

Trong khi đó, về phía Ấn Độ, dù còn không ít khó khăn như tỷ lệ người nghèo cao, còn nhiều ảnh hưởng của chế độ phân biệt đẳng cấp, nhưng Ấn Độ hiện nay đã trở thành một cường quốc mới nổi, có vị thế quốc tế của một nước lớn, sức mạnh quân sự đứng thứ tư trên toàn thế giới, nền kinh tế đứng thứ năm trên toàn thế giới, với số người giàu và trung lưu ngày càng nhiều. Về du lịch, số người đi ra nước ngoài tăng, mỗi năm khoảng 25 triệu người, riêng sang Đông Nam Á khoảng 5 triệu người, trong đó Thái Lan có số lượng người ghé thăm nhiều nhất - 2 triệu người, Singapore 1 triệu người, Malaysia khoảng 900 nghìn người.

Bản thân Ấn Độ là một điểm đến du lịch rất hấp dẫn về nhiều mặt. Ấn Độ là đất nước vừa lớn vừa đa dạng, rộng gấp 10 lần Việt Nam, dân số gấp 14 lần, với 29 bang tại những vùng miền với điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội khác nhau. Ấn Độ có rất nhiều công trình lịch sử, văn hóa lâu đời, tầm cỡ kỳ quan và di sản thế giới, xứng đáng để khám phá. Ấn Độ là nơi sinh ra của 4 tôn giáo lớn, trong đó có Đạo Phật cùng những thánh tích cho các Phật tử sang chiêm bái. Đây cũng là quê hương của Yoga, của những điệu nhảy Bollywood mê hoặc. Cuốn “Cẩm nang du lịch Ấn Độ” do Hội hữu nghị Việt - Ấn thành phố Hà Nội xuất bản năm ngoái chỉ là một phần rất nhỏ nhưng cô đọng nhất về những điều hấp dẫn đó.

Cuối cùng là sự đột phá về kết nối giữa hai nước.

Các phương tiện kết nối đường biển, đường bộ và hàng không có ý nghĩa quyết định tới quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và tới giao lưu nhân dân cũng như du lịch giữa hai nước nói riêng. Trong khi kết nối đường biển, đường bộ chủ yếu tác động tới thương mại và khó phát triển nhanh, thì kết nối đường không đóng vai trò quan trọng tới giao lưu nhân dân và du lịch giữa hai nước.

Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, kết nối hàng không giữa hai nước đã có những bước phát triển đột phá. Hiện nay, 3 hãng hàng không đến từ Việt Nam, Ấn Độ đã mở 60 chuyến bay trực tiếp mỗi tuần giữa hai nước, tới hầu hết các thành phố chính của hai bên. Và đây mới chỉ là bắt đầu của sự phát triển các đường bay giữa hai nước. Được biết, các hãng hàng không của hai nước đang có kế hoạch mở thêm nhiều chuyến bay nữa. Mục tiêu của Vietjet là vượt Thái Lan thu hút 3 triệu du khách Ấn Độ trong vài năm tới.

Sự phát triển của du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã đem tới nhiều tác động tích cực.

Đầu tiên, Việt Nam và Ấn Độ vừa có sự tương đồng, vừa có những khác biệt trong văn hóa.

Điểm tương đồng văn hóa lớn nhất giữa hai nước là cùng chung văn hóa phương Đông, giàu ngữ cảnh, coi trọng cộng đồng, tập thể, nói ít hiểu nhiều, hiểu nhau qua cử chỉ, chung sống hòa bình, tránh đối đầu, tránh những thái độ gay gắt, làm mất mặt nhau. Người Ấn rất thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác, không muốn làm mất lòng ai.

Vai trò của giao lưu nhân dân và du lịch giữa hai nước.

Sự khác biệt văn hóa dẫn đến xu hướng vị chủng văn hóa, nhìn nhận, giải thích văn hóa nước khác bằng các tiêu chuẩn của văn hóa nước mình, sô vanh văn hóa, ảo tưởng về văn hóa nước mình và coi thường văn hóa nước khác. Nếu để cho xu hướng này trỗi dậy thì sẽ là một cản trở lớn cho quan hệ hợp tác giữa các nước, thậm chí dẫn đến xung đột văn hóa. Cho đến nay có thể thấy khác biệt văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ hợp tác, nhất là việc triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

Đặc biệt, văn hóa có đặc tính bền vững, do vậy, việc thay đổi văn hóa nước khác là bất khả thi. Để khắc phục sự khác biệt văn hóa phải cần phải nhìn nhận các nền văn hóa khác bằng chính các tiêu chuẩn của các nền văn hóa đó, phải hiểu được các điều kiện sinh ra nó, thì tốt nhất là hãy thích nghi với nó, thậm chí chấp nhận nó. Hơn nữa, cần phải khai thác chính sự khác biệt đó để tranh thủ đối tác, mở ra cơ hội hợp tác. Đồng bộ hóa hành vi văn hóa với đối tác sẽ có những tác dụng bất ngờ mà ít người biết được: nếu nói được ngôn ngữ, mặc trang phục, ăn được món ăn của họ, sẽ gây được nhiều thiện cảm của người thuộc nền văn hóa khác, bởi chúng ta sẽ được coi là những người cùng phía, cùng cộng đồng với họ.

Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân và du lịch giữa hai nước sẽ là những phương thức hiệu quả giúp thu hẹp khác biệt văn hóa và tạo ra một sự kết nối sâu sắc giữa nhân dân hai nước, giúp họ hiểu biết và tôn trọng văn hóa của nhau. Qua việc trao đổi về ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, nhân dân hai nước có thể tăng cường sự gần gũi, đoàn kết và hòa nhập với nhau. Hơn nữa, giao lưu nhân dân và du lịch cũng sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Để kết luận, có thể khẳng định một lần nữa hai nước đang có những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch và giao lưu nhân dân, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tác giả: ĐS. TS. Tôn Sinh Thành

Nguồn:

Cùng chuyên mục