Giới học giả Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng về tương lai quan hệ Việt - Ấn
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind từ ngày 18-20/11/2018 có ý nghĩa quan trọng và sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Đây là nhận định chung của giới chuyên gia và học giả Ấn Độ về chuyến thăm này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New Delhi, tiến sỹ Sonu Trivedi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ, giảng viên cao cấp tại Đại học Delhi, cho rằng, chuyến thăm Việt Nam tới đây đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Ram Nath Kovind công du một quốc gia ở phía Đông của Ấn Độ, trong khi Việt Nam cũng là nước ASEAN đầu tiên mà nhà lãnh đạo Ấn Độ lựa chọn trong chuyến công du châu Á chính thức của mình.
Chuyến thăm này diễn ra 4 năm sau khi Tổng thống Ấn Độ khi đó Pranab Mukherjee thăm Việt Nam vào năm 2014 và 2 năm sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016 trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi.
Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên một nguyên thủ của Ấn Độ sẽ phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Trước đó, chỉ có duy nhất Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng có bài phát biểu như vậy.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind bắt đầu chuyến thăm Việt Nam tại Đà Nẵng, nơi ông sẽ đi thăm Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Khu di tích gồm nhiều đền đài Hindu giáo được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới này được xem như một chứng tích trường tồn cùng thời gian nêu bật sự gắn kết văn minh giữa hai dân tộc.
Trong khi đó, tiến sỹ Faisal Ahmed, Trưởng khoa Thương mại quốc tế thuộc Đại học Quản trị FORE, New Delhi, đánh giá chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Ram Nath Kovind chắc chắn sẽ làm sâu sắc hơn nữa sự tương tác song phương và mang lại những cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ trong bối cảnh lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt khi Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách "Hành động Phía Đông" của Ấn Độ.
Theo tiến sỹ Faisal Ahmed, để đưa mối quan hệ song phương phát triển hiệu quả hơn, hai nước cần tập trung vào một số vấn đề.
Trước hết, Ấn Độ và Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong nhiều lĩnh vực thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng. Thứ hai, hai nước cần hợp tác và tận dụng các lợi thế của nhau trong lĩnh vực dịch vụ. Ấn Độ và Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác trong các dịch vụ như giáo dục, y tế, công nghệ, tài chính, du lịch, giải trí và hậu cần.
Trong khi đó, hợp tác chiến lược và quốc phòng ở cấp độ song phương và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể tạo chiều sâu chiến lược cho mối quan hệ song phương. Cuối cùng, cần thúc đẩy giao lưu nhân dân mạnh mẽ hơn nữa thông qua trao đổi học thuật, gặp gỡ doanh nghiệp và giao lưu văn hóa.
Cùng quan điểm, ông Rajaram Panda - nghiên cứu viên tại Hạ viện Ấn Độ, cho rằng hai nước đã đạt được nhiều tiến bộ trong quan hệ song phương trên hầu hết các lĩnh vực từ chiến lược, quốc phòng, tới kinh tế, văn hóa... Tuy nhiên, trong mỗi lĩnh vực vẫn còn nhiều không gian để hợp tác hơn nữa.
Ví dụ, hai nước có thể hợp tác sản xuất phim bởi Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp phù hợp cho phim trường Bollywood. Trên lĩnh vực văn hóa, cả 2 nước đều có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc và cần khai thác nhiều hơn để thúc đẩy kết nối văn hóa, giao lưu nhân dân.
Du lịch cũng là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển to lớn bên cạnh quan hệ chính trị, quốc phòng và kinh tế ngày càng trở nên sôi động. Các chuyến thăm viếng lẫn nhau ở các cấp là tín hiệu tốt cho thấy Việt Nam và Ấn Độ đang đi đúng hướng.
Về vai trò của Ấn Độ trong quá trình phát triển của Việt Nam, các học giả đánh giá Ấn Độ là nhân tố quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác phát triển và xây dựng năng lực ở Việt Nam.
Các dự án phát triển đang được triển khai thành công và nhiều chương trình xây dựng năng lực ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Ấn Độ là những minh chứng cho mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.
Các cuộc diễn tập-huấn luyện và trao đổi đoàn quốc phòng định kỳ là một khía cạnh quan trọng trong hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam. Ấn Độ cũng đang hỗ trợ Việt Nam thông qua các gói tín dụng và gói mới nhất được công bố là một phần của nỗ nực hỗ trợ các chương trình mua sắm quốc phòng của Việt Nam.
Thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng đang gia tăng mạnh mẽ, từ mức 3 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 9,5 tỷ USD trong năm 2018.
Ấn Độ cũng ủng hộ Việt Nam trong việc duy trì tự do hàng hải và hàng không cũng như thiết lập trật tự dựa trên quy tắc. Cả hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong khi kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Các học giả đồng thời khẳng định Biển Đông là khu vực liên quan tới nhiều quốc gia. Nếu các nước đều tuân thủ chuẩn mực quốc tế và toàn cầu như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), khu vực này sẽ hòa bình và phát triển./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/gioi-hoc-gia-an-do-dat-nhieu-ky-vong-ve-tuong-lai-quan-he-vietan/535507.vnp
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024