Giới thiệu bộ sách "Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội" Tập 2: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” (Phần 1)
Từ khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực đến nay, cuộc đấu tranh giữa của nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ngày càng chứng tỏ là vấn đề trung tâm của thời đại, chi phối mọi quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Bộ sách “Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội” tập hợp công trình của gần 100 học giả trên thế giới luận bàn về chủ nghĩa xã hội. Bộ sách gồm hai tập: Tập 1: “Chủ nghĩa xã hội: từ lý luận đến thực tiễn”, Tập 2: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”.
“NHỮNG TRANH LUẬN MỚI VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”
TẬP 2: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THẾ KỶ XXI
Chỉ đạo biên soạn và xuất bản: GS, TS Tạ Ngọc Tấn
Đồng chủ biên: PGS, TS Lê Văn Toan; TS Phương Sơn
Tổ chức biên soạn, biên dịch và hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan; PGS, TS Trần Minh Trưởng; TS Phương Sơn; ThS Nguyễn Chí Hướng; ThS Nguyễn Thái Bình; TS Nguyễn Thị Phương Thủy; ThS Phùng Thị Thanh Hà; ThS Đỗ Khương Mạnh Linh; ThS Nguyễn Thị Dung; ThS Đinh Xuân Hà
Nhà xuất bản: Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016
Tập 2 của bộ sách mang tựa đề “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” gồm hai phần: phần 1: “Trào lưu tư tưởng mới về chủ nghĩa xã hội” và phần 2: “Chủ nghĩa xã hội mới: sự thống nhất trong đa dạng”.
Phần 1 tập 2 tuyển chọn 14 công trình nghiên cứu của các học giả trên thế giới có quan điểm chính trị không đồng nhất và cách tiếp cận khác nhau khi luận giải về chủ nghĩa xã hội.
Tác giả Mel Rothenberg đã phân tích các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới đăng tải trong số ra chuyên đề về Mô hình chủ nghĩa xã hội của tạp chí Science & Society (Khoa học và Xã hội) tháng 4-2012 cho rằng, chuyên đề này đã thúc đẩy cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội. Tác giả nêu lên và phân tích hai đề xuất: (1) Thị trường là kết quả, trên thực tế, là kết quả cần thiết của nền sản xuất hàng hóa. Thị trường tồn tại trước chủ nghĩa tư bản và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ một xã hội hậu tư bản nào cho tới khi loài người đạt tới mức sống giàu có mà trong đó nền sản xuất hàng hóa tự tiêu tan và (2) vấn đề thực tế trong xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa nói chung không phải vai trò của thị trường mà là động lực giữa việc lập kế hoạch ở Trung ương và cách ra quyết định tập thể, dân chủ ở địa phương được phân quyền. Điều này tạo ra sự căng thẳng không thể tránh khỏi giữa hai quá trình đó, nghĩa vụ và thách thức đối với các thể chế chính trị và bộ máy lãnh đạo là khắc phục sự căng thẳng đó phù hợp với các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội[1].
Giáo sư Nie Yunlin luận giải sâu xu hướng mới của sự phát triển phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới đương đại. Theo Nie Yunlin, phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới đương đại đã xuất hiện đặc điểm phát triển mới, có sự thay đổi to lớn và sâu sắc, từ một phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới do một trung tâm quốc tế lãnh đạo, đi theo một con đường cách mạng duy nhất và xây dựng theo một mô hình đồng nhất trước đây chuyển thành phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới do đảng cộng sản các nước độc lập, tự chủ lãnh đạo, đi theo con đường phát triển phù hợp với tình hình mỗi nước, xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội đặc sắc từng nước[2].
Trong công trình nghiên cứu Tương lai của chủ nghĩa cộng sản, tác giả A. Shendrik tiếp cận từ góc độ triết học, phân tích sâu các trào lưu tư tưởng thế giới đương đại của phương Đông và phương Tây, phân tích những biến động trong dòng chảy thế giới thực tiễn, sự khủng hoảng tài chính, khủng hoảng sinh thái toàn cầu, kiểm nghiệm lại giá trị trường tồn của học thuyết Mác. Ông đề xuất “chủ nghĩa xã hội sinh thái”, cũng như ông thống nhất với quan điểm của học giả Moiseev N. N. rằng, nếu như chúng ta muốn bảo vệ nền văn minh nhân loại thì không có con đường nào khác, việc tất cả các nước trên thế giới đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) là điều tiên định[3]. Để khẳng định chủ nghĩa xã hội: nền chính trị cách mạng trước một thế kỷ mới, các tác giả Dianne Feeley, David Finkel & Christopher Phelps đi sâu phản bác những tư tưởng ca ngợi chủ nghĩa tư bản, phủ nhận vai trò, thành quả của chủ nghĩa xã hội và rằng, các nước xã hội chủ nghĩa là nguồn trợ giúp để duy trì sự ổn định kinh tế và chính trị của thế giới. Các học giả đi sâu phân tích nguyên nhân tích tụ dẫn đến chủ nghĩa tư bản thắng lợi và chủ nghĩa tư bản đổ vỡ, chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản là gì, mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và quyền tự do, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tư bản, phân tích kỹ nền chính trị của các tập đoàn bá chủ, chủ nghĩa bảo thủ hùng mạnh, chủ nghĩa tự do hèn nhát và sự sụp đổ của phe cánh tả. Trên những căn cứ đó, các tác giả khẳng định sự hồi sinh, phát triển của chủ nghĩa xã hội là tất yếu lịch sử. Nhưng chủ nghĩa xã hội mới sẽ như thế nào? Từ cách làm, các tác giả nêu những ý chính sau: (1) chủ nghĩa xã hội từ bên dưới: sự lựa chọn dân chủ; (2) cách mạng là điều cần thiết; (3) hoạt động chính trị của giai cấp công nhân ngày nay[4].
Khi bàn về tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI, tác giả Xecgey Mrachcốpxki đã luận giải sâu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và con người, khẳng định tư tưởng xã hội chủ nghĩa đem lại cho con người cái nhìn có tính phê phán đối với thế giới và xã hội, phân tích rõ xã hội tất yếu đi đến chủ nghĩa xã hội và đề xuất tư tưởng xã hội chủ nghĩa sẽ phải như thế nào? Tư tưởng xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại giản đơn như là một tư tưởng, một luận đề khoa học, nó phải được nhận thức thấu đáo để hướng vào cải tạo thế giới trong thực tiễn[5].
Bàn về chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, Tiến sĩ David S.Pena phân tích các đặc điểm của bốn nội dung cơ bản của phát triển bền vững: (1) Thể chế chính trị của xã hội phát triển bền vững phải là thể chế dân chủ nhân dân; (2) Thể chế kinh tế của xã hội phát triển bền vững cần phải phát huy chức năng sản xuất thỏa mãn yêu cầu vật chất cơ bản và việc thực hiện các nội dung khác nhau của chương trình chính trị nhân dân cần đến; (3) Nuôi dưỡng các nét văn hóa đặc trưng của đất nước một cách hợp lý có quan hệ mật thiết đến sự nghiệp xây dựng xã hội bền vững; (4) Phát triển bền vững môi trường thể hiện đỉnh cao của những nỗ lực xây dựng văn minh phát triển bền vững, là trụ cột quan trọng hỗ trợ cho văn minh phát triển bền vững.
Những nội dung phát triển bền vững trên, chủ nghĩa tư bản không thể làm được vì bản chất tư hữu, cạnh tranh, ăn bám, mục nát của nó. Chỉ có chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI với phương châm thực hiện sự hài hòa không ngừng tiến hóa, không ngừng được điều chỉnh theo các yêu cầu của phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của một đảng chính trị của nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa mới có thể đi tới thành công.
Giáo sư Zhao Yao phân tích những đặc điểm mới của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở năm phương diện: (1) Tính tìm tòi và tính khai thác (khai mở); (2) Tính trường kỳ và tính phức tạp; (3) Tính toàn cầu và tính dân tộc; (4) Tính nhất nguyên và tính đa nguyên; (5) Tính quy tắc và tính mở. Từ đó ông khẳng định, xu thế và định hướng của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI là: từ trở lại đến phục hưng, lần lượt là: các nước xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Đây là xu hướng tất yếu của lịch sử?
Học giả Nhật Bản Kachi Tadashi, khi bàn về những điều kiện và khả năng dẫn tới sự thay đổi của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI đã phân tích sâu sắc cấu trúc thế giới đương đại, chứng minh các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu và trên phạm vi toàn cầu, luận giải những hình thức thay đổi chính trị khác nhau xảy ra ở nhiều khu vực và cho rằng, việc tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua nền kinh tế thị trường đã là xu thế phổ biến. Học giả Blackburn, Robin, giảng viên trường New School ở New York và Đại học Essex, Anh, sau khi phân tích những cuộc khủng hoảng xảy ra những năm đầu thế kỷ XXI đã cho rằng, để giải quyết vấn đề trên của thế giới, đưa nhân loại bước sang trang mới phát triển bền vững, lịch sử đang đặt lên vai chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI và chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI cần tôn trọng những mục tiêu của nhân loại: bình đẳng, tự do, dân chủ, hài hòa, tiến bộ,… như những gì mà Mác, Ăngghen đã nêu trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Nhiều học giả nêu lên những tư tưởng mới về chủ nghĩa xã hội như: con đường thứ ba - kết cấu hình thái ý thức “hậu xã hội chủ nghĩa” của Anthony Giddens; chính trị, văn hóa và chủ nghĩa xã hội của Patnaik Prabhat; chủ nghĩa xã hội ngày nay - điều gì đã xảy ra với cánh tả châu Âu của Sheri Berman; chủ nghĩa xã hội ngày nay - cần lựa chọn chủ nghĩa xã hội nào của Michael Walzer; mối nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội: suy ngẫm về cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tư bản toàn cầu của David S.Pena. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)
(Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ)
[1] Xem: Mel Rothenberg, “Bình luận về mô hình chủ nghĩa xã hội”, Science & Society, Vol. 77, No. 2, April, 2013.
[2] Xem: Nie Yunlin, “Bàn về xu hướng mới của sự phát triển phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới đương đại”, Tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa Mác, số 12-2003.
[3] Xem: A. Shendrik, “Tương lai của chủ nghĩa cộng sản”, Kommunist, 2005, No.2.
[4] Xem: Diane Feeley, David Finkel & Christopher Phelps, “Chủ nghĩa xã hội tại sao? Nền chính trị cách mạng trước một thế kỷ mới”, http://solidarity.igc.org.
[5] Xem: Xecgây Mrachcốpxki, “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI”, www.hprg.ru.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024