Giới thiệu bộ sách "Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội" Tập 2: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” (Phần 2)
Từ khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực đến nay, cuộc đấu tranh giữa của nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ngày càng chứng tỏ là vấn đề trung tâm của thời đại, chi phối mọi quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Bộ sách “Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội” tập hợp công trình của gần 100 học giả trên thế giới luận bàn về chủ nghĩa xã hội. Bộ sách gồm hai tập: Tập 1: “Chủ nghĩa xã hội: từ lý luận đến thực tiễn”, Tập 2: “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”.
“NHỮNG TRANH LUẬN MỚI VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”
TẬP 2: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THẾ KỶ XXI
Chỉ đạo biên soạn và xuất bản: GS, TS Tạ Ngọc Tấn
Đồng chủ biên: PGS, TS Lê Văn Toan; TS Phương Sơn
Tổ chức biên soạn, biên dịch và hiệu đính: PGS, TS Lê Văn Toan; PGS, TS Trần Minh Trưởng; TS Phương Sơn; ThS Nguyễn Chí Hướng; ThS Nguyễn Thái Bình; TS Nguyễn Thị Phương Thủy; ThS Phùng Thị Thanh Hà; ThS Đỗ Khương Mạnh Linh; ThS Nguyễn Thị Dung; ThS Đinh Xuân Hà
Nhà xuất bản: Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016
Tập 2 của bộ sách mang tựa đề “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” gồm hai phần: phần 1: “Trào lưu tư tưởng mới về chủ nghĩa xã hội” và phần 2: “Chủ nghĩa xã hội mới: sự thống nhất trong đa dạng”.
Phần 2 tập 2 tuyển chọn, giới thiệu 16 công trình nghiên cứu khoa học của các học giả trên thế giới bàn về sự thống nhất trong đa dạng của chủ nghĩa xã hội mới.
Tác giả Xécgây Trênơnhiakhốpxki cho rằng, trong bốn hệ tư tưởng thế giới đến trước thềm thế kỷ XXI thì chỉ có 3 hệ tư tưởng là chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc - những “dạng thức mới” - bằng cách này hay cách khác cố gắng nhận thức thực tiễn của xã hội hậu công nghiệp. Riêng hệ tư tưởng lớn - chủ nghĩa cộng sản - đã và đang nghiên cứu, nhưng chưa công bố chính thức dự án mới về chủ nghĩa cộng sản. Tác giả phân tích nguyên nhân vì sao lại như vậy và phác thảo nội dung của chủ nghĩa xã hôi mới sẽ như thế nào. Sau khi phân tích lịch sử hình thành, quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX, tác giả John Bellamy Foster đề xuất nội dung và giải pháp làm mới lại chủ nghĩa xã hội.
Các học giả Cockshott Paul, Cottrell Allin, Dieterich Heinz nghiên cứu sâu về lịch sử những quan điểm chủ đạo về chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Nga và các Đảng Cộng sản châu Âu, phân tích những thành công và thất bại, những trải nghiệm, rút ra những bài học, từ đó lấy học thuyết giá trị lao động của Mác làm kim chỉ nam, đề xuất phương thức thay thế chủ nghĩa xã hội châu Âu với những khác biệt sau: (1) Không coi quốc hữu hóa công nghiệp là mối quan tâm chính trị, thay vào đó, nhấn mạnh rằng, người lao động cần được hưởng toàn bộ giá trị gia tăng. (2) Đề xuất một cơ cấu chính sách tiền tệ căn bản để chuyển toàn bộ nền kinh tế hướng tới một “nền kinh tế tương đương” phi tiền tệ dựa trên thời gian làm việc. (3) Dự tính quá trình chuyển đổi diễn ra không phải ở cấp độ quốc gia mà trong toàn Liên minh Châu Âu dân chủ.
Khi bàn về sự thống nhất trong đa dạng của chủ nghĩa xã hội, học giả Allberto Gabriele đã trở về với học thuyết Mác trên các vấn đề phương thức sản xuất, hình thái xã hội, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác giả cho rằng, chính thực tiễn chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã gợi mở cho tác giả nghiên cứu sâu hơn, đánh giá kỹ hơn các khái niệm đã nêu trên của C.Mác.
Tác giả Arenciboa Mario Gonzábz trong công trình nghiên cứu đã đi sâu luận giải khái niệm thực tiễn về phát triển chủ nghĩa xã hội trong di sản lý luận của Lênin, phân tích chủ nghĩa xã hội liên kết hoặc tách rời với toàn cầu hóa ở Đông Âu và Liên bang Xôviết; chủ nghĩa xã hội thị trường của Trung Quốc và Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhiều thực tiễn khác để cho rằng, các thực tiễn xã hội chủ nghĩa là quá tách rời với thế giới và những trải nghiệm dưới hình thái quá độ này đang có ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình phát triển chủ nghĩa xã hội. Toàn cầu hóa và thị trường hóa đi theo lô gic tự do mới đang tạo ra nhiều thay đổi nhanh chóng. Thực tiễn xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và thị trường hóa đòi hỏi phải đánh giá lại quan điểm xã hội chủ nghĩa. Chỉ bằng cách này thì sự phát triển xã hội chủ nghĩa mới không làm mất đi bình đẳng và công bằng xã hội.
Tác giả John Marangos cho rằng, sự sụp đổ của nền kinh tế tập trung, bao cấp đã mở đường cho sự phát triển các nền kinh tế theo định hướng thị trường. Các sự kiện lịch sử có thể xảy ra theo một chiều hướng khác nên các mô hình kinh tế khác nhau có thể được lựa chọn. Bởi vậy, tác giả đặt vấn đề rằng, liệu chủ nghĩa xã hội thị trường có thể trở thành khả thi cho các nền kinh tế trong giai đoạn quá độ? Tác giả Alberto Gabriele cũng có nghi vấn này nhưng sau khi phân tích kỹ các hình thái kinh tế xã hội, luận giải về tương lai phát triển của thế giới, ông lại khẳng định, chủ nghĩa xã hội thị trường là hình thái bền vững duy nhất của chủ nghĩa xã hội trong thời đại chúng ta.
Các công trình nghiên cứu về vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội ở các nước châu Á của Jakina G.; công trình “các cách diễn giải khác nhau về chủ nghĩa xã hội thị trường Trung Quốc đương đại” của Alberta; nghiên cứu về “vấn đề chủ nghĩa xã hội” dân chủ và giá trị tham khảo của Dai Xianying, công trình “các nước hậu xã hội chủ nghĩa và sự thay đổi của mô hình phát triển mới: so sánh giữa Nga và Trung Quốc” của Peter Rutland, nghiên cứu về “chủ nghĩa xã hội tự trị sinh thái và chủ nghĩa xã hội sinh thái” của Liu Yan; phân tích tình hình mới của sự phát triển chủ nghĩa xã hội dân tộc khu vực Mỹ Latinh của Li Xin và nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác về chủ nghĩa xã hội mới cho chúng ta thấy sự phong phú trong các quan điểm, tư tưởng mới trong cách tiếp cận, cách luận giải về chủ đề chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI./.
(Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Mahabharata cùng với Chí Tôn Ca
Giới thiệu sách 01:00 25-07-2024
Tầm nhìn triết học qua sách 'Tư tưởng Phật giáo'
Giới thiệu sách 01:00 16-08-2024
Chương 11 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 11:27 05-07-2024
Chương 10 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 15-06-2024
Chương 9 - Cuốn sách "Why Bharat Matters"
Giới thiệu sách 07:00 19-09-2024