Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách: Quá trình chuyển biến và sự phụ thuộc lẫn nhau của Ấn Độ và các nước láng giềng

Giới thiệu sách: Quá trình chuyển biến và sự phụ thuộc lẫn nhau của Ấn Độ và các nước láng giềng

01:05 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu sách: Quá trình chuyển biến và sự phụ thuộc lẫn nhau của Ấn Độ và các nước láng giềng

TS. Pankaj Jha & Smita Tiwari*

TS. Smita Tiwari**

Nhà xuất bản: KW Publishers

Năm xuất bản:2015

Số trang: 191

Nam Á được thừa nhận là một cấu trúc khu vực và là sự mở rộng tự nhiên của khái niệm tiểu lục địa Ấn Độ, nơi từng là một di sản thuộc địa. Tuy nhiên, Nam Á đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản của sự gắn kết và hợp tác do sự chia rẽ từ xa xưa và việc hình thành các quốc gia mới tách ra khỏi Ấn Độ. Khu vực này cũng đã chứng kiến nhiều sự biến động, bất ổn và thách thức trong quá trình xây dựng đất nước. Trong khi ở một số quốc gia, xã hội dân sự chi phối đời sống chính trị trong nước, thì ở nhiều quốc gia khác, quân sự được coi như một trụ cột quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngay cả khi đã trải qua khoảng thời gian 60 năm sau giải phóng thuộc địa, những gốc rễ của sự hiện diện xã hội và dân chủ vẫn còn vắng mặt ở một vài nước. Các vấn đề dân tộc, tôn giáo và giáo phái đã chi phối các cuộc đàm luận quốc gia. Tuy nhiên, một số quốc gia Nam Á đang được đón buổi bình minh mới với sự ra đời của nền dân chủ non trẻ và mong manh.

Các quốc gia như Pakistan, Myanmar, Bhutan và Bangladesh đã thực hiện thành công nhiều cuộc thăm dò trong vài năm qua. Maldives đã có một chính phủ mới, trong khi Sri Lanka cho thấy sự thay đổi quân đội ở trung tâm. Nepal thất bại trong việc tạo sự đồng thuận về vấn đề soạn thảo hiến pháp, trong khi cuộc bầu cử ở Bangladesh đã bị tẩy chay bởi các đảng đối lập. Afghanistan, quốc gia đã chứng kiến những tàn phá nặng nề của chiến tranh trong nhiều năm, đã thiết lập một hình thức chính quyền mới, gồm hai trung tâm quyền lực dưới dạng một Chủ tịch và một Giám đốc điều hành (CEO). Ấn Độ cũng đã tiến hành bầu cử Quốc hội vào năm 2014 và sau gần hai thập kỷ, một chính phủ toàn phần đã lên nắm quyền. Quá trình biến chuyển đang diễn ra và việc củng cố quyền lực của người dân trong khu vực đã mở ra một chiều hướng mới cho chính trường Nam Á.

Có lẽ do vẫn tồn tại sự hoài nghi lẫn nhau nên các nước Nam Á luôn hạn chế tranh luận về lợi ích an ninh khu vực và tạo dựng sự đồng thuận về chiến lược. Do đó, nhiều quốc gia Nam Á đã thu hút các thế lực bên ngoài để phục vụ cho lợi ích của mình. Điều này làm trầm trọng thêm các vấn đề ở cấp độ khu vực. Như đã bàn trước đó, quân đội vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước và các tranh luận chính trị của một vài nước Nam Á. Thách thức đặt ra là làm sao để đưa quân đội trở về doanh trại và phục hồi lại tính ưu việt của xã hội dân sự và các đảng chính trị trong quá trình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển tiếp, mối quan hệ quân đội - dân sự là quyết định cho tương lai của các quốc gia chọn lọc. Trong khi quân đội có thể quay trở lại với vai trò an ninh quốc gia lớn hơn, các đảng chính trị dường như đã thất bại trong việc tạo ra sự ổn định và hỗ trợ cần thiết cho các tổ chức dân sự. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sự hiện diện của quân đội trong viễn cảnh chính trị.

Ở Nam Á, xung đột về sắc tộc và các nhóm dân tộc cũng ảnh hưởng đến định hướng tương lai của đất nước. Xã hội đã phân cấp thành các nhóm đối lập, trong đó nhóm thống trị quyết định phương hướng chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Các tranh luận trong nước cũng được chia thành hai luồng tư tưởng đó là tư duy hiện thực và tư duy tự do, điều này có giá trị chính trị - xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, các nước thiếu sự tranh luận để giải quyết những bất đồng này, do đó đã dẫn đến sự rạn nứt về chính trị - xã hội. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải có một tư tưởng phát triển tự do, trước mắt có thể đề xuất những kiến nghị mang tính xây dựng, và tìm kiếm hợp tác khu vực như liều thuốc giải độc cho những mâu thuẫn nội tại này.

Khu vực Nam Á đã tiếp nhận các mô hình phát triển, chẳng hạn như việc thông qua Hiệp định thương mại tự do Nam Á vào năm 2006, nhưng tiến độ chậm trễ trong việc giải quyết những thách thức cốt lõi liên quan đến tự do thương mại và việc huy động vốn con người dễ dàng là trở ngại cho sự phát triển của khu vực này. Thậm chí trong khu vực Nam Á, thương mại nội địa chỉ chiếm 3-5% ít ỏi; trái ngược hẳn với các nước ASEAN nơi mà thương mại nội địa chiếm đến hơn 50% tổng thương mại của cả khu vực ASEAN. Điều này đòi hỏi các nước phải thúc đẩy liên kết, chế độ thị thực dễ dàng, phương tiện kiểm tra tích hợp tốt hơn và mạng lưới kiến thức tích hợp. Thời gian quy trình kinh doanh và chuỗi giá trị gia tăng trong khu vực nằm ở lĩnh vực khác, nơi mà những động thái tiến bộ nên được khuyến khích.

Sự phát triển của khu vực Nam Á tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Ấn Độ; hơn nữa, trong quyết sách đối ngoại của mình, Ấn độ cũng dành ưu tiên cho các nước vùng lân cận. Kể từ năm 2012, chính sách của Ấn Độ hướng đến các nước láng giềng, thông qua ngoại giao chủ động và quan điểm hợp tác khu vực nhiều hơn, nhằm tạo dựng sự tin tưởng với các quốc gia láng giềng đó. Ấn Độ là nước nắm lợi quyền quan trọng ở Nam Á, đã tiếp thêm sức sống cho các tổ chức đa phương, ví dụ như Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), và đặt ra mục đích xóa đói giảm nghèo thông qua các chính sách hợp tác khu vực bao gồm các đề xuất: vệ tinh SAARC, mạng lưới kiến thức, giáo dục và xóa đói giảm nghèo.

Cuốn sách này giải quyết những vấn đề cốt lõi của quá trình chuyển biến chính trị, những thách thức kinh tế- xã hội và hợp tác khu vực trong bối cảnh rộng lớn hơn của sự hòa bình, thịnh vượng và phát triển ở Nam Á. Cuốn sách là tài liệu biên soạn từ các tham luận đã được trình bày trong Hội nghị Quan hệ Châu Á lần thứ V, tổ chức tại Dehli năm 2004. Chúng tôi tin tưởng rằng, cuốn sách này sẽ cung cấp thêm cho độc giả những kiến thức về một khu vực Nam Á năng động và các khía cạnh khác của vấn đề chính trị và hợp tác khu vực.

NỘI DUNG

1. Sự tham gia của Ấn Độ ở châu Á: Các vấn đề đương đại và thách thức

Shibashis Chatterjee

2. Năng lực quản lý nhà nước và Thể chế ở Afghanistan

Saifullah Ahmadzai

3. Biến đổi chính trị ở Bhutan và tác động của nó đến sự ổn định khu vực Nam Á

Mathew Joseph C.

4. “Naya Nepal”: Thể chế và Quản lý nhà nước

Anjoo Sharan Upadhyaya

5. Sự phân cấp xã hội ở Nepal và tác động của nó

Shreedhar Gautam

6. Những thách thức trong chính sách đối ngoại của Pakistan

Salma Malik

7. Cấu trúc quân đội - dân sự ở Pakistan

Ranna Banerji

8. Toàn cầu hóa và Hợp tác thương mại ở Nam Á: Hướng tới một chủ nghĩa khu vực mới?

Delwar Hossain

9. Nam Á: Những xu hướng trong quá trình chuyển đổi và triển vọng nổi bật hiện nay

Jayadeva Uyangdoga

10. Vai trò của SAARC trong Hợp tác khu vực

Tika Jung Thapa and Shreedhar Gautam

11. Quan hệ thương mại và đầu tư của Ấn Độ với các nước BCIM

Indra Nath Mukherji and Subrata Kumar Behera

12. An ninh và Hợp tác: SAARC, các tổ chức khu vực và những sáng kiến khác

Sheel Kant Sharma

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ


* Giám Đốc (Nghiên cứu) của Hội đồng Nghiên cứu các vấn đề thế giới của Ấn Độ (ICWA); từng là Thư ký của Hội đồng An ninh quốc gia tại Văn phòng Thủ tướng; nghiên cứu viên tại ICWA trong 2 năm và là thành viên của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng (IDSA) trong 6 năm (2005-2011); hoàn thành chương trình Tiến sĩ Triết học ở Trung tâm Nghiên cứu Tây Bắc Thái Bình Dương và Đông Nam Á (hiện là Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương), Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru và chuyên ngành Kinh tế ở trường đại học Delhi. Tác giả đã viết nhiều bài nghiên cứu và bài báo đăng trên Tạp chí Phân tích chiến lược, Tạp chí Quốc phòng Ấn Độ, Tập san Ấn Độ Dương, Tiêu điểm Thế giới, Tạp chí Ấn Độ hàng tháng và Chính trị Nam Á. Ông cũng đã có nhiều buổi diễn thuyết tại Viện Nghiên cứu Nam Á (ISAS), Singapore; Trung tâm Nghiên cứu An ninh thế giới (CIS), Đại học Sydney,.. Cuốn sách mới nhất của ông là “Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Nam Á: Cạnh tranh hay Hợp tác” (India and China in Southeast Asia: Competition or Cooperation), xuất bản năm 2013.

** Nghiên cứu viên tại Hội đồng Nghiên cứu các vấn đề thế giới của Ấn Độ, New Delhi. Trước khi gia nhập ICWA, là giảng viên được mời của trường Đại học Delhi và Jamia Millia Islamia, giảng dạy nhiều khóa học về các vấn đề khác nhau của Ấn Độ và Nam Á. Bà cũng đã làm việc như một trợ lý biên tập tại Viện Phục vụ Liên hiệp của Ấn Độ (USI) và Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (IPCS), New Delhi; và cũngđã tham gia nhiều dự án nghiên cứu. Tác giả đã được nhận bằng Tiến sĩ Triết học tại Bộ phận Nghiên cứu Nam Á, Trường Nghiên cứu quốc tế, JNU, năm 2012. Các công trình nghiên cứu của tác giả bao gồm: chính phủ và chính trị ở Nam Á, đặc biệt ở Afghanistan và Pakistan; an ninh Nam Á; các mối đe dọa và thách thức của an ninh phi truyền thống ở Nam Á, cộng đồng hải ngoại người Ấn, sự mở rộng của di cư quốc tế, chính sách láng giềng và chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục