Hãng Lockheed ký hợp đồng với Tata để chế tạo máy bay F-16 ở Ấn Độ
Hôm thứ Hai (19/6/2017), Hãng Lockheed Martin đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Tata Advanced Systems của Ấn Độ để sản xuất máy bay chiến đấu F-16 ở Ấn Độ, đồng thời tiếp tục kế hoạch chuyển đổi nhà máy Fort Worth và nhà máy Texas của mình để giành được đơn đặt hàng trị giá tỷ USD từ quân đội Ấn Độ.
Không quân Ấn Độ cần hàng trăm chiến đấu cơ để thay thế các sản phẩm từ thời Liên Xô, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi nói rằng, các nhà cung cấp nước ngoài sẽ phải sản xuất máy bay ở Ấn Độ với một đối tác địa phương để giúp xây dựng cơ sở công nghiệp trong nước và cắt giảm nhập khẩu.
Bên lề triển lãm Hàng không Paris, ông Phil Howard, Trưởng nhóm phát triển kinh doanh F-16 của Lockheed Martin, cho biết, thỏa thuận này là một “ý định hợp tác nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến dịch Sản xuất tại Ấn Độ thông qua việc thành lập một dây chuyền sản xuất F-16 ở Ấn Độ”.
Tuy nhiên, chiến dịch Sản xuất tại Ấn Độ của Thủ tướng Modi có nguy cơ mâu thuẫn với chiến dịch Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump, theo đó ôngTrump đang thúc ép các công ty đầu tư vào Mỹ và tạo việc làm thay vì thành lập các nhà máy ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hãng Lockheed đã có cuộc gặp và thông báo cho Chính quyền Trump về kế hoạch của hãng, và ông Howard cho biết, ông đã nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính quyền Trump.
Thông báo về thỏa thuận của họ tại Triển lãm Hàng không Paris, Lockheed và Tata cho biết, việc di chuyển cơ sở sản xuất sang Ấn Độ sẽ vẫn giữ được việc làm tại Mỹ.
Tuyên bố chung của hai công ty cho biết: “Sản xuất F-16 ở Ấn Độ hỗ trợ hàng ngàn việc làm của nhà cung cấp Lockheed Martin và F-16 ở Mỹ, tạo ra các công việc sản xuất mới ở Ấn Độ và định vị ngành công nghiệp Ấn Độ là trung tâm của hệ sinh thái cung ứng máy bay chiến đấu rộng lớn nhất trên thế giới”.
Hãng Saab của Thụy Điển là một đối thủ khác trong việc cung cấp trang thiết bị cho Không quân Ấn Độ, họ đề nghị chế tạo máy bay chiến đấu Gripen ở Ấn Độ. Nhưng hãng này chưa công bố đối tác Ấn Độ cho dòng máy bay được đánh giá như là một thay thế hiện đại cho dòng F-16.
Thông báo này được đưa ra vài ngày trước khi Thủ tướng Modi đến Washington để có cuộc gặp đầu tiên với Trump, dự kiến vào ngày 26/6/2017. Ấn Độ và Mỹ đã xây dựng mối quan hệ quân sự chặt chẽ trong những năm gần đây trong đó Washington nổi lên như một trong ba nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, bên cạnh Nga và Israel.
Tuyên bố chung cho biết, Ấn Độ cũng sẽ có cơ hội để xuất khẩu F-16 cho các lực lượng không quân trên thế giới. Có khoảng 3200 máy bay loại này đang được sử dụng ở 26 quốc gia và mô hình cung cấp cho Ấn Độ là dòng Block 70, loại máy bay hiện đại nhất trong dòng F-16.
Tuyên bố cũng nói rằng: “Hợp đồng sản xuất F-16 chưa từng có giữa nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới và nhà công nghiệp hàng đầu của Ấn Độ cung cấp cho Ấn Độ cơ hội sản xuất, vận hành và xuất khẩu máy bay F-16 Block 70, phiên bản mới nhất và tiên tiến nhất của dòng chiến đấu cơ thành công nhất, dòng chiến đấu cơ đa năng đã được chứng minh”.
Hãng Tata đang xây dựng các bộ phận khung máy bay cho máy bay vận tải quân sự C-130. Ấn Độ vẫn chưa mở thầu chính thức cho các đơn đặt hàng máy bay phản lực dự kiến số lượng sẽ từ 100 đến 250 máy bay.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024