Hoạt động kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ
Theo phóng viên TTXVN, trong ngày 19/5 tại Ấn Độ, nhiều hoạt động míttinh, kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2017) đã diễn ra.
Sáng 19/5/2017 tại trụ sở của Liên đoàn các Phòng thương mại và Công nghiệp tại thủ phủ Hyderabad, bang Telangana và Andhra Pradesh, Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ (AIPSO) đã long trọng tổ chức lễ míttinh kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ hiến, Bộ trưởng giáo dục bang Telegala Kadiyam Srihari, Chủ tịch AIPSO K.Yadav Reddy, các Tổng thư ký, Thư ký và hơn 200 thành viên tổ chức AIPSO cùng đông đảo đại biểu khách mời. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã tham dự và phát biểu tại sự kiện trên.
Khai mạc lễ míttinh, Chủ tịch K.Yadav Reddy và các Tổng thư ký của AIPSO B.Vinod, Metla Jagan, Thipparthi Yadaiah lần lượt phát biểu ôn lại những tình cảm quý báu giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru, những người đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị bền vững giữa nhân dân Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ về sự nghiệp và cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đóng góp của Người cho phong trào giải phóng dân tộc và hòa bình trên thế giới.
Bên cạnh đó, một số thành viên ban lãnh đạo AIPSO cũng đã phát biểu cảm nghĩ và chia sẻ những kỉ niệm của mình về đất nước, con người Việt Nam, bày tỏ sự thán phục về ý chí kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như những thành tựu vượt bậc trong công cuộc cải cách phát triển đất nước hiện nay.
Tại cuộc míttinh, Phó Thủ hiến, Bộ trưởng Giáo dục bang Telangana K.Srihari nhấn mạnh, mối quan hệ truyền thống lịch sử giữa Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời cho biết người dân Ấn Độ nói chung cũng như người dân bang Telangana nói riêng bày tỏ sự cảm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng như phong trào hòa bình thế giới.
Ông K.Srihari cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ văn hóa sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Về phần mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, một anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân Việt Nam đã làm lên các chiến thắng lịch sử, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam.
Đại sứ nhấn mạnh, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawarharlal Nerhu đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Ấn-Việt và mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ký kết năm 2007 đã được nâng cấp lên tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi năm ngoái.
Đây là những dấu mốc lịch sử quan trọng, mở đường cho việc tiếp tục thúc đẩy và phát triển quan hệ hai nước về cả bề rộng, lẫn chiều sâu.
Đại sứ bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước tiếp tục phát triển qua đó đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Cũng tại buổi lễ míttinh đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch bằng tiếng Telugu.
Cuốn sách nêu bật về thân thế, sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh và kèm theo nhiều hình ảnh minh họa. Buổi lễ míttinh trang trọng đọng lại với những tiếng hô vang khẩu hiệu “quan hệ hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam muôn năm. Hòa bình thế giới muôn năm” (Long Live India-Vietnam Friendship. Long Live World Peace).
Chiều 19/5/2017, tại thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal (IVSC) cũng đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham dự của khoảng gần 100 thành viên IVSC và các khách mời là quan chức chức chính quyền, lãnh đạo một số trường Đại học, Thư viện cùng các học giả, chuyên gia nghiên cứu tại bang Tây Bengal.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch IVSC, Greetesh Sharma ôn lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giải phóng và giành độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam cũng như phong trào tiến bộ trên thế giới.
Ông Sharma cho biết, từ những năm 1945-1975, nhân dân thành phố Calcutta (Kalkota), thủ phủ bang Tây Bengal đã có những phong trào và hành động thiết thực bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành quyền tự do cho người dân, đồng thời bày tỏ vui mừng khi tình hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc được Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng tiếp tục được mở rộng và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, di sản được chú trọng.
Sau lễ míttinh, các đại biểu tham dự cũng đã có nhiều bài tham luận trong buổi tọa đàm về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự liên hệ trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay, trong đó ca ngợi tư tưởng, triết lý của Người trong mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như thúc đẩy sự tiến bộ và hòa bình trên thế giới.
Trước đó, sáng cùng ngày đoàn đại biểu IVSC cũng đã đến đặt vòng hoa tại Tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Kolkata để tưởng nhớ đến Người./.
Theo TTXVN
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024
"Thời khắc quan trọng" trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn Độ
Tin tức 11:00 25-08-2024