Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược và sự phát triển bền vững (Phần 1)

Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược và sự phát triển bền vững (Phần 1)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc trong lịch sử giao lưu văn hóa từ những năm đầu Công nguyên, khi Đạo Phật, có khởi nguyên từ Ấn Độ, bắt đầu du nhập vào Việt Nam, có những giai đoạn lịch sử, Phật giáo đã trở thành quốc giáo của Việt Nam.

03:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc trong lịch sử giao lưu văn hóa từ những năm đầu Công nguyên, khi Đạo Phật, có khởi nguyên từ Ấn Độ, bắt đầu du nhập vào Việt Nam, có những giai đoạn lịch sử, từ thế kỷ X đến thế kỷ XII Phật giáo đã trở thành quốc giáo của Việt Nam.

Trong thời kỳ hiện đại, mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được phát huy và được nâng lên một tầm cao mới nhờ sự tạo dựng, vun đắp của hai vị lãnh tụ tiền bối, hai nhà văn hóa kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Thủ tướng J. Nehru cũng chính là một trong những vị khách đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Tháng 2-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và làm việc tại Ấn Độ. Kể từ đó, các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên ngày càng được tăng cường.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam đấu tranh chính nghĩa giành độc lập và xây dựng đất nước, lên án các cuộc xâm lược biên giới của các thế lực hiếu chiến, bành trướng;... Việt Nam luôn ủng hộ lập trường thống nhất của Ấn Độ, ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,...

Ngày 07/01/1972, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Từ đó đến nay, quan hệ hai nước từng bước được nâng cao.
Từ thập niên 1990 thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – giáo dục, khoa học kỹ thuật và an ninh - quốc phòng. Những yếu tố quan trọng thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn này là công cuộc Đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 và cải cách kinh tế, đặc biệt là Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ năm 1991. Tháng 4/1991, Thủ tướng Ấn Độ R. Venkataraman đã đến thăm Việt Nam; tháng 9/1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm Ấn Độ, cũng trong năm này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã đến thăm Ấn Độ; tháng 9/1994, Thủ tướng Ấn Độ Narashimha Rao đến thăm Việt Nam; tháng 12/1999, Chủ tịch Trần Đức Lương đến thăm Ấn Độ. Năm 2000, Ấn Độ, Việt Nam đã tham gia khuôn khổ hợp tác khu vực sông Hằng và sông Mêkông, kết hợp hợp tác song phương giữa hai nước với hợp tác khu vực vì lợi ích cho cả hai quốc gia.

Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tháng 1/2001, Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee đã thăm chính thức Việt Nam; tháng 5/2003, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang thăm Ấn Độ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện hai nước bước vào thế kỷ XXI. Đây là tuyên bố chung về hợp tác toàn diện đầu tiên mà Việt Nam ký với một nước khác trong thế kỷ XXI.

Ngày 06/7/2007 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, khi lãnh đạo hai nước quyết định nâng tầm mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ lên mức Đối tác chiến lược trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Quan hệ đối tác chiến lược được tái khẳng định trong các chuyến thăm cấp cao trở nên thường xuyên hơn giữa Việt Nam - Ấn Độ trong những năm qua. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên tầm cao mới sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee từ ngày 15 đến 17 tháng 9-2014 và chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 10 năm 2015. Ấn Độ coi Việt Nam là người bạn đáng tin cậy, một trụ cột quan trọng trong Hành động hướng Đông của Ấn Độ. Việt Nam khẳng định tiếp tục ủng hộ Hành động hướng Đông và ủng hộ Ấn Độ có vai trò quan trọng hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù hợp tác thương mại song phương chưa thực sự tương xứng với bề dày của quan hệ chính trị và tiềm năng giữa hai nước, nhưng đã có được những kết quả rất tích cực trong những năm gần đây.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013, Ấn Độ và Việt Nam đã khẳng định, quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước đã trở thành một trong những nội dung chính trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Gần đây nhất, tháng 9/2014, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ. Tiềm năng bổ trợ của hai nền kinh tế rất lớn. Quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển vượt bậc.

Năm 2006-2007, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vượt con số 1 tỷ USD. Việc ký Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN năm 2009 đã mở thêm những cơ hội mới cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Từ đó đến nay, thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ liên tục gia tăng một cách khá ấn tượng, năm 2010, đạt con số 2,75 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm trước đó. Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 3,7 tỷ USD. Quan hệ thương mại song phương đã có bước phát triển nhảy vọt, đạt mức 8 tỷ USD năm 2014, vượt qua mục tiêu mà 2 nước đã đặt ra, hướng tới đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

Ấn Độ và Việt Nam nhất trí hợp tác sớm triển khai Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ trong các ngành dịch vụ và đầu tư nhằm phát triển hơn nữa dựa trên động lực từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hóa. Hai bên cũng nhất trí hợp tác sớm thực hiện Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm hỗ trợ Ấn Độ hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Hai bên khuyến khích sự hợp tác của khu vực tư nhân của hai nước và khẳng định sự hỗ trợ của khu vực này đối với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ và hoạt động của Phòng Thương mại công nghiệp của hai nước. Phía Việt Nam cũng nhất trí hỗ trợ tích cực “Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ”.

Quan hệ đầu tư giữa hai nước có những dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam là điểm thu hút nhiều công ty Ấn Độ, với 68 dự án đầu tư trị giá khoảng 1 tỷ USD đã đi vào hoạt động. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có thăm dò dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin, chế biến nông sản,... Trong số các nhà đầu tư hàng đầu của Ấn Độ tại Việt Nam có Công ty khai thác dầu mỏ ngoài khơi OVL, Công ty thăm dò và sản xuất dầu khí Essar, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nagarjuna Ltd, Tổ hợp các ngành công nghiệp KCP, công ty sản xuất cả phê Ngon,... Công ty có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam là Tata Power, với dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú II tại tỉnh Sóc Trăng, trị giá 1,8 tỷ USD.

Các công ty Việt Nam cũng đang tăng cường hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, với 3 dự án đầu tư với tổng số vốn 23,6 triệu USD. 
Hợp tác năng lượng là lĩnh vực hứa hẹn nâng cao mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Ngay từ cuối những năm 1980, Ấn Độ đã có dự án đầu tư vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ tháng 11/2013, Việt Nam đã đồng ý về nguyên tắc cấp cho các công ty Ấn Độ thăm dò 7 lô dầu khí, trong đó 2 lô được ký kết sớm để chính thức hóa hoạt động.

Trong chuyến công du Việt Nam vào tháng 8/2014 của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ toàn diện, đặc biệt là về mặt quốc phòng và dầu khí. Cũng trong chuyến thăm này, bà Ngoại trưởng Ấn Độ đã triệu tập 15 trưởng phái bộ Ngoại giao của Ấn Độ tại vùng Đông Á và Đông Nam Á về họp tại Hà Nội với mục tiêu là đề xuất sáng kiến phát huy chính sách đối ngoại của New Delhi trong toàn khu vực.

Trong bối cảnh Việt Nam bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, bà Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã không ngần ngại cho thấy rõ ý định tăng cường hợp tác với Việt Nam trong hai địa hạt nhạy cảm là dầu khí và quân sự, quốc phòng. Về dầu khí, Ấn Độ đã tỏ rõ quyết tâm tiếp tục, thậm chí mở rộng thêm hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò dầu và khai thác tại Biển Đông, trong vùng Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Đã nhiều lần Trung Quốc phản đối Ấn Độ tham gia thăm dò dầu khí tại Việt Nam vì cho rằng, những lô dầu này nằm trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam đã kịch liệt phản đối luận điểm này của Trung Quốc và đã tiếp tục giao cho Ấn Độ thăm dò thêm 5 lô dầu khí ở Biển Đông (do công ty OVL thăm dò). 

Về vấn đề Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ giải pháp hòa bình thông qua thương lượng dựa trên luật quốc tế, như UNCLOS. Việt Nam đánh giá cao lập trường này của Ấn Độ. Quan điểm của Ngoại trưởng Ấn Độ là: New Delhi không can dự vào tranh chấp chủ quyền, nhưng kiên quyết bảo vệ quyền tự do hàng hải, quyền được giao thương mà không bị cản trở, quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên trong khu vực.

Về hợp tác tài chính, hai bên tích cực thực hiện các hiệp định tài chính đã ký kết trước đây. Những năm gần đây, Ấn Độ dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi. Năm 2007, Ấn Độ công bố dành cho Việt Nam một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 45 triệu USD cho dự án thủy điện Nậm Chiến; hiệp định vay tín dụng này đã được ký vào tháng 1/2008. Trong 3 năm qua, Ấn Độ dành cho Việt Nam khoản tín dụng ODA trị giá 19,5 triệu USD; trong đó trên 10 triệu USD cho Dự án Thủy điện Nậm Trai 4 (Sơn La). Ấn Độ cũng đồng ý cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD để mua tàu tuần tra ngoài khơi. (Còn tiếp)

Về kết nối địa lý, Ngoại trưởng Sushma Swaraj nói rằng, sự kết nối địa lý với ASEAN phải được thúc đẩy thông qua đường bộ, đường biển và đường không. Đường bay thẳng từ Việt Nam và Ấn Độ được kết nối và, trong tương lai, có thể lái xe từ Hà Nội tới Calcutta. Việt Nam hoan nghênh đề nghị của Ấn Độ tiến hành thảo luận các yêu cầu về hạ tầng cơ sở mềm nhằm tạo sự thông suốt cho hàng hóa dịch vụ qua các hành lang kinh tế và khởi động đàm phán về Hiệp định Vận tải Quá cảnh ASEAN - Ấn Độ (AITTA), dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2015.

(TS Phương Sơn)

Nguồn:

Cùng chuyên mục