Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược và sự phát triển bền vững (Phần 2)

Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược và sự phát triển bền vững (Phần 2)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc trong lịch sử giao lưu văn hóa từ những năm đầu Công nguyên, khi Đạo Phật, có khởi nguyên từ Ấn Độ, bắt đầu du nhập vào Việt Nam, có những giai đoạn lịch sử, Phật giáo đã trở thành quốc giáo của Việt Nam.

03:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo, Ấn Độ và Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Ấn Độ đã cấp khoảng 165 triệu USD tín dụng cho nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam. Với thế mạnh về các ngành công nghiệp tri thức, Ấn Độ đã đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thành lập các cơ quan xây dựng năng lực, trong đó có các trung tâm đào tạo công nghệ thông tin, trung tâm giảng dạy tiếng Anh, các viện phát triển doanh nghiệp. Với sự trợ giúp của Ấn Độ, Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu về lúa gạo. Ấn Độ đã đồng ý thành lập phòng thí nghiệm liên quan đến công nghệ cao mang tiên Lãnh tụ Indira Gandhi tại Hà Nội (Indira Gandhi High-tech Cyber Forensic Laboratory); thành lập Trung tâm tiếng Anh Việt - Ấn và trung tâm đào tạo IT tại Học viện Quốc phòng Việt Nam.

Dự án Hỗ trợ và Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm ở Việt Nam sử dụng khoản viện trợ 2,5 triệu USD của Ấn Độ đã được triển khai có hiệu quả từ năm 2001, kết thúc tháng 6 năm 2008 với kết quả tốt. Ngoài ra, còn có một số dự án trong các lĩnh vực khác như: nghiên cứu hạt nhân, công nghệ sinh học.

Đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ đã viện trợ cho Việt Nam dự án siêu máy tính PARAM cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Thông qua các dự án hợp tác, Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo và nâng cao trình độ cho các nhà khoa học trẻ thuộc các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Ngoài ra, phía Ấn Độ cũng sẵn sàng hỗ trợ xây dựng công viên KH&CN, đầu tư vào các khu công nghệ cao của Việt Nam.

Chương trình hợp tác giai đoạn 2012 – 2020 có trọng tâm là tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực vừa là thế mạnh, vừa là truyền thống của hai bên như công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, dược phẩm và y tế; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano (đặc biệt là vật liệu nano); công nghệ vũ trụ, công nghệ viễn thám ứng dụng trong dự báo thiên tai, bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin (đặc biệt là dịch vụ phát triển và xuất khẩu phần mềm); công nghệ tính toán hiệu năng cao (sử dụng siêu máy tính), công nghệ sản xuất siêu máy tính và một số lĩnh vực nghiên cứu phát triển (R&D) khác như thương mại hóa kết quả nghiên cứu,…

Ba lĩnh vực trọng tâm hợp tác giữa hai nước về khoa học công nghệ là:

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất vật liệu, thiết bị phục vụ trong quốc phòng, y tế, nông nghiệp, công nghệ thông tin - viễn thông, hóa chất…;

- Công nghệ sinh học bao gồm sinh học phân tử, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghệ sinh học trong y dược, và công nghệ sinh học phục vụ môi trường. Ngoài công nghệ sinh học trong nông nghiệp luôn đứng hàng đầu trên thế giới (hiện Ấn Độ đang triển khai cuộc cách mạng xanh lần thứ hai), công nghệ sinh học trong y dược của Ấn Độ cũng phát triển rất cao. Với  khoảng 17.000 loại thảo dược quý, các công ty dược của Ấn Độ đã có sản phẩm bán trên thị trường của 125 quốc gia. Ấn Độ đã sản xuất được loại thuốc chống ung thư ruột kết Biocon, doanh số đạt 15 tỷ USD.

- Hải dương học, bao gồm các lĩnh vực cảnh báo động đất và sóng thần, thăm dò địa chấn dưới đại dương,…

Trong 3 lĩnh vực trọng tâm hợp tác giữa hai nước nêu trên, lĩnh vực cấp thiết nhất đối với Việt Nam là công nghệ sinh học trong nông nghiệp - một trong những yếu tố quyết định tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Hai nước đã trao đổi về hợp tác trong khai thác, phát triển các nguồn gen bản địa, cây trồng chuyển gen, các giống lúa chịu mặn; nghiên cứu về đánh giá tổn thất sau thu hoạch; sử dụng hệ thống GIS trong quản lý đất đai, nguồn nước và giám sát biến đổi khí hậu, … Ngược lại, Ấn Độ cũng đề nghị Việt Nam giúp về kinh nghiệm nuôi cá tra, cá basa và tôm thương phẩm.

Ấn Độ có hệ thống đào tạo, nghiên cứu khá phát triển, trong đó nhiều trường, viện nghiên cứu được xếp thứ hạng cao ở châu Á (Viện Công nghệ Ấn Độ), thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới đến học tập, nghiên cứu. Hợp tác về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật được hai bên xác định là lĩnh vực ưu tiên và hợp tác hiệu quả nhất giữa 2 nước. Gần đây, mỗi năm, Ấn Độ đã giành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng (đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học, tiếng Anh, viễn thám,...), cho đến nay, Việt Nam là nước được hưởng nhiều học bổng nhất trong số các nước đang phát triển theo chương trình hợp tác kinh tế và công nghệ Ấn Độ (ITEC) với nước ngoài.

Tại Việt Nam, năm 2000, bộ môn Ấn Độ học đã được thành lập tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh và năm 2002, tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tại Hà Nội. Nhiều khóa sinh viên được đào tạo đã ra trường, thúc đẩy hiểu biết giữa hai đất nước và quan hệ Việt - Ấn đi vào chiều sâu.

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Viện Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.      

Tháng 9/2014, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjeee và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam và là trung tâm nghiên cứu quốc gia về khoa học lý luận chính trị và các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác.

Để đảm bảo quan hệ Việt - Ấn phát triển lên tầm cao mới một cách vững chắc, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, về chính trị, tiếp tục tăng cường các trao đổi các đoàn cấp cao. Thực hiện trao đổi đoàn hàng năm theo “Chương trình Khách quý” giữa Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tăng cường hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trên các lĩnh vực quản trị, chính sách công, thách thức đối với phát triển và vấn đề tăng trưởng kinh tế theo như tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp tục thúc đẩy hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại, Kinh tế và Khoa học kỹ thuật cấp Bộ trưởng ngoại giao.

Tiếp tục tổ chức “tham khảo chính trị” và “đối thoại chiến lược” cấp Thứ trưởng ngoại giao cũng như các cấp độ khác như: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Ấn, Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực cao cấp về Công nghệ thông tin và Truyền thông (ARC-ICT), Quỹ Palhe India, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Ấn Độ - Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.

Tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong hợp tác “ASEAN - Ấn Độ” và “Hợp tác sông Mekong – sông Hằng”, cũng như tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARRF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên Hợp quốc và Phong trào không liên kết.

Hai là, tăng cường trụ cột hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược của hai nước và phát triển bền vững quan hệ giữa hai nước. Để làm được điều đó cần: Tăng cường thương mại; Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông: đường bộ, đường thủy, hàng không giữa hai nước; Tăng cường giao lưu, nghiên cứu để hiểu biết tiềm lực kinh tế, hiểu biết thị trường của nhau; Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực khoa học công nghệ vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả hai nước;…

Ba là, tăng cường giao lưu về văn hóa, giáo dục, đào tạo.

Bốn là, tăng cường hợp tác về an ninh, quốc phòng. Hợp tác chặt chẽ về những vấn đề quan trọng vì hòa bình, ổn định của khu vực và của thế giới.

Năm là, tăng cường hợp tác, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Ấn Độ. Tăng cường nghiên cứu và trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học, các chuyên gia chiến lược hàng đầu của hai nước, đặc biệt, thông qua Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ của Việt Nam.

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, ủng hộ việc Ấn Độ tăng cường phát triển quan hệ với ASEAN. Hiện tại, thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Ấn Độ về hàng hóa đã có hiệu lực và thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Ấn Độ về dịch vụ và đầu tư sớm đi vào hoạt động.

Triển vọng hợp tác Việt Nam – Ấn Độ rất khả quan. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hầu như không có bất kỳ bất đồng, mâu thuẫn nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là “bầu trời không chút gợn mây”. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển tốt đẹp sẽ góp phần vào xây dựng xã hội hai nước phồn vinh và góp phần bảo vệ vững chắc an ninh khu vực và thế giới.

(Phương Sơn)

Nguồn:

Cùng chuyên mục