Hợp tác trong thử phản ứng ngoài
Trên danh nghĩa chính thức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đi Ấn Độ lần này không phải để thăm chính thức mà để tham dự cuộc cấp cao thường niên song phương lần thứ 19.
Kết quả của 2 ngày ở thăm Ấn Độ của ông Vladimir Putin là nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai nước trên các lĩnh vực như trao đổi thương mại, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đường sắt, hàng không...
Có thể dễ dàng nhận thấy không chỉ mức độ quan hệ hợp tác song phương hiện rất tốt đẹp giữa hai nước, mà còn cả triển vọng cũng rất tốt đẹp của mối quan hệ ấy trong tương lai. Ấn Độ và Nga tiếp tục tiến xa trên con đường đã được xác định cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tuy nhiên, điều còn được để ý đến nhiều hơn thế nữa và nhiều nhất ở sự kiện này là việc hai bên ký kết thỏa thuận Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng như quan hệ thương mại của hai nước này với Iran. Lý do ở chỗ hai chuyện ấy có liên quan đến Mỹ và Trung Quốc.
Giữa Ấn Độ và Nga vốn đã từ lâu rồi có sự buôn bán vũ khí rất sôi động và liên tục. Nga là một trong những nước bán nhiều vũ khí và thiết bị quân sự nhất cho Ấn Độ. Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác truyền thống với Nga nhưng chủ trương đa dạng hóa nguồn cung ứng vũ khí.
Quan hệ của Ấn Độ với Mỹ hiện cũng rất tốt đẹp trong khi với Trung Quốc về cơ bản cũng ổn nhưng không hẳn hoàn toàn không có vấn đề gì. Ấn Độ bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và có lý do để nghi ngại Trung Quốc sử dụng Pakistan và một số nước khác nữa ở khu vực Nam Á để tranh giành ảnh hưởng với Ấn Độ ở khu vực. Trung Quốc thì nghi ngại về mối quan hệ tốt đẹp của Ấn Độ với Mỹ trong khi bị Mỹ cạnh tranh chiến lược quyết liệt và gây khó trên nhiều phương diện.
Cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga mà Nga hiện cũng bị Mỹ làm găng. Cục diện quan hệ phức tạp ấy khiến cho cuộc cấp cao song phương thường niên năm nay giữa Ấn Độ và Nga còn trở thành một phép thử của hai nước này về thái độ và phản ứng của Mỹ và Trung Quốc.
Vừa mới đây, Mỹ áp dụng một số biện pháp trừng phạt Trung Quốc về việc Trung Quốc mua máy bay tiêm kích Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Bây giờ, Ấn Độ lại mua đúng loại tên lửa ấy của Nga và tăng cường hợp tác với Nga trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng.
Tới đây, Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp bao vây, cấm vận và trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu khí của Iran mà cả Nga lẫn Ấn Độ đều vẫn duy trì quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với Iran, cả trên lĩnh vực dầu khí. Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu lửa của Iran. Mỹ lo ngại về việc Ấn Độ tăng cường hợp tác với Nga và Iran, qua đó hủy hoại tác dụng của những biện pháp chính sách của Mỹ đối với Nga và Iran.
Trung Quốc nghi ngại Ấn Độ tăng cường tiềm lực quân sự thông qua hợp tác quân sự với Nga và Mỹ cũng như mua thêm vũ khí hiện đại của Nga và Mỹ, gây bất lợi trực tiếp cho Trung Quốc và Pakistan cũng như cản trở Trung Quốc thực hiện ý đồ mở rộng phạm vi ảnh hưởng xuống vùng Nam Á. Trung Quốc còn càng thêm nghi ngại khi bị Mỹ trừng phạt vì đã mua vũ khí của Nga trong khi Ấn Độ cũng mua vũ khí của Nga mà lại không bị Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự.
Với thỏa thuận về cung cấp vũ khí hiện đại này, ông Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa lại chất lượng và tầm vóc mới cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga, đồng thời buộc các đối tác bên ngoài phải dè chừng hơn trong chính sách của họ đối với Ấn Độ và Nga.
Nguồn: https://laodong.vn/the-gioi/hop-tac-trong-thu-phan-ung-ngoai-634790.ldo
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024