Iran và Ấn Độ bắt tay chiến lược
Chuyến thăm của Tổng thống Iran Rouhani đến Ấn Độ được cho là có ý nghĩa chiến lược với Iran và Ấn Độ nhất là về kinh tế.
15 hiệp định và thỏa thuận được ký kết
Chuyến thăm Ấn Độ trong 3 ngày qua của Tổng thống Iran Rouhani có thể nói là thành công và đạt được nhiều kết quả trên các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế. Cụ thể hai nước đã ký kết 15 hiệp định, thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực an ninh, thương mại và năng lượng.
Các thỏa thuận bao gồm hiệp ước dẫn độ và đơn giản hóa quá trình cấp thị thực, các thỏa thuận trong lĩnh vực nông nghiệp, chống bán phá giá, đầu tư cảng Chabahar, bưu chính, tư pháp, thương mại, y tế… Hai bên cũng thảo luận các mối đe dọa của khủng bố, chống buôn bán ma túy và những thách thức khác của khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý trong chuyến thăm này, hai nước đã ký một thỏa thuận thúc đẩy phát triển dự án cảng chiến lược Chabahar ở miền Đông Nam Iran với số vốn trị giá khoảng 85 triệu USD mà Ấn Độ cam kết đầu tư, cũng như các dự án vận tải đường bộ từ Chabahar tới Afghanistan.
Vì chiến lược của mỗi nước
Trước hết, chuyến thăm có tính đối ứng sau chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Tehran vào năm 2016 và đáng chú ý là đúng 1 tháng sau chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Ấn Độ hồi tháng trước và chuyến thăm của Modi đến thế giới Ả Rập trong tuần qua. Đáng chú ý, ông Rouhani đến Ấn Độ trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nước và trên toàn cầu. Trước chuyến thăm Tổng thống Rouhani nói rằng, thế kỷ hiện tại thuộc về châu Á, nơi Ấn Độ và Iran có một vai trò rất quan trọng.
Việc hai nước xích lại gần nhau, trước hết về kinh tế, Iran đang cần các nguồn đầu tư để thúc đẩy phát triển trong nước, cải thiện tình hình kinh tế, thì Ấn Độ, với nguồn tài chính lớn, cũng cần mở rộng thị trường, nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt. Ấn Độ là nước mua dầu khí lớn nhất của Iran (500.000 thùng dầu thô mỗi ngày) và hai nước tiếp tục theo đuổi các quan hệ thương mại ngay cả khi Iran bị cô lập toàn cầu do các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của nước này từ năm 2012 đến năm 2016.
Kể từ khi nới lỏng các biện pháp chế tài phương Tây, Iran đã nổi lên như là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba cho Ấn Độ sau Iraq và Saudi Arabia. Mặc dù đang dần mở rộng, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Iran đứng ở mức 12.89 tỷ USD trong năm 2016-2017, trong đó Ấn Độ nhập khẩu 10,5 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là dầu thô. Mặt khác, Ấn Độ có khả năng đầu tư rộng rãi trong ngành hóa dầu của Iran. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn xâm nhập vào thị trường Iran đang lo ngại thỏa thuận hạt nhân và những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran, các nhà tài trợ Ấn Độ vẫn rất quan tâm và tham gia vào các dự án ở Iran.
Về chính trị, chuyến thăm diễn ra khi Iran đang gặp phải những bất ổn của tình hình trong nước, suy thoái kinh tế trong khi vừa phải đối phó với việc chính quyền Donal Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1 và đối mặt với một nguy cơ bị cô lập quốc tế bằng các biện pháp trừng phạt, cùng với những căng thẳng đang leo thang với Israel.
Trên nền tảng mối quan hệ của Ấn Độ với Iran vẫn ổn định trong những năm gần đây, mặc dù có những trục trặc trong suốt thời kỳ trừng phạt cao nhất chống lại Tehran bởi Chính quyền Barack Obama và ngay cả trong thời Tổng thống Donald Trump, chuyến thăm được cho là tìm kiếm sự cân bằng chính trị bởi Ấn Độ có quan hệ tốt và "lợi ích chiến lược" với nhiều nước Ả Rập và Israel. Cả hai bên hy vọng chuyến thăm làm dịu đi các căng thẳng trên, đồng thời được coi là hành động cân bằng giữa Ấn Độ và Ấn Độ với khu vực Tây Á.
Về an ninh, cả hai nước đều có các mối quan tâm chung trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, chống buôn bán ma túy cũng như tình hình an ninh ở Afghanistan.
Ấn độ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Pakistan
Iran đang cần vốn đầu tư, trong khi Ấn Độ cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang Iran, Afghanistan, các nước Trung Á cũng như châu Âu. Quan hệ lợi ích chiến lược này được hai nước thúc đẩy mạnh mẽ. Cụ thể là Dự án đầu tư của Ấn Độ vào cảng chiến lược của Chabahar của Iran trị giá 85 triệu USD được kỳ vọng sẽ tạo ra một sự gia tăng đáng kể cho thương mại song phương, mở rộng thương mại của Ấn Độ với Afghanistan và Trung Á giàu năng lượng bằng cách phá vỡ tuyến đường bộ qua Pakistan.
Dự án này là giải pháp chiến lược của Ấn Độ khi đang phải đối mặt với một nền kinh tế 6 quý liên tục giảm tăng trưởng, khoảng 12 triệu người thiếu việc làm. Tuy nhiên, rào cản lớn là các ngân hàng phương Tây vẫn không muốn hỗ trợ các dự án của Iran dù Mỹ không có những cản trở gì trong sự hợp tác giữa Iran và Ấn Độ ở dự án cảng Chabahar. Điều này giúp Iran vượt qua các biện pháp chế tài và tăng cường quan hệ với Ấn Độ.
Ấn Độ đã đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt nối cảng Chabahar với thành phố Zahedan của Iran sát biên giới với Afghanistan với hy vọng cảng mới sẽ cách mạng hóa thương mại. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tuyến đi qua Iran vào Afghanistan chỉ là một giải pháp cho vấn đề kết nối ở Nam và Trung Á. Giải pháp lâu dài hơn sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn hơn trong thái độ của Pakistan đối với thương mại và các vấn đề chiến lược và kinh tế. Điều quan trọng đối với mỗi nhà lãnh đạo Nam Á và Trung Á là phải thuyết phục Pakistan để lồng ghép các tuyến vận tải của họ vào các khu vực lớn hơn.
“Cái bắt tay” làm dịu căng thẳng khu vực?
Sự hợp tác giữa Iran và Ấn Độ - hai nước có tiếng nói và ảnh hưởng, có nền quân sự mạnh, chắc chắn có những tác động nhất định tới tình hình khu vực Trung Đông. Với vai trò gần như trung lập trong các vấn đề khu vực, Ấn Độ chủ yếu tập trung vào việc cam kết và tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ như một đối tác kinh tế và an ninh trong khi Mỹ và Nga đang bận rộn với những căng thẳng ở Syria, Iraq, Lebanon, Yemen...
Với mối quan hệ đa chiều ở khu vực Trung Đông, Ấn Độ có thể làm dịu căng thẳng giữa Israel và Iran cũng như giữa Iran và các nước Ả Rập, trong đó có Saudi Arabia và cả vấn đề thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1.
Ấn Độ chắc chắn muốn thấy một nỗ lực nghiêm túc để giải quyết những căng thẳng hiện tại giữa Iran và các nước láng giềng Ả Rập, nơi các lợi ích kinh tế của nước này tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Ấn Độ khó có khả năng giảm căng thẳng giữa Iran và các nước Ả Rập. Nhưng nước này chắc chắn có thể khuyến khích các xu hướng mới nổi kiểm soát chính trị và xã hội ở Trung Đông.
Chuyến đi tới Ấn Độ của ông Rouhani đến vào thời điểm mà các quan chức Mỹ và Israel không chấp thuận trong chương trình phòng thủ tên lửa của Iran. Trong khi đó, Ấn Độ đã đạt được một vị thế tốt hơn trong Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ và do đó là cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Iran nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân góp phần củng cố kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, sự hợp tác Iran và Ấn Độ được cho góp phần giảm bớt những leo thang căng thẳng, bất ổn an ninh ở khu vực Tây và Trung Á, cũng như tình hình an ninh ở Afghanistan./.
Nguồn: https://baomoi.com/iran-va-an-do-bat-tay-chien-luoc/c/24983785.epi?utm_source=iapp&utm_campaign=share
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024