Kinh nghiệm chuyển đổi số ở Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ phát động chương trình Digital India (Ấn Độ kỹ thuật số) từ năm 2015, với mục tiêu biến quốc gia này thành một xã hội được trao quyền kỹ thuật số với nền kinh tế tri thức. Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số cũng là một trong những sáng kiến quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay của Ấn Độ.
Đi đầu trong cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẵn có
Chính phủ Ấn Độ đi đầu trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẵn có, bao gồm Internet tốc độ cao được hỗ trợ thông qua kết nối điện thoại di động, quyền truy cập tài khoản ngân hàng và định danh kỹ thuật số duy nhất cho mỗi công dân, trực tuyến và có thể xác thực được.
Aadhaar là một hệ thống định danh cá nhân bằng sinh trắc học ở Ấn Độ. UIDAI - Cơ quan quản lý định danh duy nhất Ấn Độ là nơi triển khai Aadhaar cho 1,37 tỷ người Ấn Độ với tính năng xác thực thời gian thực đối với công dân sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, không cần sự hiện diện thực của công dân khi sử dụng các dịch vụ và loại bỏ danh tính trùng lặp.
Yếu tố cốt lõi thứ hai của sự chuyển đổi kỹ thuật số ở Ấn Độ là Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) theo thời gian thực do Tập đoàn Thanh toán quốc gia Ấn Độ vận hành cho tất cả giao dịch kỹ thuật số sử dụng tài khoản ngân hàng, thẻ, ví kỹ thuật số hoặc thanh toán qua điện thoại kết nối mạng. UPI tạo điều kiện cho 10 tỷ giao dịch thanh toán ngay tức thì mỗi tháng ở Ấn Độ, chiếm hơn 45% thanh toán theo thời gian thực trên toàn cầu.
Hệ thống nhận dạng kỹ thuật số Aadhaar có thể xác thực theo thời gian thực, phổ quát cùng với giao diện thanh toán kỹ thuật số thống nhất UPI đã cung cấp nền tảng, do chính phủ Ấn Độ dẫn dắt, cho phép chính phủ, cơ quan, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ trao đổi dữ liệu và triển khai dịch vụ cho bất kỳ công dân Ấn Độ nào.
Phạm vi dịch vụ số hóa dành cho công dân Ấn Độ không ngừng phát triển, bao gồm các tài liệu cá nhân (khai sinh, kết hôn, tài khoản thuế, bảo hiểm, lái xe, đăng ký xe, cử tri, học tập, hộ chiếu, giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa bệnh); các chương trình phúc lợi của chính phủ (lương hưu, bảo hiểm y tế, bảo đảm việc làm, phân phối công, học bổng, trợ cấp); các tiện ích (điện, nước, gas, khai thuế và nộp thuế); các dịch vụ đổi mới (thông tin về giá nông sản cho nông dân, hỗ trợ an ninh công cộng, y tế từ xa, hồ sơ đất đai kỹ thuật số, hệ thống thông tin không gian địa lý)...
Các dịch vụ khóa kỹ thuật số
Một sáng kiến gần đây là tạo ra các dịch vụ khóa kỹ thuật số, liên kết các công dân với hồ sơ kỹ thuật số xác thực được xác minh bởi nhà xuất bản dữ liệu, có thể được sử dụng bởi người dùng dữ liệu đại diện cho danh tính và thông tin đã được xác minh của người sử dụng.
Một ứng dụng hữu ích là quy trình tuyển sinh đại học không cần giấy tờ, được số hóa với hồ sơ học tập được chứng thực, mẫu đơn đăng ký, điểm thi, thanh toán và thủ tục nhập học. Ví dụ thú vị khác là chợ điện tử của chính phủ Ấn Độ (GeM) dành cho việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của chính phủ như thiết bị, văn phòng phẩm, phương tiện, dịch vụ thuê ngoài mà không cần sự hiện diện thực và loại bỏ các hành vi sai trái giữa các văn phòng chính phủ và nhà cung cấp dịch vụ.
Để bảo đảm rằng các dịch vụ này có sẵn cho các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, chính phủ đã tạo điều kiện cho các trung tâm dịch vụ chung trở thành các điểm truy cập để cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người dân trên khắp đất nước nằm xa các trung tâm đô thị.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chính phủ Ấn Độ không ngừng nâng cấp tính sẵn có của đường truyền băng thông rộng (mạng cáp quang quốc gia), kết nối di động tốc độ cao phổ cập, truy cập Internet công cộng, nền tảng dữ liệu mở và khuyến khích các dịch vụ của chính phủ được tích hợp vào lớp trao đổi dữ liệu giữa các nhà xuất bản dữ liệu và người sử dụng dùng giao diện lập trình ứng dụng. Đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ đã triển khai cơ sở hạ tầng thử nghiệm 6G và tầm nhìn 6G, dự kiến được thương mại hóa trong khoảng bảy năm nữa.
Với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ đã lãnh đạo Nhóm công tác về kinh tế số G20 xây dựng Khung tự nguyện để phát triển, triển khai và quản trị cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số; các nguyên tắc cấp cao để hỗ trợ an toàn, an ninh, khả năng phục hồi và sự tin cậy trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Việt Nam đang triển khai mô hình chuyển đổi số của riêng mình để đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của mình đối với nền kinh tế số. Đối thoại Ấn Độ-Việt Nam mang lại cơ hội trao đổi thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao nỗ lực của mỗi bên và cùng nhau tiến lên dẫn đầu thế giới số hóa trong thời gian tới.
https://baoquocte.vn/kinh-nghiem-chuyen-doi-so-o-an-do-239982.html
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ thắt chặt các biện pháp chống ô nhiễm không khí
Tin tức 03:00 01-12-2024
Học giả Ấn Độ ấn tượng với thành tựu phát triển của Việt Nam
Tin tức 10:00 12-12-2024
Bất chấp sóng gió, quan chức Ấn Độ thăm Bangladesh
Tin tức 10:00 09-12-2024
Ấn Độ khẳng định cam kết về quan hệ chiến lược với Nga
Tin tức 09:00 12-12-2024