Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ có thể là đối trọng lớn với Trung Quốc

Kinh tế Ấn Độ có thể là đối trọng lớn với Trung Quốc

Các chuyên gia dự báo, với tiềm năng kinh tế, Ấn Độ có đủ khả năng vượt qua Trung Quốc nếu nước này đưa ra những chính sách và cải cách hợp lý.

09:00 18-01-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trang mạng ASPI Strategist đăng bài viết với tựa đề “Will India reach its potential?” (Tạm dịch: Liệu Ấn Độ có thể đạt được tiềm năng của mình?”, trong đó phân tích về tiềm năng kinh tế Ấn độ, nhấn mạnh nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai thế giới có đủ khả năng vượt qua Trung Quốc, nếu nước này đưa ra những chính sách và cải cách hợp lý.
Theo tác giả, Ấn Độ chuẩn bị vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào khoảng năm 2023. Trong khi Trung Quốc đã vượt qua thời kỳ đỉnh cao về nhân khẩu học và bắt đầu già đi thì xu hướng bùng nổ dân số của Ấn Độ sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ.         
Sau khi từ bỏ mô hình xã hội chủ nghĩa vào năm 1991, Ấn Độ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi bốn thập kỷ “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo và mang lại thu nhập cao. Kết quả là kinh tế Trung Quốc hiện lớn gấp sáu lần Ấn Độ và sự khác biệt giữa cơ sở hạ tầng cơ bản của hai nước là rất rõ ràng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh đã chậm lại đáng kể.         
Trong khi đó, kinh tế của Ấn Độ đã vượt xa hầu hết các nước khác trong năm 2022 và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như quyết tâm giúp kinh tế đất nước thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc. Vào năm 2021, Ấn Độ đã vượt qua Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và các ước tính gần đây cho thấy, với chính sách và tốc độ tăng trưởng hiện tại, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong một thập kỷ hoặc lâu hơn.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng dự kiến của Ấn Độ trong năm 2023 thấp hơn so với năm 2022 (5,9% so với 6,9%), nhưng triển vọng phát triển kinh tế vẫn hoàn toàn nằm trong khả năng của Ấn Độ.
Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ trong những thập kỷ gần đây vì nước này nhanh hơn và quyết đoán hơn nhiều trong việc mở cửa nền kinh tế và khai thác cơ hội thương mại toàn cầu. Trong khi Trung Quốc tự khẳng định là “công xưởng của thế giới”, Ấn Độ vẫn tồn tại những hoài nghi về thương mại tự do và để cho xu hướng bảo hộ kiềm hãm những cải cách nhanh chóng. Do đó, khả năng khắc phục các chính sách cũ trong những năm tới có thể sẽ quyết định liệu Ấn Độ có thể hoàn thành tham vọng đạt được tăng trưởng nhanh, bền vững và thịnh vượng hay không.
Hiện tại, các điều kiện toàn cầu vẫn thuận lợi cho Ấn Độ. Thành công của chính Trung Quốc trong việc tiến lên theo chuỗi giá trị toàn cầu có nghĩa là nước này không còn là nhà sản xuất chi phí thấp như trước đây. Và với căng thẳng địa chính trị gia tăng và nhiều công ty đa quốc gia đang xem xét lại chuỗi cung ứng của họ, các nhà đầu tư đang ngày càng chuyển hướng sang Ấn Độ.
Toàn cầu hóa có thể đang thay đổi nhưng không thể biến mất. Trên thực tế, thương mại toàn cầu đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc xác định các chuỗi giá trị ở những nơi không có nhiều biến đổi về mặt chính trị để căng thẳng địa chính trị và các tác nhân khác không ảnh hưởng quá mức đến dòng chảy tự do của hàng hóa và dịch vụ là rất quan trọng. Ấn Độ có thể phù hợp với điều này nhưng trước tiên nước này sẽ cần giải quyết một số câu hỏi còn tồn đọng.         
Một vấn đề liên quan đến mối quan hệ của Ấn Độ với châu Âu. Một hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ từng nằm trong chương trình nghị sự của cả hai bên, nhưng đã phải tạm dừng vào giữa những năm 2010. EU muốn nhiều hơn mức có thể đạt được, Ấn Độ muốn ít hơn và các cuộc đàm phán chẳng đi đến đâu.
Năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và ông Modi đã quyết định làm sống lại những nỗ lực để ký kết một hiệp định thương mại tự do, một nỗ lực lớn nhằm khôi phục lòng tin.         
Bây giờ, sau 7 năm gián đoạn, phần lớn sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán mới này. EU sẽ phải nhận ra rằng họ không thể đạt được mọi thứ mình mong muốn trong một lần. Và Ấn Độ sẽ phải vứt bỏ rất nhiều gánh nặng về chính trị. Nếu Ấn Độ thực sự muốn tận dụng sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu, họ sẽ phải mở cửa theo những cách mà trước đó nước này từng phản đối.         
Các cuộc đàm phán cũng như cải cách liên quan là không dễ dàng. Tiến bộ cuối cùng sẽ phụ thuộc vào sự lãnh đạo chính trị ở cả Ấn Độ và EU. Nếu các nhà đàm phán thương mại muốn tạo ra một nền tảng mới, điều cần thiết là cần một tầm nhìn rõ ràng và ý chí nhất quán của cả hai bên.         
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Ấn Độ nên rút ra bài học từ những gì đạt được từ chính sách của nước này trong vài thập kỷ qua. Các cách tiếp cận quốc gia khác nhau đối với nền kinh tế toàn cầu giải thích vì sao Trung Quốc hiện chiếm 16% ngoại thương của EU, trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 2%. Chỉ số này rõ ràng phải tăng lên trong thập kỷ tới, nhưng mức độ tăng sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả của các cuộc đàm phán mới.         
Phần còn lại của thế giới sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ một Ấn Độ thịnh vượng, tự tin và hùng mạnh hơn. Ngoài việc sớm trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ còn là nền dân chủ lớn nhất và tiếng nói của nước này sẽ chỉ ngày càng quan trọng khi nền kinh tế ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, cuối cùng, sức mạnh mềm mà Ấn Độ đang nắm giữ trong tương lai sẽ phản ánh các lựa chọn chính sách kinh tế và thương mại mà nước này đưa ra ngày hôm nay.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục