Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực tự cường

Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực tự cường

Ấn Độ giành được độc lập dân tộc năm 1947, đến nay đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Trong suốt tiến trình đó, tự lực tự cường luôn là mục tiêu cơ bản hàng đầu mà nhân dân và Chính phủ Ấn Độ phấn đấu để thực hiện, mặc dù trong mỗi thời kỳ đã áp dụng những chính sách, giải pháp thực tiễn khác nhau. Cuốn sách này ra đời nhằm làm sáng tỏ tiến trình tự lực tự cường của Ấn Độ với tổng cộng 6 chương đi sâu nghiên cứu, phân tích một cách hệ thống những bước đi, chính sách và cách làm sáng tạo của Ấn Độ. Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

01:03 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ giành được độc lập dân tộc năm 1947, đến nay đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Trong suốt tiến trình đó, tự lực tự cường luôn là mục tiêu cơ bản hàng đầu mà nhân dân và Chính phủ Ấn Độ phấn đấu để thực hiện, mặc dù trong mỗi thời kỳ đã áp dụng những chính sách, giải pháp thực tiễn khác nhau.

Giai đoạn đầu từ khi mới được giải phóng khỏi chế độ thuộc địa vào giữa thế kỷ XX đến năm 1990, Ấn Độ đã kiên trì theo đuổi đường lối độc lập, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính (self-reliance).

Đến thời kỳ cải cách từ năm 1991 đến nay, Ấn Độ đã chuyển mạnh sang thực hiện chính sách tự do hoá, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế; và trong thực tiễn, đã liên tiếp có những giải pháp sáng tạo như thực hiện các cuộc cách mạng về giải phóng dân tộc, cách mạng Xanh phát triển nông nghiệp, nông thôn, Cách mạng Trắng phát triển chăn nuôi bò sữa, gia súc, gia cầm, Cách mạng Xám phát triển giáo dục, khoa học - công nghệ, Cách mạng Công nghiệp để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, mà ngày nay là công cuộc công nghiệp hóa lần thứ tư, còn gọi là “công nghiệp hóa 4.0”. Dù có những thay đổi về chính sách, giải pháp cho phù hợp với thực tế, nhưng về cơ bản, mục tiêu tự lực, tự cường của nhân dân và Chính phủ Ấn Độ luôn nhất quán, không thay đổi, luôn nhằm xây dựng đất nước trở thành một cường quốc, trong đó có cường quốc kinh tế vào thế kỷ XXI. Đó chính là lý do để chúng tôi đặt tên cho cuốn sách này là “Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực, tự cường”.

Tiến trình xây dựng đất nước theo đường lối tự lực, tự cường đã mang lại cho Ấn Độ những thành quả ngày càng to lớn, nâng mức tăng trưởng kinh tế bình quân từ 4 - 5%/năm trong các thập niên 1950-1980 lên 7 - 8%/năm trong các thập niên cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, riêng năm 2006 đạt đỉnh cao 9,6%, sau đó liên tục tăng trưởng bình quân khoảng 7,5%/năm, đến 2016 GDP của Ấn Độ tính theo tỷ giá hối đoái đã đạt 2.300 tỷ USD, đưa Ấn Độ từ nền kinh tế kém phát triển lên vị trí thứ năm thế giới, vượt cả nền kinh tế Anh với 2.290 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, đồng thời trở thành một trong năm nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi.

Yếu tố chính dẫn tới việc nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là do nước này đã chuyển đổi mô hình phát triển từ nặng về độc lập, tự chủ, hướng nội, thay thế nhập khẩu, sang đẩy mạnh cải cách, tự do hóa, hướng vào xuất khẩu, tăng cường phát triển kinh tế thị trường, tư nhân hóa xí nghiệp quốc doanh, coi trọng hơn khu vực tư nhân, mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển các ngành kinh tế - công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ mới.

Nhằm làm sáng tỏ tiến trình tự lực tự cường của Ấn Độ, các tác giả chia cuốn sách thành 6 chương để đi sâu nghiên cứu, phân tích một cách hệ thống những bước đi, chính sách và cách làm sáng tạo của Ấn Độ.

Cụ thể Chương 1 nghiên cứu 2 thời kỳ thực hiện 2 mô hình tăng trưởng khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau, đó là thời kỳ 1947-1990 thực hiện chính sách độc lập tự chủ, tiếp đến là thời kỳ cải cách theo hướng tự do hoá, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế từ năm 1991 đến nay, và triển vọng xây dựng đất nước trở thành một cường quốc kinh tế của thế kỷ XXI.

Chương 2 nghiên cứu quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tập trung vào các ngành cơ bản như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, và khoa học - công nghệ.

Chương 3 nghiên cứu quá trình chuyển đổi các hoạt động kinh tế đối ngoại từ nặng về đóng cửa, hướng nội, thay thế nhập khẩu, sang mở cửa, hướng vào xuất khẩu, kết hợp phát triển kinh tế thị trường ở trong nước với hội nhập khu vực và quốc tế, phát triển ngoại thương, đầu tư nước ngoài (gồm cả đầu tư của nước ngoài vào Ấn Độ và đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài), thực hiện Chính sách Hướng Đông, rồi Hành động phía Đông, mở rộng quan hệ kinh tế của Ấn Độ từ khu vực Nam Á thông qua Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) sang các nước ASEAN, rồi cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế với các nước công nghiệp phát triển.

Chương 4 phân tích ý tưởng và khả năng thực tế của Ấn Độ trong nỗ lực nhằm xây dựng một cường quốc kinh tế vào thế kỷ XXI thông qua việc nghiên cứu những năng lực được tạo dựng trong 70 năm công nghiệp hóa, đánh giá công cuộc cải cách theo hướng tự do hoá tạo đà cho nền kinh tế cất cánh như thế nào, phân tích các yếu tố khu vực và quốc tế ngày càng mở ra những cơ hội mới góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc dân vươn lên đạt những đỉnh cao mới.

Chương 5 nghiên cứu mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Ấn Độ và Việt Nam, trọng tâm là sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

Chương 6 giới thiệu những bài viết ngắn gọn, cập nhật thông tin chuyên biệt về kinh tế, thương mại Ấn Độ đương đại.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục