Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Lạm phát gia tăng gây áp lực lên chính phủ Modi

Lạm phát gia tăng gây áp lực lên chính phủ Modi

Các hộ nghèo phải vật lộn với việc các mặt hàng thiết yếu như lương thực và nhiên liệu tăng giá.

06:31 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giá các mặt hàng thiết yếu như sữa và khí đốt đang tăng ở Ấn Độ, gây áp lực chồng chất lên người tiêu dùng đang phải đối mặt với cú sốc kinh tế từ đại dịch và đặt ra thách thức mới cho chính phủ của Narendra Modi.

Ấn Độ đã báo cáo lạm phát bán lẻ ở mức 6,3% trong tháng 6 và tháng 5, do chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 6% của Ngân hàng trung ương lần đầu tiên trong năm nay. Lạm phát bán buôn đạt mức cao kỷ lục gần 13% trong tháng 5.

Các nhà kinh tế lo ngại Ấn Độ có thể rơi vào chu kỳ tăng giá liên tục đã kéo dài nhiều năm đã cản trở sự tăng trưởng của nước này và tạo ra gánh nặng chính trị cho các nhà lãnh đạo của đất nước.

Viễn cảnh giá cả tăng - khi lạm phát tăng cao trên toàn cầu - xuất hiện bất chấp triển vọng tăng trưởng không chắc chắn. Hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng từ cuộc suy thoái lịch sử năm ngoái đã bị cản trở bởi làn sóng Covid-19 thứ hai gần đây.

Priyanka Kishore, người đứng đầu công ty nghiên cứu Oxford Economics, cho biết: “Thời điểm này rất khó cho đất nước vì đang phải vật lộn với một vấn đề tăng trưởng khá nghiêm trọng”.

Các nhà kinh tế cho rằng, một phần của sự gia tăng này phản ánh sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa, nhưng cho rằng, điều này cũng có thể dẫn đến sự gián đoạn lâu dài hơn khi giá hàng hóa tăng trên toàn cầu.

Điều này đã gây áp lực buộc các nhà chức trách phải hành động, với các cử tri Ấn Độ từ lâu đã được biết đến việc phản đối chính phủ chủ trương lạm phát.

Tuy Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ không thay đổi lãi suất trong một năm, mà thay vào đó tập trung vào việc phục hồi tăng trưởng, một số nhà kinh tế tin rằng, có nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong những quý tới.

Chính quyền trung ương và tiểu bang cũng đang phải đối mặt với những lời kêu gọi cắt giảm thuế nhiên liệu cao. Trong một báo cáo, cơ quan xếp hạng CARE viết rằng: “Rõ ràng là chi phí nhiên liệu cao hơn đã được chuyển sang tất cả các phân khúc”. “Chính phủ cần bắt đầu giảm thuế”.

Áp lực về giá đã thúc đẩy các công ty tăng giá.

Mother Dairy và Amul, hai trong số các thương hiệu sữa lớn nhất của Ấn Độ, đều tăng giá 2 Rs/lít trong tháng này, tương đương khoảng 4%. Các công ty đã trích dẫn mức tăng hai con số trong chi phí bán buôn, đóng gói và hậu cần.

Điều này đã ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và nghèo của Ấn Độ, những người đã gánh chịu gánh nặng của các cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra. Chẳng hạn, giá lương thực tăng đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Mohammad Huseini, 48 tuổi, người điều hành một quầy hàng sữa ở Mumbai, cho biết, doanh số bán hàng đã giảm 35% kể từ khi đại dịch bắt đầu.

“Tôi thấy mọi người mua số lượng ít hơn vì đã mất việc làm. Mọi người không có tiền để chi tiêu, nhưng sữa là thứ thiết yếu, vì vậy mọi người phải mua ngay cả khi chi phí đã tăng lên”.

Bittu Gupta, một người bán hoa quả 55 tuổi, thường mua ba lít sữa mỗi ngày cho 5 đứa con nhưng bà giảm xuống còn hai lít. Bà pha trà vào buổi sáng, buổi tối là ly sữa cùng với bánh mì. “Tôi cho chúng ít hơn một chút, nhưng chúng vẫn cần. Mọi thứ đang tăng giá".

Sagarika Mukherjee, một người giúp việc 27 tuổi, chỉ mua đủ cho cậu con trai 10 tuổi của mình một bát yến mạch, và từ bỏ những thú vui nho nhỏ như uống trà.

“Giá của tất cả mọi thứ - rau, gạo - tất cả đều tăng hàng ngày. Người nghèo đang rất khó khăn nhưng chính quyền không mấy bận tâm. Chúng tôi chỉ còn lại niềm tin mà thôi”.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.ft.com/content/de840a18-cb5e-45e7-ad4e-981b8aee2d58

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục