Làm sâu sắc hơn quan hệ Đức - Ấn Độ
Vị trí địa lý cách xa nhau, một bên ở châu Âu, bên kia là châu Á. Một bên gồm hơn 82 triệu dân, lớn nhất châu Âu, với nền kinh tế có GDP danh nghĩa đứng thứ tư thế giới; bên kia là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới với hơn 1,2 tỷ người. Nhưng hai bên có cái duyên gặp gỡ và đang kết mối duyên thêm bền chặt. Đó cũng là một phần sứ mệnh trong chuyến thăm ba ngày tới Ấn Độ của Thủ tướng Đức A.Méc-ken.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Ấn Độ được thiết lập từ năm 2001 đang phát triển mạnh mẽ nhất trên hầu khắp các lĩnh vực, dưới thời của Thủ tướng Đức A.Méc-ken và người đồng cấp Ấn Độ N.Mô-đi. Sự tin cậy chính trị được củng cố vững chắc. Trong năm qua, hai bên đã tiến hành trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Đức hồi tháng 4 vừa qua của Thủ tướng Mô-đi và chuyến thăm hiện nay tới Ấn Độ của Thủ tướng Đức Méc-ken. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đánh giá, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Méc-ken là một trong những cơ hội quan trọng mà Ấn Độ mong đợi từ lâu nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.
Ngay trong ngày đầu đặt chân tới thủ đô Niu Đê-li, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành thảo luận về nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, quốc phòng, an ninh, giáo dục, năng lượng tái tạo, phát triển kỹ năng và nông nghiệp… nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương. Thủ tướng Mô-đi đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Đức trong thập niên qua, cho rằng hai nước có thể bổ trợ nhau về kỹ năng và nguồn lực phát triển công nghiệp trong thế hệ tiếp theo, thông qua hợp tác trong lĩnh vực chế tạo và phát triển hạ tầng. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Méc-ken tuyên bố, cùng với kết quả hội đàm, cuộc tham vấn liên chính phủ lần thứ ba giữa hai nước góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ an ninh, kinh tế, năng lượng sạch, đến phát triển kỹ năng, đào tạo đại học, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, bảo đảm an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu... Trong lĩnh vực quốc phòng, hai bên đã thảo luận việc thiết lập khuôn khổ hợp tác sản xuất quốc phòng chung theo sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ, tìm khả năng hợp tác trong dự án đóng mới sáu tàu ngầm của Ấn Độ cũng như các hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu từ Đức. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận việc thúc đẩy ký Hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ với Liên hiệp châu Âu (EU) và về vấn đề biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, Đức muốn trở thành một đối tác tốt, một bên hỗ trợ của Ấn Độ và đóng góp nhiều hơn vào việc phát triển nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong EU, là một trong 10 đối tác thương mại toàn cầu của Ấn Độ và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy tại Ấn Độ, với tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đạt khoảng 996 triệu USD. Hiện có 1.700 công ty Đức đang làm ăn ở Ấn Độ, với các ngành hàng chủ yếu gồm hóa chất, năng lượng và dược phẩm. Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Đức và Ấn Độ đạt gần 18 tỷ USD, tăng mạnh so mức khoảng ba tỷ USD hai bên đạt được năm 1990, khi Ấn Độ bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa. Cả Béc-lin và Niu Đê-li đều rất quan tâm thúc đẩy tiềm năng lớn trong hợp tác thương mại song phương nhằm tiếp sức cho nền kinh tế đang tăng trưởng khả quan ở mỗi nước. Đức không những vẫn đứng vững giữa cơn khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng ơ-rô, mà còn duy trì được vị trí đầu tàu kinh tế của khu vực. Dự báo, tăng trưởng GDP của Đức sẽ đạt 1,8% trong năm nay, tăng lên 2,1% trong năm 2016 và đạt 2,3% vào năm 2017. Cũng theo dự báo của một số hãng xếp hạng tín nhiệm thế giới, Ấn Độ sẽ “soán ngôi” của Trung Quốc và trở thành nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất trong tài khóa 2015-2016, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 7,5% nhờ các sáng kiến chính sách của chính phủ, đầu tư tăng và giá dầu thế giới giảm. Thủ tướng nước chủ nhà Mô-đi một lần nữa thúc đẩy chiến dịch Sản xuất tại Ấn Độ, cam kết trải thảm đỏ đón giới đầu tư và kinh doanh Đức thực hiện chiến dịch này. Ông Mô-đi tuyên bố, Ấn Độ có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm chế tạo toàn cầu, đồng thời mong muốn cùng các nước hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, với các lợi thế nổi bật về nhân khẩu, thị trường tiêu dùng, chế độ chính trị…
Như một cái duyên gặp gỡ, Đức và Ấn Độ ngày càng khẳng định sự tin cậy về chính trị, sự chia sẻ về lợi ích chiến lược và mong muốn gắn kết bền chặt hơn cái duyên ấy giữa hai nước. Như lời của Thủ tướng Đức Méc-ken, chuyến thăm Ấn Độ của bà chứng tỏ rằng, hai nước đang hợp tác rất chặt chẽ ở cấp chính phủ và trên diện rộng, ở nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, nông nghiệp, an ninh nội địa, quốc phòng và biến đổi khí hậu, qua đó tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương. Chuyến thăm này còn cụ thể hóa chính sách đối ngoại dưới thời Thủ tướng Méc-ken nhằm giữ vững quan hệ giữa Đức với các cường quốc và các nước mới nổi.
(Theo http://www.nhandan.com.vn/)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ thắt chặt các biện pháp chống ô nhiễm không khí
Tin tức 03:00 01-12-2024
Học giả Ấn Độ ấn tượng với thành tựu phát triển của Việt Nam
Tin tức 10:00 12-12-2024
Bất chấp sóng gió, quan chức Ấn Độ thăm Bangladesh
Tin tức 10:00 09-12-2024
Ấn Độ khẳng định cam kết về quan hệ chiến lược với Nga
Tin tức 09:00 12-12-2024