Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Lãnh đạo Nga - Ấn Độ ra tuyên bố chung về vấn đề Syria và Ukraine

Lãnh đạo Nga - Ấn Độ ra tuyên bố chung về vấn đề Syria và Ukraine

Chiều 24/12/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra tuyên bố chung Nga - Ấn dựa trên kết quả của chuyến thăm Nga chính thức của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ.

03:14 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tuyên bố chung "Mối quan hệ tin tưởng hướng tới những chân trời hợp tác mới" nêu rõ Nga và Ấn Độ kiên quyết bày tỏ ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. 

Tuyên bố viết: "Các bên thống nhất rằng cuộc xung đột vũ trang nội bộ tại Syria không có giải pháp quân sự và chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp chính trị và ngoại giao - thông qua đối thoại trong nội bộ Syria mà không có điều kiện tiên quyết, sự can thiệp từ bên ngoài và trên cơ sở thông cáo Geneva ngày 30/6/2012, Tuyên bố chung về kết quả cuộc đàm phán đa phương về Syria tại Vienna ngày 30/10/2015 và tuyên bố của "Nhóm Hỗ trợ Syria" ngày 14/11/2015."

Nga và Ấn Độ cũng bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ nhân dân và Chính phủ Iraq trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa giải dân tộc và thống nhất tại Iraq, dựa trên sự hình thành một hệ thống chính phủ và củng cố các tổ chức dân chủ bằng cách tạo ra các cơ hội thích hợp. 

Về tình hình ở Ukraine, Nga và Ấn Độ hoan nghênh các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực an ninh, bao gồm việc tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Đông Nam Ukraine, cũng như việc ký thỏa thuận rút vũ khí hạng nhẹ (cỡ nòng nhỏ hơn 100mm) khỏi đường giới tuyến giữa các bên. 

Thông cáo chỉ rõ điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy một giải pháp chính trị, vốn không thể thay thế, hòa giải giữa các bên chỉ có thể là kết quả của đối thoại trực tiếp.

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo 2 nước, Nga và Ấn Độ đã ký 15 văn kiện, trong đó có 2 nghị định thư sửa đổi thỏa thuận về đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. 

Hai bên cũng ký 4 hiệp định về hợp tác sản xuất trực thăng Ka-226 ở Ấn Độ; xác nhận việc hoàn thành giai đoạn đầu, chuẩn bị tiến tới thỏa thuận liên doanh trên cơ sở Công ty cổ phần Vankorneft; về phát triển, chuyển giao và hỗ trợ công nghệ thực hiện xuyên suốt sản xuất các sản phẩm dành cho máy hạng nặng, máy năng lượng, kể cả hạt nhân; cung cấp thiết bị sản xuất, cũng như thành lập trung tâm đào tạo.

Ngoài ra còn 6 biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực hợp tác đầu tư tại vùng Viễn Đông của Nga, về hợp tác giữa Công ty cổ phần "Đường sắt Nga" với Bộ Đường sắt của Ấn Độ; về hợp tác trong lĩnh vực địa chất, thăm dò, khảo sát và khai thác dầu khí trên đất liền và thềm lục địa Liên bang Nga; hợp tác giữa Bộ Năng lượng Nga và Tổng công ty năng lượng Mặt Trời Ấn Độ để xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Ấn Độ; hợp tác giữa Công ty cổ phần Truyền hình số và công ty Prasar Bharati trong lĩnh vực phát thanh truyền hình; cũng như về sự phát triển các hệ thống máy tính tiên tiến; hợp tác trong lĩnh vực thiết kế và phát triển máy thu định vị với sự hỗ trợ của các hệ thống GLONASS và IRNSS.

Các bên đã ký chương trình hành động giữa tập đoàn Rosatom và Bộ Năng lượng nguyên tử Chính phủ Ấn Độ về nội địa hóa, sản xuất ở Ấn Độ thiết kế nhà máy điện hạt nhân của Nga. Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Putin cho biết, sắp kết thúc giai đoạn đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Kudankulam với 2 tổ máy và sẽ sớm bắt đầu xây dựng 2 tổ máy nữa. Tổng cộng kế hoạch trong 20 năm sẽ xây dựng 12 nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ sử dụng công nghệ Nga.

Tổng thống Putin cũng cho biết, Nga và Ấn Độ đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Ông thông báo việc bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa đối hạm phục vụ cho Hải quân Ấn Độ. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận dự án phát triển tiêm kích đa năng và máy bay vận tải đa năng.

Về phần mình, Thủ tướng Modi cho biết, New Delhi và Moskva đã "đặt nền tảng cho đường hướng tương lai quan hệ đối tác chiến lược"./. (Theo TTXVN)

Nguồn:

Cùng chuyên mục