Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham dự Đại Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Mahatma Gandhi (2/10/1869 - 2/10/2018)

Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham dự Đại Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Mahatma Gandhi (2/10/1869 - 2/10/2018)

Ngày 2/10/2018, Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức Đại Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Mahatma Gandhi - nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Ấn Độ.

03:15 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tham dự Lễ kỷ niệm có ngài P. Harish, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thảo, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, PGS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, PGS, TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, TS Nguyễn Thị Phương Thảo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, cùng nhiều quan khách của Bộ Ngoại giao, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, một số trường Đại học, cơ quan ban ngành ở Hà nội và hơn 100 trí thức yêu mến đất nước và con người Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc Đại Lễ kỷ niệm, ngài P. Harish, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, đã nêu bật tầm vóc vĩ đại của Mahatma Gandhi trên những bình diện nhà tư tưởng và nhà lãnh đạo, anh hùng vĩ đại của nhân dân Ấn Độ. “Gandhi là một tín đồ của Hindu giáo vĩnh cửu (Sanata Hinduism) (Hindu giáo cổ xưa) và Người đem đến cho tôn giáo này một ý nghĩa mới thông qua cách sống và những tác phẩm của mình. Cuộc tìm kiếm “chân lý” và sự sùng tín mãnh liệt của Người đối với chúa Rama kết hợp với cuộc đấu tranh chính trị mà Người dẫn đầu vì sự tự do của Ấn Độ và tình cảm sâu sắc của Người đối với những tầng lớp thấp kém trong xã hội Ấn Độ cũng như những nỗ lực của Người để cải thiện cuộc sống cho họ, cho chúng ta thấy công thức của sự kết hợp Karma Yoga (Yoga của hành động và hành vi), Gyan Yoga (Yoga của tri thức) và Bhakti Yoga (Yoga của sự sùng tín và niềm tin) như là một phương tiện để giác ngộ đấng tối cao…”.

Ngài P. Harish hy vọng rằng, sau Đại Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Gandhi này, người dân Việt Nam sẽ biết nhiều hơn về Gandhi, và việc làm này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người tìm hiểu thêm về lãnh tụ vĩ đại, về anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi.

Trong bài phát biểu của mình, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo, PGS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã bày tỏ tình cảm, lòng tôn kính của mình đối với Gandhi, khẳng định rằng, Người được hàng triệu nhân dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahatma, nghĩa là “linh hồn vĩ đại”. Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo, một vị anh hùng dân tộc vĩ đại, mà còn được nhiều người Ấn Độ tôn kính gọi là Bapu, nghĩa là người Cha. Trong suốt cuộc đời, Gandhi phản đối tất cả các hình thức đấu tranh bạo động, thay vào đó bằng phương pháp đấu tranh “bất bạo động” (còn gọi là bất tổn sinh Ahimsa). Phương pháp đấu tranh “kiên trì chân lý” còn gọi là Chấp trì chân lý (Satyagraha) của Gandhi đã ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh bất bạo động trên toàn Ấn Độ, cũng như ở nhiều nước. Để ghi nhận công lao và đóng góp của ông, Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 2/10 là Ngày Quốc tế bất bạo động.

Tại buổi Đại Lễ kỷ niệm, Ban tổ chức đã công chiếu cuốn phim tư liệu tóm tắt về cuộc đời hoạt động của Gandhi.

Đại sứ Harish cũng đã trao biểu trưng tem bưu chính về quan hệ Việt Nam - Ấn Đọ đã được phát hành nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Buổi Đại Lễ kỷ niệm diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, nồng ấm tình hữu nghị thủy chung của hai nước Việt Nam - Ấn Độ

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục