Liên minh kim cương là bước đầu để thành lập NATO ở châu Á?
'Tứ giác kim cương' Mỹ - Nhật - Úc - Ấn được giới chuyên gia nhận định sẽ tác động đáng kể đến cấu trúc an ninh khu vực trong thời gian tới.
Trong tháng 11/2017, khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương liên tục được giới chức và các nhà phân tích nhắc đến. Một số ý kiến còn cho rằng, đã đến lúc cụm từ này thay thế cho cụm châu Á – Thái Bình Dương và sự thay đổi này không chỉ là vấn đề ngữ nghĩa mà còn có thể tạo ra “cơn địa chấn” trên bàn cờ địa chính trị ở khu vực.
Bên cạnh đó, hồi đầu tháng, Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ đã nhất trí thành lập một liên minh có thể tiến hành hoạt động tuần tra và tăng cường ảnh hưởng ở vùng biển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, bao gồm cả những điểm nóng tranh chấp như Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trên thực tế, ý tưởng thành lập liên minh này đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập từ lâu, tuy nhiên lúc đó sáng kiến chưa được định hình rõ ràng và một số nước còn e dè trước sự phản ứng của Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, sự trở lại của “liên minh kim cương” một cách rõ ràng hơn bên lề Hội nghị cấp cao APEC vừa qua tại Việt Nam cho thấy 4 nước đang ngày càng quan ngại về những biến động chiến lược về an ninh và kinh tế trong khu vực.
Sau cuộc họp cấp trị sự lần đầu tiên, 4 nước đã ra tuyên bố chung với cam kết đảm bảo duy trì khu vực "tự do và mở", "tôn trọng luật pháp quốc tế" và "trật tự dựa trên nguyên tắc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Theo các chuyên gia, điều này phản ánh nhận thức chung của họ là Trung Quốc đang không tuân thủ các quy tắc về lãnh thổ, hàng hải và thương mại, trong đó có vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khu vực Đông Á hiện nay đang theo hướng “cân bằng cứng”, trong đó có kế hoạch đối trọng Trung Quốc bằng việc thiết lập liên minh với Nhật, Úc, Ấn, theo tờ South China Morning Post. Đây có thể là cách duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực sau khi khước từ chính sách “xoay trục” của người tiền nhiệm Barack Obama, cũng như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bên cạnh đó, chính sách mới cho thấy Mỹ đang nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ trong bàn cờ này. Ngoài ra, các nước nhỏ trong khu vực cũng có thể hưởng lợi từ mô hình mới.
Thay vì nói đến sự đối trọng, cả 4 nước trong “liên minh kim cương” đều đề cập mục tiêu thúc đẩy tự do và cởi mở trong khu vực. Những lợi ích và tầm nhìn chung về an ninh giúp gắn kết các thành viên. Tờ South China Morning Post nhận định liên minh này có thể mở ra tiềm năng xây dựng một NATO ở châu Á, làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc an ninh khu vực trong thời gian tới.
Nguồn: https://baomoi.com/lien-minh-kim-cuong-la-buoc-dau-de-thanh-lap-nato-o-chau-a/c/24084638.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ, Trump và chủ nghĩa đa phương
Tin tức 09:00 15-11-2024
Ấn Độ và nhiệm kỳ thứ hai của Trump
Tin tức 02:00 14-11-2024
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Tin tức 10:00 08-11-2024